Ông bà ta thường nói "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy", ý muốn nhắc nhở về tầm quan trọng của các quy tắc trong cuộc sống. Dù ở nông thôn hay thành thị, việc tuân thủ những chuẩn mực nhất định giúp tạo nên sự hài hòa và trật tự xã hội. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong tư tưởng, nhiều quy tắc xưa đang dần bị lãng quên. Dưới đây là 10 quy tắc ứng xử thường ngày, đặc biệt trong ngày Tết, bạn còn nhớ bao nhiêu và sẽ dạy lại cho con cháu mình những điều gì?
1. Gặp người lớn tuổi phải chủ động chào hỏi. Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy chúng ta dù ở nhà hay ra ngoài gặp người quen, đặc biệt là người lớn tuổi, phải chủ động chào hỏi.
2. Đi thăm họ hàng không được đi tay không. Người xưa rất coi trọng việc lễ nghĩa, đến nhà người thân, bạn bè không nên đi tay không. Ngày nay, một số người trẻ dường như đã quên điều này.
3. Nhà có khách đến, cần nhớ: "Trà bảy, cơm tám, rượu đầy". Bởi vì trà đầy là khinh người, rượu đầy là kính người. Trà không nên rót đầy bởi vì trà ngon khi còn nóng, nếu rót đầy, cầm chén sẽ bị bỏng tay, hoặc uống trực tiếp cũng bất tiện. Đây chính là sự tôn trọng dành cho khách.
4. Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi. Đây cũng là một biểu hiện của văn hóa ứng xử và sự tu dưỡng cá nhân. Có người ngồi xuống thích vắt chéo chân hoặc rung đùi. Có câu "Nam rung nghèo, nữ rung hèn". Tuy hơi quá nhưng rung đùi thực sự khiến người khác đánh giá thấp về bạn.
5. Ăn cơm phải bưng bát. Ông bà ta có câu "Tay không bưng bát, nghèo ba đời", ý nói khi ăn cơm không được gục mặt xuống bàn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến người ngồi cạnh. Cách ăn đúng là một tay cầm bát, một tay cầm đũa, khi gắp thức ăn không được đảo qua đảo lại trong đĩa, chỉ nên gắp phần thức ăn trước mặt mình.
6. Đưa kéo, dao cho người khác phải đưa cán. Việc này xuất phát từ sự quan tâm đến người khác, giúp họ dễ dàng cầm nắm và tránh bị thương. Khi người khác đưa đồ cho mình, cũng nên dùng hai tay để nhận.
7. Nói chuyện không được ồn ào, la hét. Từ nhỏ, người lớn đã dạy chúng ta khi nói chuyện không nên lớn tiếng, đặc biệt khi trò chuyện với người lớn tuổi, như vậy sẽ thể hiện sự thiếu giáo dục. Thậm chí, một số người có thể bị giật mình bởi tiếng la hét đột ngột.
8. Đến nhà người khác chơi, nếu chủ nhà chưa mời thì không được tự ý ngồi lên giường của họ. Thêm một điều nữa là không nên vào phòng khi không có ai ở trong đó.
9. Ra khỏi nhà hoặc về nhà phải chào hỏi người trong gia đình.
10. Thăm người ốm hoặc người già nên đi vào buổi sáng. Ở nhiều vùng quê, mọi người thường đến thăm hỏi vào buổi sáng hoặc buổi trưa, ít khi đến vào buổi chiều. Khi tặng quà, không nên tặng quả lê mà nên tặng táo.
Trên đây là 10 quy tắc ứng xử xưa, bạn còn nhớ bao nhiêu? Bạn sẽ dạy lại cho thế hệ sau những điều gì? Thực tế, khi tư tưởng ngày càng cởi mở, cùng với sự ra đi của thế hệ trước, nhiều quy tắc không còn quá quan trọng nữa. Tuy nhiên, một số quy tắc vẫn nên được gìn giữ.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)