Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán quây quần cùng gia đình, nhiều người đã nhanh chóng quay trở lại thành phố làm việc. Có người còn ví von độ ngắn ngủi của quãng thời gian nghỉ Tết và tiếc nuối: “Hôm qua tôi ở nhà ngắm pháo hoa. Hôm nay tôi ở bàn làm việc”.
Nhưng có lẽ tiếc nuối nhất, buồn lòng nhất không phải người đã rời đi mà là người ở lại. Đó là ông bà bố mẹ - những người lớn tuổi trong nhà. Sau nhiều ngày có con cháu sum vầy náo nhiệt, mọi thứ bỗng dưng yên tĩnh trở lại đến mức chạnh lòng.
Mới đây, trong ngày đầu tiên sau khi kết thúc nghỉ lễ, trên các nền tảng MXH đã viral khoảnh khắc đặc biệt về chủ đề này. Nội dung bài đăng là đoạn camera an ninh trong sân nhà ở 2 thời điểm: trong và sau Tết.
Trong những ngày Tết, người bà ngồi trên thềm, nhìn con cháu nô đùa trong sân bằng ánh mắt rạng ngời niềm vui. Và sau Tết, bà vẫn ngồi đó nhưng con cháu không còn nữa vì chúng đã quay lại thành phố để đi học đi làm. Cảnh tượng bà ngồi một mình trước khoảnh sân trống vắng khiến bất kỳ ai xem cũng xúc động.
“Nó giống như một giấc mơ sống động và đau lòng” - chủ nhân khoảnh khắc chia sẻ.
Phía dưới câu chuyện này, cư dân mạng đã để lại nhiều bình luận nghẹn ngào dù chỉ mới kết thúc nghỉ lễ được 1 ngày. Nhiều người nói rằng đến khi phải rời đi, nhìn ông bà bố mẹ lén lau nước mắt mới hiểu giá trị của những phút giây đoàn tụ gia đình.
Thực tế, khoảnh khắc này đã được đăng tải trên MXH Trung Quốc từ năm 2023 và được cư dân mạng Việt chia sẻ lại. Tuy nhiên ở hiện tại, đúng thời điểm nhiều người phải xa nhà sau thời gian dài nghỉ lễ, hình ảnh tiếp tục gây xúc động mạnh.
Nhân vật chính trong đoạn clip này là một cụ bà đã ngoài 70 tuổi, sống ở huyện Phù Nam, tỉnh An Huy (Trung Quốc) còn người đăng tải lên MXH là cháu trai. Khi được hỏi về khoảnh khắc viral, cụ bà cho biết: “Thật ra bà cũng không hiểu, do cháu bà đăng lên thôi”.
Người cháu trai chia sẻ cụ thể hơn. Anh cho biết ông bà mình có 4 người con, đại gia đình có tổng cộng khoảng 20 người nhưng hiện tại chỉ có 2 ông bà nương tựa lẫn nhau. Trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người đã về quê ăn Tết cùng ông bà và để lại cảnh trống vắng khi tất cả phải quay lại thành phố.
Trước đây, gia đình từng mua điện thoại thông minh cho ông bà và hướng dẫn cách sử dụng. Nhưng do vấn đề tuổi tác, ông bà thường quên cầm điện thoại hoặc không nghe thấy tiếng chuông khiến cả nhà rất lo lắng. Đến dịp nghỉ đông, người cháu trai về quê thăm và lắp camera an ninh để tiện theo dõi tình hình của ông bà từ xa. Ngoài ra ông bà cũng có thể tương tác với mọi người mà không cần dùng đến điện thoại.
Một số bình luận xúc động từ cư dân mạng:
- Bà tôi vốn là người rất vui vẻ và hoạt bát. Tết Nguyên đán là thời gian vui vẻ nhất của bà trong năm, nhưng những ngày sau đó, căn nhà bà lại càng lạnh lẽo hơn. Tôi thực sự muốn bù đắp cho bà nhưng không thể quay lại được nữa…
- Bà tôi nói rằng hầu hết thời gian trong năm bà đều khỏe mạnh. Nhưng đến cuối năm, khi đại gia đình chúng tôi trở về, mọi thứ náo nhiệt được vài ngày rồi ai lại về nhà nấy khiến bà vô cùng đau lòng.
- Một vài ngày sum vầy và ở bên nhau để đổi lấy hàng tháng trời trống rỗng. Tôi không biết đó là sự trừng phạt hay phần thưởng dành cho những người lớn tuổi.
- Đột nhiên tôi hiểu được tại sao ông bà lại thích ngồi ở ngoài trời. Bởi vì họ sẽ cảm thấy thanh thản hơn giữa cái tĩnh lặng sau khi con cháu rời đi.
- Mỗi lần rời khỏi nhà, tôi đều không dám nói chuyện với ông bà quá lâu vì sợ hoặc là tôi không kìm được hoặc là họ sẽ khóc. Mỗi người đều biết rằng trong lòng mình mang nhiều nỗi buồn. Khoảnh khắc tôi mở cửa xe, ông bà quay đầu và lén lau nước mắt. Khoảnh khắc cửa xe đóng lại, tôi cũng òa khóc.
- “Tôi bắt đầu nhớ nhà khi đang đóng gói hành lý”, “Càng ngày tôi càng không muốn rời khỏi thị trấn nhỏ quen thuộc”, “Còn hai ngày nữa, còn một ngày nữa…”, “Món mì ưa thích của tôi và dì bán hàng quen thuộc không có ở nơi tôi sắp đến”,... tôi đều khóc mỗi khi đọc những dòng này. Cảm giác nhớ nhà sẽ xuất hiện ở nhiều thời điểm nhưng đặc biệt nhất là khi bạn thấy hành lý mà bố mẹ chuẩn bị cho mình có rất nhiều đồ ăn và khi ông bà lén nhét tiền vào tay mình.
(Nguồn: Baidu)