Theo 163, vụ việc đang gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc, do chính người con rể đăng tải trên Douyin (tương tự TikTok ở Việt Nam). Theo đó, vào đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán, anh chở vợ về nhà ngoại ở Tế Nam, Sơn Đông để ăn Tết. Sau đó, mọi người cùng nhau phụ nấu nướng và dọn đồ ăn xuống bàn, chiếu và cùng ngồi xuống ăn.
Tuy nhiên, người con rể này lại bị xếp vào ngồi mâm trẻ em. Mâm dành cho những đứa trẻ trong nhà, các món ăn tương tự nhưng sử dụng nước ngọt thay vì rượu, bia. Tiểu Trương cho hay anh vẫn ngồi xuống ăn bình thường, tuy không vui nhưng không quá để bụng bởi bản thân cũng không thích uống rượu, lại đang lái xe nên đây cũng là một điều phải.
Tiểu Trương nói thêm: “Ở chỗ chúng tôi, bàn trẻ em không phải là chỗ ngồi tốt. Chỉ những người ngoài không biết uống rượu hoặc những người lạ, có mối quan hệ không mấy thân thiết mới được sắp xếp ngồi ở đó. Thành thật mà nói, lúc đó tôi cảm thấy hơi khó chịu nhưng tôi nghĩ đang là Tết Nguyên Đán nên đã cố chịu đựng".
Mọi việc vẫn đang diễn ra bình thường cho đến khi có một người bác bên nhà vợ cầm chén rượu đi chúc từng bàn. Đến bàn trẻ em, Tiểu Trương như một thói quen và cũng là phép lễ nghi thường tình nâng ly lên, định chúc người bác này một ly. "Lúc đó tôi đã rất vui mừng, nghĩ rằng cuối cùng cũng có một vị trưởng bối quan tâm đến mình”, Tiểu Trương nhớ lại.
Song, thái độ và lời nói của người bác này gây chú ý hơn cả. Tiểu Trương cho hay anh vô cùng sửng sốt, bất bình đến mức không chịu được nữa với thái độ của người bác - đại diện cho cả gia đình nhà vợ.
Người bác lớn tuổi đứng trước mặt mọi người và hét lớn: “Ai uống với mày, tao khinh thường mày”. Vừa dứt lời, xung quanh tiếng cười vui, ăn nhậu ồn ào bỗng chốc lắng xuống, giường như ai cũng “đứng hình” với câu nói của người bác. Tiểu Trương nhớ lại và chia sẻ: “Lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, tay cầm ly rượu mà run lên lẩy bẩy. Làm sao một người lớn tuổi mà có thể nói ra câu đó được. Tôi đã làm gì sai”.
Ngay lúc này, bố vợ Tiểu Trương lập tức đứng dậy, kéo anh ra ngoài và còn nói lớn: “Con đứng đây làm gì”. Ông không hề bênh vực con rể, tất cả mọi người tiếp tục ăn uống, xì xào.
"Lúc đó, tôi cảm thấy mình như một tên hề. Tôi nghĩ mình là con rể, thậm chí muốn làm con rể tốt nữa, nên tôi đã không quản ngại đường xa, lái xe từ thành phố về vùng ngoại ô xa xôi hẻo lánh này để tới thăm bố mẹ vợ mà họ nỡ lòng nào đối xử với tôi như vậy”, Tiểu Trương nói thêm.
Tiểu Trương nói rằng anh đã thức dậy lúc 5 giờ sáng để thu dọn đồ đạc, lên đường lúc 6 giờ sáng. Anh lái xe liên tục trong vòng 4 giờ, vượt quãng đường 300km để đến được nhà bố mẹ vợ vào sáng sớm.
Rất nhanh sau đó, anh lấy lại bình tĩnh và kéo vợ ra ngoài, lấy luôn hành lý và nói sẽ rời đi. Cả hai lái xe đến một khách sạn gần đó, thuê phòng để ngủ lại, chứ không về thành phố ngay vì đường đi khá xa.
Anh chia sẻ: “Nằm trên chiếc giường lạ, trằn trọc mãi không ngủ được. Bây giờ, vào ngày mùng 2 Tết, nhà mẹ vợ ngay gần đây mà chúng tôi chỉ có thể ăn mì ăn liền trong khách sạn. Vợ tôi không nói gì, cô ấy không hề có tiếng nói trong chính ngôi nhà của mình”.
Rất nhanh, thông tin vợ chồng Tiểu Trương bất hòa, phải ra khách sạn ở ngay giữa mùng 2 Tết được lan truyền khắp xóm. Vài hôm sau, bố vợ của anh ra khách sạn để xin lỗi, nói rằng tất cả chỉ là hiểu lầm, mong vợ chồng Tiểu Trương bỏ qua.
“Hiểu lầm? Tôi cười trong chua chát. Lúc đó có nhiều người như vậy. Ai cũng nghe rõ câu bác ấy nói: 'Tao xem thường mày', vậy mà giờ mọi người nói là hiểu lầm”, Tiểu Trương nói. Anh cho hay không chấp nhận lời xin lỗi hay giải thích, kiên quyết không quay lại.
“Tôi thà ở trong khách sạn lạnh lẽo ăn mì gói còn hơn ở đó với những người coi khinh tôi”, Tiểu Trương kiên quyết. Anh cho hay đã quyết định sẽ không bao giờ đến nhà bố mẹ vợ nữa. Sự việc đã qua khiến anh cảm thấy vô cùng thất vọng.
Anh cho hay cũng không thể ly hôn vợ, bởi vì vợ anh không sai, hơn nữa cả hai còn có con nhỏ.
Câu chuyện sau khi đăng tải lên mạng xã hội nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán của netizen. Đa số lên tiếng bênh vực con rể, cho rằng gia đình bố mẹ vợ đã không coi trọng anh, ngay từ việc để con rể ngồi bàn ăn dành cho trẻ em.
“Khi đến nhà bố vợ, tôi không bao giờ uống rượu vì tôi không uống được và tôi phải lái xe nhưng tôi luôn được xếp ngồi bàn với các anh, các chú, bác trong họ. Cái quan trọng không phải là ăn gì mà thái độ ra sao”, một netizen bình luận. Nhiều người cũng đưa ra ý kiến trái chiều về cách hành xử của bố mẹ và cả cô vợ, không lên tiếng bênh vực con rể và chồng.
Song, cũng có nhiều ý kiến cho rằng người con rể nên bình tĩnh, xem xét lại sự việc để tránh bất hòa.
“Con rể mà lại bị đối xử như vậy, thật sự rất đau lòng. Con gái tôi bị kẹt ở giữa và rơi vào tình huống rất khó xử. Một mặt, cô cảm thấy thương chồng mình bị oan và muốn nói điều gì đó công bằng với anh; mặt khác, cô không thể hoàn toàn đứng về phía chồng mình vì dù sao họ cũng là cha mẹ ruột của cô. Cô phải cân nhắc đến cảm xúc của chồng và đồng thời không làm mất lòng bố mẹ, điều này thực sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Dù bạn làm gì thì vẫn có khả năng một trong hai bên sẽ không vui”, một netizen bình luận.