Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 10/2024/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Theo đó, có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vaccin, gồm: bệnh viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae týp b, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella và tiêu chảy do vi rút Rota.
Trong đó, 2 mũi tiêm sớm nhất cho trẻ nhỏ là viêm gan B và lao. Cụ thể: Viêm gan B liều sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh; sau đó tiêm lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, tiêm lần 2 (ít nhất 1 tháng sau lần 1) và tiêm lần 3 (ít nhất 1 tháng sau lần 2). Vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
Việc xác định đối tượng phải sử dụng vaccine sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này do Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vaccine, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.
Về phạm vi sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, Bộ Y tế nêu rõ vaccine thuộc danh mục quy định tại bảng 1 được triển khai trên toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, còn có 10 bệnh phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch là: bệnh bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản B, dại, cúm, COVID-19.
Theo Bộ Y tế, với 10 vắc xin trên, việc xác định đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch do Sở Y tế trình UBND tỉnh, thành quyết định, hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng vắc xin, sinh phẩm y tế, nguồn lực của địa phương.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8 và thay thế cho Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Tiêm chủng bảo vệ hàng triệu trẻ em suốt 40 năm qua
Trước đó, ngày 25/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát đi thông cáo chung kỷ niệm Tuần lễ tiêm chủng thế giới.
Trong thông cáo, hai tổ chức này nhấn mạnh tiêm chủng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em tại Việt Nam khỏi nhiều loại bệnh tật trong suốt hơn 40 năm qua.
Số trẻ em tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine đã giảm đáng kể từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia vào năm 1981, với mục tiêu đảm bảo rằng tất cả trẻ em ở mọi miền đất nước đều được tiếp cận với vaccine phòng bệnh.
Với hàng chục triệu trẻ em được tiêm chủng kể từ khi triển khai chương trình, Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa và bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và giảm đáng kể số ca bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi, bạch hầu, ho gà và viêm não Nhật Bản.
Theo WHO và UNICEF, vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại. Trong vòng 50 năm qua, vaccine đã cứu sống gần 154 triệu người (tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm) trên toàn cầu. Ngày nay, rất nhiều trẻ em có thể đón sinh nhật đầu tiên của mình, nhiều hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử loài người.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã góp phần cứu sống trẻ em và giảm bớt tác động tàn khốc của những loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine đối với gia đình, cộng đồng và đất nước trong hơn 40 năm qua. Trong tương lai, chúng tôi đặc biệt khuyến khích Chính phủ Việt Nam duy trì thành tựu to lớn này để mọi trẻ em đều có cơ hội sống sót, phát triển và có một cuộc sống khỏe mạnh."