Cốc giấy, nghe tên chẳng thấy có sự liên quan nào đến chất liệu nhựa để có thể thải ra các hạt vi nhựa độc hại. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy.
Một nghiên cứu từ Đại học Chiết Giang đã chỉ ra rằng khi đổ nước nóng vào cốc giấy dùng một lần, loại cốc này sẽ giải phóng một lượng lớn vi nhựa.
Những hạt vi nhựa này có kích thước rất nhỏ, từ 0.1 micromet đến 5mm, và nếu tiếp xúc lâu dài, chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các vấn đề về trao đổi chất và sức khỏe sinh sản.
Giáo sư Ding Xuejia tại Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh đã chỉ ra rằng, cốc giấy không hoàn toàn làm từ giấy mà bên trong được phủ thêm 1 lớp nhựa polyethylene để chống thấm. Lớp phủ này có thể bong ra khi tiếp xúc lâu với nước nóng, từ đó giải phóng vi nhựa vào đồ uống.
Lời khuyên là chúng ta nên hạn chế sử dụng cốc giấy, đặc biệt là khi dùng chúng để đựng nước nóng. Mặc dù nếu được làm từ các vật liệu bao bì đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chúng vẫn có thể được coi là an toàn, nhưng việc sử dụng quá nhiều vẫn không được khuyến khích. Giáo sư Ding Xuejia cũng cảnh báo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sử dụng các sản phẩm từ nhựa, vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi vi nhựa.
Để giảm thiểu tác hại của vi nhựa, giáo sư khuyến cáo mọi người không nên bỏ qua bước làm sạch kỹ các sản phẩm nhựa trước khi sử dụng, đồng thời tránh dùng nhựa để đựng thực phẩm nóng, và chỉ sử dụng nhựa chất lượng cao từ các nhà sản xuất uy tín. Ngoài ra, việc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm tái sử dụng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Vi nhựa là một vấn đề ngày càng được quan tâm và việc giảm thiểu tiếp xúc với chúng trong cuộc sống hàng ngày là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người!
Nguồn: Toutiao