Tủ lạnh là thiết bị bảo quản thực phẩm nhưng không phải thứ gì cũng nên cho vào đó. Nhiều loại rau củ nếu "lỡ" bỏ vào ngăn mát sẽ nhanh hỏng hơn, mất chất dinh dưỡng và thậm chí còn sinh ra chất gây hại.
Cùng điểm danh 10 loại rau củ "sợ lạnh" nhất, bạn nên tránh cho vào tủ lạnh nhé.
1. Khoai tây
Khoai tây là loại củ giàu tinh bột. Khi bảo quản ở nhiệt độ dưới 7°C (nhiệt độ phổ biến trong ngăn mát tủ lạnh), tinh bột trong khoai sẽ chuyển hóa thành đường. Điều này khiến khoai có vị ngọt nhẹ và dễ bị mềm, thậm chí đổi màu. Nghiêm trọng hơn, khi chiên hoặc nướng ở nhiệt độ cao, lượng đường dư này sẽ kết hợp với axit amin tự nhiên trong khoai, tạo ra acrylamide là một chất có khả năng gây ung thư nếu tích tụ lâu dài. Bên cạnh đó, tủ lạnh còn dễ tạo độ ẩm khiến khoai mọc mầm và mầm khoai chứa solanine, một chất độc thần kinh mạnh.
Cách tốt nhất để bảo quản khoai là đặt trong thùng giấy hoặc rổ tre, để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Không nên đặt gần hành tây vì sẽ kích thích khoai mọc mầm nhanh hơn.
2. Hành tây
Hành tây cần môi trường khô ráo để bảo quản lâu. Ở trong tủ lạnh, hành sẽ hút ẩm và nhanh chóng bị mềm nhũn, thậm chí mốc trắng từ bên trong. Một khi hành bị mềm, lõi bên trong cũng rất dễ úng nước, sinh vi khuẩn. Hơn nữa, môi trường ẩm ướt còn làm tinh dầu đặc trưng trong hành bị biến đổi, mất đi vị cay nồng vốn có khiến món ăn kém hấp dẫn.
Bạn nên để hành tây ở nơi khô thoáng, có thể cho vào túi lưới hoặc treo lên cao trong gian bếp. Không đặt chung với khoai tây vì hai loại này tiết khí thúc đẩy nhau hư nhanh hơn.
3. Tỏi
Tỏi cũng giống như hành, rất nhạy cảm với độ ẩm. Khi cất trong tủ lạnh, các tép tỏi dễ bị ỉu, mềm nhũn, vỏ tỏi thậm chí chuyển màu vàng xỉn. Đặc biệt, mùi thơm nồng vốn là tinh chất của tỏi sẽ bị bay hơi nhanh trong môi trường lạnh, khiến tỏi kém thơm khi nấu ăn. Ngoài ra, độ ẩm cao sẽ kích thích nấm mốc phát triển ở cuống tỏi hoặc giữa các tép.
Để tỏi giữ được lâu và thơm, bạn nên cất trong hũ thủy tinh hoặc hũ đất có lỗ thoát khí. Nếu sống ở nơi có độ ẩm cao, có thể bỏ thêm ít gói hút ẩm vào trong hũ.
4. Cà chua
Cà chua khi cho vào tủ lạnh rất dễ bị vỡ cấu trúc tế bào vì môi trường lạnh dưới 7°C gây "đông cứng cục bộ". Điều này khiến quả bị mềm, dễ dập và xuất hiện vết đốm nước. Ngoài ra, việc bảo quản trong tủ lạnh cũng làm enzym trong cà chua bị phá vỡ, làm giảm hương vị và độ ngọt tự nhiên. Ăn cà chua lạnh cũng thường có cảm giác nhạt, không ngon.
Thế nên tốt nhất là bảo quản cà chua ở nhiệt độ phòng, đặt ngược phần cuống xuống để hạn chế bay hơi nước và kéo dài độ tươi. Tránh để nơi quá nắng vì dễ bị chín ép và thối.
5. Cà tím
Cà tím cũng rất nhạy cảm với lạnh. Khi để trong tủ lạnh vài ngày, vỏ cà sẽ ngả màu nâu đen, phần thịt bên trong chuyển mềm và có vị đắng. Đây là dấu hiệu của việc tế bào bị tổn thương và enzym oxy hóa phát triển mạnh. Không chỉ mất ngon, cà tím còn dễ bị mốc khi để gần các loại quả chín khác như chuối, táo.
Cách tốt nhất là gói cà tím trong khăn giấy khô hoặc giấy báo rồi cất ở nơi râm mát, thoáng khí. Tránh rửa trước khi cất để không làm tăng độ ẩm.
Để tủ lạnh lâu, lớp vỏ căng mọng của ớt chuông sẽ dần co rút, nhăn nheo. Quan trọng hơn, nhiệt độ thấp làm phân hủy nhanh vitamin C - một trong những thành phần quý giá có trong ớt. Kết quả là ớt chuông trông không còn tươi, ăn kém giòn và không còn bổ như lúc mới mua.
Bạn nên để ớt chuông vào túi giấy, bọc nhẹ bằng khăn giấy và cất nơi thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp. Nếu buộc phải bảo quản tủ lạnh (trong thời gian ngắn), hãy đặt ở ngăn chứa rau, tránh để gần vách tủ.
7. Dưa leo
Dưa leo có hơn 95% là nước. Khi gặp nhiệt độ dưới 5°C, các mô nước trong ruột dưa sẽ vỡ ra, tạo cảm giác dưa mềm nhũn, có thể chảy nhớt và thậm chí bị thối từ bên trong. Ngoài ra, lớp vỏ dưa leo khá mỏng nên rất dễ xuất hiện các đốm đen nếu bị "sốc nhiệt".
Tốt nhất là hãy bảo quản dưa leo ở nhiệt độ phòng, đặt trong rổ tre có lót khăn giấy hút ẩm. Nếu trời quá nóng, bạn có thể để tủ lạnh nhưng không quá 2 ngày và nhớ bọc kỹ bằng khăn giấy khô.
8. Bí đỏ
Thịt bí đỏ vốn mềm, ngọt và dẻo. Nhưng khi để trong tủ lạnh, đặc biệt dưới 10°C, các sợi tế bào sẽ bị chai lại, khiến bí trở nên xơ xác, mất vị ngọt tự nhiên. Đối với bí đã bổ, nhiệt độ lạnh còn khiến bề mặt cắt nhanh bị thâm, ẩm mốc.
Bạn chỉ nên để bí nguyên quả ở nơi khô ráo, có thể treo lên hoặc để trên giá gỗ. Nếu đã cắt, hãy bôi một lớp muối mỏng lên mặt cắt rồi bọc lại bằng giấy hoặc màng bọc thực phẩm.
9. Bí đao
Bí đao (hoặc bí xanh) có lớp vỏ sáp mỏng giúp chống lại hơi ẩm và vi khuẩn. Khi để trong tủ lạnh, lớp sáp này sẽ bị phá vỡ, khiến quả mất đi "áo giáp tự nhiên". Kết quả là bí đao dễ bị mềm vỏ, úng ruột, thậm chí nấm mốc lan từ cuống xuống. Nếu đã bổ, phần ruột cũng nhanh bị nhớt và mốc trắng.
Cách bảo quản tốt nhất là để nguyên quả ở nơi thoáng mát, lót bên dưới một tấm gỗ hoặc giấy bìa để tránh hút ẩm từ nền.
10. Khổ qua (mướp đắng)
Khổ qua là loại quả rất dễ bị biến màu nếu bảo quản không đúng cách. Ở nhiệt độ lạnh dưới 10°C, lớp vỏ nhanh chóng chuyển sang màu nâu đen, mất đi độ bóng và giòn. Ngoài ra, lạnh làm phá vỡ các chất tạo vị đắng đặc trưng - vốn là thành phần giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
Vậy nên cũng chỉ nên bọc khổ qua bằng giấy báo, để nơi râm mát, khô ráo. Nếu trời quá nóng, có thể cho vào túi giấy và đặt ở ngăn mát tủ lạnh nhưng không quá 3 ngày.
Nguồn: Aboluowang