Mới đây, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa công bố một bảng danh sách đáng chú ý, liệt kê 10 nhạc sĩ có thu nhập cao nhất từ tác quyền ca khúc. Theo thông tin nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ với website của Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam, bất kì một ca khúc nào của một nhạc sĩ khi đi vào đời sống (biểu diễn, bật tại các nơi công cộng, quán karaoke, từ YouTube, mạng xã hội,...) đều sản sinh ra doanh thu. Điều này có nghĩa là nhạc sĩ khi sáng tác ra một ca khúc, nếu ca khúc này càng được sử dụng càng nhiều thì sản sinh ra doanh thu càng cao.
Danh sách 10 nhạc sĩ có thu nhập cao nhất (tính đến hết năm 2019) khiến cho khán giả không khỏi bất ngờ khi hoàn toàn không có những tên tuổi nhạc sĩ đang hot hiện tại như Khắc Hưng, Only C, Tiên Cookie, Mr. Siro, Phan Mạnh Quỳnh, Vương Anh Tú,...! Bạn có tò mò Top 10 nhạc sĩ nằm trong danh sách là những ai?
Danh sách thống kê của VCPMC.
Theo đó, giữ vị trí "Quán quân" là nhạc sĩ Khánh Đơn, nhạc sĩ gắn liền với các bản hit như: "Quên Cách Yêu", "Sao Băng Khóc", "Tạm Biệt Người Anh Yêu" lừng lẫy một thời. Việc Khánh Đơn trở thành nhạc sĩ có thu nhập từ tác quyền cao nhất ắt hẳn khiến khán giả không khỏi bất ngờ, tuy nhiên khi xét một cách kĩ càng lại là điều hoàn toàn hợp lí. Các sáng tác của Khánh Đơn đánh mạnh đến đối tượng khán giả bình dân, đối tượng khán giả đông đảo nhất hiện tại, họ nghe đi nghe lại các sáng tác của anh khắp nơi, các sáng tác này có một sức sống "ngầm" từ thành thị cho đến thôn quê suốt nhiều năm qua.
Nhạc sĩ Khánh Đơn.
Vị trí "Á quân" thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, vị nhạc sĩ lão làng với những sáng tác dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn không thể nào quên như: "Ơi Cuộc Sống Mến Thương", "Ngày Đầu Tiên Đi Học", "Xúc Xắc Xúc Xẻ",... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với "Nhật Ký Của Mẹ" xếp vị trí thứ 4 trong khi nhạc sĩ Thái Thịnh với bản bolero "kinh điển" - "Duyên Phận" xếp ở vị trí thứ 5.
Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn cũng xếp ở vị trí thứ 7, càng chứng tỏ sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông suốt bao nhiêu năm vẫn luôn được các thế hệ khán giả nhớ đến. Mặc dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mất vào năm 2001 nhưng theo luật của VCPMC, tác quyền vẫn sẽ được ghi nhận đến 70 năm sau khi tác giả qua đời.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cũng theo VCPMC, các nhạc sĩ nằm trong 5 vị trí dẫn đầu có mức thu nhập lên đến 200 - 700 triệu đồng 1 quý, tùy theo số lượng bài hát và số lần ca khúc đó được sử dụng trong tháng. Ngoài các nhạc sĩ trong top 10, những nhạc sĩ đang có thu nhập cao, sở hữu nhiều ca khúc hit hiện nay được phía VCPMC liệt kê gồm: Khắc Hưng, Đỗ Hiếu, Only C, Nguyễn Phúc Thiện, Phan Mạnh Quỳnh, Vương Anh Tú, Tiên Cookie, Nguyễn Hải Phong, Mr.Siro... đây là những gương mặt rất quen thuộc với giới trẻ vì gắn liền với đời sống âm nhạc của người trẻ trong những năm vừa qua.
Về con số cụ thể hơn của những nhạc sĩ đang "hot" hiện nay, Only C tiết lộ: “Riêng ở vai trò nhạc sĩ, qua các ca khúc hit như: Mình Là Gì Của Nhau, Bống Bống Bang Bang, Anh Không Đòi Quà, Yêu Một Người Có Lẽ... mỗi quý tôi thu nhập khoảng trên dưới 100 triệu đồng”. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cũng trả lời phỏng vấn cho biết mỗi quý anh thu từ 200 - 400 triệu đồng từ tiền tác quyền. Có thể thấy đây là một trong những lần hiếm hoi mà các nhạc sĩ công khai mức thu nhập từ tác quyền của mình.
Only C mỗi quý có doanh thu 100 triệu đồng từ tác quyền.
Được biết, thống kê doanh thu sẽ do VPCMC thực hiện với sự thỏa thuận và kí kết trước đó với nhạc sĩ, cả hai bên đều sẽ có trách nhiệm và quyền lợi với nhau. Theo đó, mỗi bài ca sĩ đưa lên kênh YouTube thường sẽ đóng tác quyền khoảng 1,5 triệu đồng. YouTube và VCPMC sẽ phối hợp với nhau khá chặt chẽ trong việc thu tác quyền ca khúc cho nhạc sĩ nên phần nào giúp họ có thêm thu nhập. Nếu không đóng tác quyền sẽ bị YouTube phát hiện cho ngưng ngay sản phẩm.
Tiên Cookie, Phan Mạnh Quỳnh, Mr. Siro cũng nằm trong top những nhạc sĩ có thu nhập cao.
Theo thông tin từ đại diện VCPMC, ở lĩnh vực biểu diễn nghê thuật, hiện vẫn còn một số đơn vị tổ chức biểu diễn luôn tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả. Có đơn vị lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua. Ngay cả các show diễn quy mô lớn, có doanh thu, giá vé cao vẫn... né tác quyền.
Với việc khán giả nghe nhạc ngày càng khắt khe và chọn lọc hơn, thì nguồn thu nhập của các nhạc sĩ từ ca khúc của mình theo đó cũng tăng lên, chính vì thế, việc siết chặt hơn nữa trong khâu tác quyền sẽ đảm bảo quyền lợi cho tác giả và nghệ sĩ, đồng thời ngày càng đưa nền âm nhạc Việt Nam ngày càng văn minh hơn.