Nơi làm việc thường được ví như một chiến trường. Bởi lẽ đi làm đã đủ mệt rồi nhưng vẫn phải dành thời gian đối phó với những kẻ xấu tính, khiến người ta cảm thấy tức giận và khó chịu. Và dưới đây là 10 kiểu đồng nghiệp bị xem là đáng ghét nhất chốn làm việc.
10/ Ma cũ bắt nạt ma mới
Khi mới vào công ty, bạn sẽ cảm thấy đặc biệt yên tâm nếu có một tiền bối giàu kinh nghiệm hoặc thân thiện dẫn dắt bạn. Nhưng đôi khi, những người cũ có vẻ tử tế thực ra chỉ đang xử sự qua loa hoặc cố tình o ép bạn vì sợ sẽ bị người mới thế chỗ.
Nhiều người cho rằng hầu hết các “ma cũ” đều hành động âm thầm, đâm sau lưng “ma mới” nhưng cũng có người không giấu giếm chút nào. Họ thường ghét bỏ bạn không có lý do, không nhiệt tình trong công việc, cố tình chỉ bảo sai rồi sau đó mắng mỏ bạn tơi bời để ra oai đồng thời củng cố vị trí của mình,...
9/ Sơ hở là nói xấu và tọc mạch
Mặc dù bản chất con người là thích hóng chuyện nhưng thị phi quá mức có thể sẽ khiến mọi người xung quanh chán ghét. Ở chốn văn phòng, nhiều người thậm chí còn đến bàn làm việc của người khác để lục lọi mà không được sự đồng ý hoặc cố gắng gặng hỏi những vấn đề riêng tư của ai đó để đem đi tám chuyện.
Một trong những hành động tồi tệ nhất của kiểu đồng nghiệp này là cố tình nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hay điện thoại của người khác để đọc tin nhắn, xem họ đang làm gì. Tình huống có thể diễn ra thế này, khi bạn đang trao đổi với đối tác hoặc làm gì đó thì có đồng nghiệp đi ngang qua, nhìn vào máy tính và thậm chí còn nói với người khác về nội dung đó. Khó chịu vô cùng!
8/ “Trà xanh” chốn công sở
Giống như “trà xanh” trong chuyện tình cảm, “trà xanh” chốn công sở thường giả vờ tử tế, chia sẻ những lo lắng của mình với bạn để bạn mất cảnh giác và bắt đầu chia sẻ cảm xúc của bản thân. Sau đó bạn phát hiện ra họ đã đem chuyện này nói với mọi người, thậm chí nói xấu sau lưng, khiến mọi người có ấn tượng xấu về bạn.
Đặc biệt, những người này bề ngoài trông có vẻ ngây thơ và vô hại nhưng thực sự lại đáng sợ đến mức không thể tin và bạn cần phải cẩn thận với họ. Vậy nên đừng bao giờ chia sẻ cảm xúc riêng tư hay phàn nàn về đồng nghiệp, công ty một cách dễ dàng vì biết đâu bạn đang dốc bầu tâm sự với một “trà xanh” chốn công sở. Hậu quả thế nào thì bạn cũng hình dung được phần nào rồi đấy!
7/ Phàn nàn, phàn nàn và phàn nàn
Người ta có câu "trẻ con phải biết khóc mới có kẹo" nhưng loại người này lại cực kỳ gây khó chịu ở môi trường làm việc. Họ liên tục nói về việc mình mệt mỏi thế nào, làm bao nhiêu việc, không có thời gian nghỉ ngơi,... Những điều này khiến người khác thấy áp lực, ảnh hưởng đến tâm trạng chung của cả văn phòng. Có thể ban đầu mọi người làm việc với tinh thần đầy nhiệt huyết nhưng cuối cùng bầu không khí lại trở nên u ám, mệt mỏi.
Thực tế, những người này thường không phải là người chăm chỉ nhất mà ngược lại. Chỉ cần phải OT một ngày là họ có thể kể công cả tuần, cho rằng mình làm việc nhiều nhất, chịu đựng nhiều áp lực nhất nhưng có khi những người xung quanh đã làm thêm giờ cả tuần rồi.
6/ Hay nói lời độc địa, ghen tị
Trong văn phòng luôn có những người không thể chịu đựng việc người khác tốt hơn mình. Chỉ cần ai đó làm việc tốt hơn, được sếp khen ngợi, thăng chức tăng lương hay đôi khi chỉ là mua được thứ gì đó mới, họ sẽ nói những lời xúc xiểm, cay độc và mỉa mai, khiến người nghe cảm thấy mất hứng.
Một ví dụ cực kỳ đơn giản là bạn muốn xinh đẹp khi đi làm, muốn bàn làm việc sinh động để tăng cảm hứng nên hay sắm thứ này thứ kia. Nếu chẳng may lọt vào tầm ngắm của kiểu người này thì chắc chắn bạn sẽ nhận những lời chua cay, miệt thị. Dường như với họ, công việc của người khác trở nên tốt hơn, ngoại hình ưa nhìn hơn là do may mắn, không hề có một xíu nỗ lực nào nên không đáng được ghi nhận, động viên.
5/ Trốn tránh trách nhiệm
Bạn đã bao giờ gặp phải kiểu đồng nghiệp thế này chưa? Mỗi khi có việc gấp phải làm hay gặp sự cố, người đó sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện hỗ trợ đồng nghiệp, cùng nhau khắc phục hậu quả mà ngay lập tức tìm cách trốn tránh trách nhiệm, giả vờ vô tội, giả vờ đáng thương. Với họ, dù thế nào đi nữa thì mọi lỗi lầm đều là do người khác gây ra.
Chuyện này không chỉ xảy ra giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp mà nhiều lúc còn là cấp trên - cấp dưới. Có những người sếp yếu kém về năng lực, không có khả năng giám sát và quản lý nên khi có vấn đề xảy ra hoặc bị lãnh đạo cấp cao hơn khiển trách liền đổ lỗi cho nhân sự, khiến người khác phải chịu sự oan ức.
4/ “Kẻ trộm” lương
“Kẻ trộm” lương thường là những người không phân định rõ ràng việc công - việc tư hoặc lười biếng. Rõ ràng là đang trong giờ làm việc nhưng họ lại không tập trung, làm việc riêng, không đem lại năng suất hay đóng góp gì cho công việc nhưng cuối tháng vẫn nhận lương một cách thoải mái và ổn định. Điều này gây ra cảm giác bất công chốn công sở.
Tệ hơn, sự lười biếng và ỷ lại của những người này còn làm chậm tiến độ công việc chung, gây phiền hà cho người xung quanh. Chẳng hạn như chỉ vì ai đó trong team trễ nải công việc mà mọi người còn lại phải làm thêm giờ, không có thời gian nghỉ giải lao để bù đắp thì ai mà vui vẻ nổi?
3/ Kích động, gieo rắc sự bất hòa
Có đủ kiểu người ở nơi làm việc và có cả những người thích thọc gậy bánh xe. Khi bước vào môi trường mới, không ai hiểu về những người xung quanh nên sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi ấn tượng ban đầu, thông qua lời nói của người khác. Nếu gặp một người đồng nghiệp thích kích động thì đây chính là lúc dễ xảy ra thảm họa nhất cho bạn.
Họ chính là người sẽ nói với A một điều, sau đó lại nói với B điều khác và gây ra hiểu lầm giữa A và B. Có thể họ sẽ đứng ra giảng hòa, giả vờ làm người tốt nhưng cũng có thể họ sẽ là kiểu phản diện 100%, ngày càng khiến A và B thù ghét nhau. Vì vậy ở chốn công sở, hãy nghe mọi việc bằng 2 tai, đừng dễ dàng tin ai đó và có cái nhìn phiến diện.
2/ Kết bè kéo phái
Trong suy nghĩ của nhiều người, việc kết bè kéo phái chỉ xảy ra lúc còn đi học, khi đã trưởng thành thì không nên phân biệt người này người kia. Nhưng ở chốn công sở, có những người rất hẹp hòi, chỉ cần không thích là sẽ bắt đầu loại trừ, cố ý cô lập. Thậm chí họ còn bắt nạt, ức hiếp những đồng nghiệp không thuộc cùng phe phái mà không hề có bất cứ lý do nào.
Kỳ thực, ở bất cứ độ tuổi nào và ở trong bất cứ môi trường đều có thể xảy ra chuyện bắt nạt. Và không phải người lớn nào cũng hành xử đúng mực, đáng tôn trọng nên hãy tự biết cách bảo vệ bản thân trước.
1/ Quấy rối tình dục
Đáng sợ nhất chính là bị đồng nghiệp/cấp trên quấy rối công sở. Một số kẻ thường dựa vào quyền lực, địa vị của mình để sàm sỡ người khác hoặc nói những lời khiếm nhã, kém duyên nhưng lại cho mình là vui tính, hài hước.
Đối mặt với tình huống này, ai cũng muốn phản kháng nhưng không phải là chuyện dễ dàng. Có người nghĩ mình thấp cổ bé họng, sợ đối phương là người có chức có quyền sợ mất việc nên đành chọn phương án im lặng chịu đựng. Có người không chịu được đành chọn cách nghỉ việc.
(Nguồn: Weixin)