10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 23:00 18/02/2018
Chia sẻ

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ấy có lẽ là câu nói phù hợp nhất để nhận xét chung về mảng phim hôn nhân gia đình. Mỗi câu chuyện phim lại đưa tới cho khán giả thêm nhiều góc nhìn mới về cuộc sống, để họ soi chiếu và chỉnh trang lại chính mình.

Kì cuối của chuyên đề 10 năm phim truyền hình Việt, chúng ta sẽ đến với chủ đề gần gũi nhất với tất cả mọi người: phim hôn nhân gia đình. Đây là dòng phim "đinh" của những bà nội trợ lẫn các cô gái, là chủ đề để mọi người bàn tán ngày qua ngày. Chúng ta đã có gì trong 10 năm qua trên truyền hình về dòng phim này?

1. Blog nàng dâu (2009) – Bộ phim vừa đi theo, vừa tạo được xu hướng đương thời

Vy (Lã Thanh Huyền) là một cô gái gốc Sài Gòn nhưng học tập và sinh sống ở nước ngoài. Cô xuất thân trong một gia đình giàu sang và có khả năng rất đặc biệt về ẩm thực mặc dù cô không hề biết nấu ăn. Sau khi có tình yêu sét đánh với Hùng (Tuấn Tú), họ quyết định kết hôn. Vy sau đó theo chồng về Việt Nam sinh sống.

Mẹ chồng cô là con gái Hà Nội chính gốc nên rất khéo léo trong việc chăm sóc chồng con. Bà không hài lòng về cô con dâu Tây không hề biết nấu nướng này. Trong khi đó thì Hùng gặp lại Thủy, mối tình đầu của mình. Anh bỗng nhiên trở nên xa cách và lạnh lùng với vợ. Tình cảm vợ chồng rạn nứt trong khi mâu thuẫn với mẹ chồng không ngừng tăng, Vy cảm thấy mình như người thừa trong nhà. Cô trút hết tâm sự vào blog và coi nó như một người bạn thân.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Cô giấu mọi người đi học nấu ăn và làm việc tại nhà hàng của Lý. Vy làm tất cả công việc như rửa bát, phụ bếp đến lễ tân với mục đích trở thành đầu bếp giỏi trong gia đình chồng. Thế nhưng Hùng lại không muốn, thậm chí từng cấm cô đi làm. Vy rất bức xúc, vì cô không chấp nhận việc mình được học cao hiểu rộng, cuối cùng lại chỉ loanh quanh ở góc bếp. Khoảng cách giữa cô và chồng ngày càng xa trong khi Lý cũng dành cho cô tình cảm đặc biệt.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 2.

Blog nàng dâu lên sóng đúng vào thời kì hoàng kim của blog tại Việt Nam. Nhờ điều này, phim đã tạo được hiệu ứng rất tốt với khán giả. Sự tương tác giữa phim ảnh và đời thực chính là mấu chốt để bộ phim tới gần hơn với khán giả. Không biết có bao nhiêu người con dâu thời ấy, vì học theo Vy nên đã vơi bớt được phần nào tâm sự.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 3.

2. Ba đám cưới một đời chồng (2013) – Bi kịch nhưng không quá bi lụy

Lựa chọn phong cách làm phim khai thác tâm lý nhân vật và pha chút dí dỏm, hài hước trong các tình huống đời thường, 27 tập phim Ba đám cưới một đời chồng thể hiện sinh động những diễn biến tình cảm của một cô gái trẻ qua những câu chuyện giản dị về tình yêu, tình bạn.

Bằng cảm nhận của một đoàn làm phim trẻ với những sáng tạo về tạo hình, âm nhạc, bộ phim giúp khán giả cảm nhận thêm những giá trị về tình yêu trong cuộc sống hôm nay: Hãy yêu chân thành và dám đối mặt với thử thách, khó khăn để bảo vệ tình yêu và giữ được người mình yêu.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 4.

Bộ phim xoay quanh cuộc đời cô tiểu thư Ái Vân (Đan Lê). Đang sống trong nhung lụa, Vân bỏ học, đi làm thợ may và lao công vì cha phá sản phải vào tù. Để cứu cha, Vân chấp nhận những cuộc hôn nhân không tình yêu - ba lần lên xe hoa. Cô gái trẻ này bị ép duyên, từ hôn rồi trở thành một bà mẹ đơn thân.

Ba lần cưới là ba cung bậc cảm xúc đặc biệt cùng những đau khổ của thân phận người phụ nữ đa đoan. Hết chịu cảnh ép duyên để gánh nợ, thay án tù cho bố đến việc bị từ hôn mà thời khắc đón dâu chỉ được tính bằng phút, Ái Vân phải trải qua những biến cố và thăng trầm trong cuộc đời để dần trưởng thành hơn.

Từ một cô gái trẻ đầy khát khao được yêu, đến một bà mẹ đơn thân sống khép mình, Ái Vân nhận ra được ý nghĩa của hạnh phúc không thể đánh đổi bằng những toan tính mà chỉ có thể bắt đầu từ sự rung động chân thành của trái tim.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 5.

Ba đám cưới, một đời chồng không chỉ thu hút bởi nội dung độc đáo, mà còn bởi những chi tiết hài hước vô cùng tinh tế. Bộ phim dù kể về tấn bi kịch mà Ái Vân chịu đựng, nhưng lại không tạo cảm giác quá nặng nề cho người xem. Đau lòng vừa đủ, xót thương vừa đủ chính là những điểm cộng cho Ba đám cưới, một đời chồng.

3. Sống chung với mẹ chồng (2017) – Tiếng lòng của cả mẹ chồng và con dâu

Không phải nói quá nhiều về Sống chung với mẹ chồng vì trong năm vừa qua, không biết đã có bao nhiêu giấy mực, tài nguyên mạng phải tốn vì bộ phim này rồi.

Ngay từ khi tên phim được công bố, sau đó là những trích đoạn mà nhà sản xuất hé lộ, toàn bộ khán giả đã sục sôi lên để trông đợi một tác phẩm để đời. Bằng việc lựa chọn chất liệu rất đời là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, bộ phim như một cú huých vào truyền hình Việt Nam sau thời gian dài bị cho là nhàm chán.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 6.

Thu được hơn 6 triệu lượt xem trong 3 ngày cho trailer phim. Ngay sau đó, nhà đài quyết định tăng sóng thành 3 tuần/tập trước khi phát sóng vì nhu cầu khán giả quá lớn. Nhà nhà, người người đều nói về Sống chung với mẹ chồng như một hiện tượng thực sự suốt mùa hè trên truyền hình.

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, mang hết những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lên phim để khiến ai cũng phải thấy mình trong đó, rồi bàn tán, mổ xẻ. Thậm chí, có những câu thoại đã được đi vào hàng kinh điển! Thử điểm lại những câu nói "đắt xắt ra miếng này" của bộ phim, để xem bạn nhớ được bao nhiêu nhé.

Loạt thoại của bà Phương vẫn được khán giả nhớ mãi kể cả khi phim đã hết

Nhờ Sống chung với mẹ chồng, trên mạng xã hội có một thời gian đã tràn lan những tâm thư của các mẹ chồng gửi con dâu tương lai. Thế mới thấy, mẹ chồng nào chẳng từng làm con dâu. Họ cũng vô cùng thấu hiểu nỗi lòng của những cô gái trẻ trong những ngày bỡ ngỡ mới về nhà chồng. Thế nhưng họ vẫn phải khắt khe, ấy là bởi họ thương các con vô cùng.

4. Cả một đời ân oán (2018) – Vừa có cơ hội, lại mang cả thách thức

Ngay sau khi chuỗi hai bộ phim hot nhất là Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử kết thúc, truyền hình Việt Nam lại tiếp tục có dấu hiệu tăng nhiệt khi Cả một đời ân oán lên sóng. Điều này vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn của bộ phim. Lượng khán giả vẫn còn đang giữ thói quen đến đúng "giờ vàng" sẽ bật TV và chờ đợi, thế nhưng xuất hiện ngay sau siêu phẩm, chắc chắn sẽ vướng vào nhiều ca so sánh.

Là một bộ phim dựa trên nguyên tác của điện ảnh Trung Quốc, Cả một đời ân oán quy tụ được dàn diễn viên vừa có sắc, vừa có chất của cả hai miền Nam, Bắc với những cái tên ấn tượng như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Mỹ Uyên, Minh Vượng, Hồng Đăng, Hồng Diễm, Mạnh Trường, Lan Phương…

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 8.

Dàn diễn viên của phim

Hiện tại, phim đã đi được gần 1/3 quãng đường của phần một. Những bi kịch, những ân oán dần dần được hé lộ. Đó là những sai lầm của thế hệ đi trước để lại cho thế hệ sau gánh chịu. Đó là mâu thuẫn giữa vợ cả, vợ bé; giữa con anh – con tôi; giữa người yêu cũ mà bây giờ đang là anh – em trong cùng một nhà. Mới chỉ nghe qua về những mối quan hệ rối rắm ấy đã đủ để khán giả "sốc", chưa nói đến từng chi tiết của phim.

Thế nhưng, bằng sự tài tình trong việc Việt hóa và sắp xếp kịch bản, nhà sản xuất đã làm rất tốt việc truyền đạt ý tưởng cho người xem. Mạch phim nhanh vừa đủ, mạch lạc; dàn diễn viên diễn rất xuất sắc, cộng với đó là hiệu ứng âm thanh, hình ảnh tốt đủ để hứa hẹn khán giả sẽ không "rụng" khi đang đi theo 70 tập phim.

10 năm phim truyền hình Việt: Hôn nhân gia đình - chuyện không của riêng ai - Ảnh 9.

Hôn nhân là mồ chôn tình yêu, nhưng cũng là cánh cửa mở ra nhiều tình thương khác

Qua chặng đường 10 năm theo dõi những tình tiết của dòng phim truyền hình nói về hôn nhân gia đình, hẳn mọi người đều sẽ rút ra được những điều rất giản dị về cuộc sống. Dù là sau khi lấy nhau về, đôi tình nhân không thể ngọt ngào như khi còn yêu, bởi bủa vây xung quanh là cơm, áo, gạo, tiền và hàng tỉ nỗi lo khác. Nhưng chính những điều ấy đã biến họ thành những con người có trách nhiệm hơn với bản thân và với cả những người xung quanh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày