“Dù sao đi chăng nữa thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, phía trước vẫn là bầu trời. Số phận không thể thay đổi, nhưng cuộc sống luôn có thể tốt hơn. Tôi là Lương Phi – ‘Lương’ trong chữ Lương thiện, ‘Phi’ trong chữ Phi thường. Tôi tật nguyền đôi chân chứ không tật nguyền khối óc và trái tim lương thiện mà cha mẹ đã sinh ra”, đó là lời tâm sự mộc mạc, chân thành của “Phi 1 chân”.
Bị mất 1 chân từ nhỏ, nhưng thay vì bi quan với số phận, Lương Phi đã nỗ lực trở thành YouTuber để có thể giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn và truyền cảm hứng đến những người kém may mắn khác. Đó là lẽ sống cao đẹp mà anh đã chọn!
Tôi gặp Lương Phi lần đầu trong chuyến tác nghiệp tại ngôi làng xảy ra lở núi khiến hàng chục người bị vùi lấp ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Giữa hiện trường thiên tai đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, hình ảnh một thanh niên tình nguyện chỉ với 1 chân, tập tễnh chống nạn lội bộ trên con đường lầy lội và dốc đứng để mang thực phẩm “tiếp tế” cho đồng bào gặp nạn, khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục.
Dõi theo hành trình làm từ thiện của Phi, tôi càng thêm khâm phục ý chí và tấm lòng nhân ái của chàng YouTuber đặc biệt này. Tìm đến nhà thăm Phi vào một buổi sáng cuối năm, tiếp tôi là một thanh niên với dáng người cao gầy, gương mặt điển trai và nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Vừa tròn 30 tuổi, Phi đã sống khiếm khuyết chân trái ngót nghét 27 năm nay. Với Phi, đó là một ký ức thật buồn và anh kể về nó bằng giọng thủ thỉ, chỉ đủ cho người đối diện nghe.
Vốn sinh ra là một đứa trẻ lành lặn, thế nhưng năm Phi 3 tuổi, mọi ước mơ, cuộc sống tưởng chừng như đã chấm dứt khi một biến cố lớn ập xuống. Thời điểm ấy, Phi đang cùng mẹ và chị gái ngủ trưa thì bất ngờ bị gã hàng xóm lên cơn tâm thần, cầm rựa lao vào nhà chém loạn xạ...
“Lúc đó, ba mình vắng nhà, còn mẹ đang mang thai, bị gã tâm thần chém trọng thương nặng ở đầu. Chị gái bị chém vào chân và mình thì vĩnh viễn mất đi cái chân trái”, Phi nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Kể từ ngày gia đình gặp nạn, dù giữ được tính mạng nhưng mẹ Phi không còn sức khỏe, gánh nặng mưu sinh dồn lên vai ba. Một mình ông phải chạy ăn từng bữa, vừa lo thuốc men cho vợ con. Cái nghèo cứ thế đeo bám, nhiều lúc gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt.
"Mẹ ơi, chân con có mọc lại được không?", mãi đến bây giờ, câu hỏi ngây thơ đó của cậu bé Phi ngày nào vẫn cứ ám ảnh bà Hồ Thị Tuyết (62 tuổi). Suốt mấy chục năm qua, người mẹ ấy từng nhiều đêm mất ngủ, trầm cảm bởi canh cánh nỗi lo con mình sẽ sống mãi trong sự tự ti, mặc cảm…
Con tôi bị mất chân khi mới chập chững biết đi. Kẻ thủ ác sau đó bị bắt đi trại tâm thần, còn gia đình tôi phải tự lo tất cả tiền viện phí, thuốc thang, đã nghèo lại càng thêm khổ. Nhưng rồi sau cơn mưa trời lại sáng, giờ thì tôi tự hào về những việc mà thằng Phi đang làm lắm.
bà Tuyết tâm sự
Tuổi thơ của Phi là chuỗi ngày dài gắn với những cơn đau nhức hành hạ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Hàng ngày ngồi trên xe lăn nhìn bạn bè chạy nhảy, thả diều, đá bóng,… nước mắt Phi đã không biết bao nhiêu lần rơi ướt áo. Thế nhưng trong nghịch cảnh ấy, niềm lạc quan và nghị lực của cậu bé Phi đã chẳng thể bị khuất phục.
Năm 7 tuổi, Phi cắn răng chịu đựng đau đớn để tập đi. Ngã lên, té xuống không biết bao lần, cuối cùng cậu bé cũng lò cò di chuyển được bằng 1 cái chân của mình. Thấy các bạn cùng trang lứa đến trường, Phi cũng nằng nặc đòi đi học. Ở lớp, dù chỉ có một chân nhưng nhìn các bạn chơi trò gì, Phi cũng bắt chước theo.
Khi lên 9, lên 10, dần nhận ra sự khiếm khuyết của cơ thể, cậu học trò không còn nói nhiều và sống thu mình hơn. Thế nhưng, khát vọng được làm một người có ích giữa cuộc đời đã hun đúc nên trong sinh linh bé nhỏ ấy một ý chí kiên cường để chiến thắng số phận. Bằng bản năng sinh tồn mạnh mẽ, cậu cố gắng tập đạp xe bằng một chân. Khi được tặng chân giả, Phi cố lên cầu thang mà không trông mong vào sự thương hại của người khác. Mỗi lần như vậy, cậu bước 2 bậc bằng chân thật, rồi lại ôm chân giả đặt lên. Cứ thế, "chú lính chì" Lương Phi đã đi qua hết tuổi học trò.
Năm 18 tuổi – khi trưởng thành và bắt đầu nhận thức rõ hơn về tương lai, dù học rất giỏi nhưng thương ba một mình vất vả nuôi cả nhà nên sau khi tốt nghiệp THPT, Phi không vào giảng đường Đại học mà quyết định theo ngành công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng nghề ở Đà Nẵng.
"Lúc đó, mình chọn học ngành này vì nghĩ nó phù hợp do không cần nhiều sức lực từ đôi chân và thời gian học ngắn sẽ đỡ vất vả cho ba mẹ hơn", Phi trải lòng.
Với thành tích học tập loại giỏi, sau khi ra trường, Phi được nhận vào làm kỹ thuật viên cho một phòng thu âm. 3 năm sau đó, không muốn an phận làm thuê, Phi lên kế hoạch và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Phi đã mở được một phòng thu âm của riêng mình ngay tại Đà Nẵng.
Cũng trong thời gian này, Phi cưới vợ và lần lượt chào đón 2 thiên thần nhỏ ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Từ đây, chàng trai một chân đã trở thành trụ cột của gia đình, là điểm tựa cho ba mẹ già, vợ và 2 con nhỏ.
Công việc nhẹ nhàng tại phòng thu âm giúp Phi có được nguồn thu nhập kha khá để trang trải mọi việc gia đình. Thế nhưng, với mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn cho cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng; đầu năm 2018, Phi quyết định bỏ ngang, rồi khăn gói về quê làm YouTuber. Đó cũng chính là bước ngoặt, là ngã rẽ cuộc đời của “chàng hiệp sĩ khuyết tật”.
Những ngày mới bắt tay vào làm YouTuber, Phi đã gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu, cậu chuyên làm các vlog về ẩm thực, tuy nhiên chẳng có gì nên hồn. Gần một năm lăn lộn với hàng chục clip nhưng không kiếm được xu nào, cộng thêm những lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh "thằng này suốt ngày ở không, không lo làm lo ăn gì hết", càng khiến Phi áp lực.
Thế nhưng quyết không bỏ cuộc, nhiều đêm thức trắng, Phi cố gắng nghĩ cách làm cho kênh YouTube của mình hấp dẫn hơn bằng cách nắn nót từng khuôn hình và quay thêm nhiều clip về nghị lực sống, biểu diễn kỹ năng đặc biệt và chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.
Và rồi, ông trời không phụ lòng người, dần dà những clip của "Phi 1 chân" ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Mọi chuyện khởi sắc và chức năng kiếm tiền từ YouTube được bật như chiếc phao cứu sinh giúp Phi có thêm động lực. Đây cũng là lần đầu tiên, anh lấy hết can đảm để đăng lên mạng xã hội tấm ảnh chụp lại con người thật của mình. Đó là “Phi 1 chân”, không mang tất, không đeo chân giả,… và sống đúng với bản ngã của mình.
Số phận đã cướp đi một chân, nhưng bù lại cho Phi một trái tim nhân hậu và sự kiên cường đến lạ lùng. Chính anh là "người hùng" tự cứu vớt lấy cuộc đời mình và giờ chính tấm lòng thánh thiện ấy khao khát giúp đỡ cho nhiều người đồng cảnh ngộ.
Đó là quyết định mang tính bước ngoặc của cuộc đời. Bởi, tôi lớn lên cùng nỗi tự ti, mặc cảm, nhưng từ khi làm YouTuber, tôi xác định sẽ ‘chiến đấu’ với cái ‘một chân’ của bản thân luôn. Chính những trải nghiệm từ công việc YouTuber đã rèn luyện, giúp tôi tự tin, lạc quan hơn và nhận ra rằng được sinh ra trên đời đã là một hạnh phúc. Vì vậy, khi nào còn hơi thở thì tôi còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa
Phi trải lòng
Dù mang thân hình ai nhìn thấy cũng xót xa, thế nhưng suốt 3 năm nay, bước chân của Phi đã in dấu trên khắp các vùng quê nghèo của miền Trung. Anh âm thầm chia sẻ buồn đau, mất mát với bao người dưng và dường như quên rằng mình cũng cần được trợ giúp. Những nơi anh đến không phải là phố xá, mà là miền núi xa xôi, khó khăn, những làng quê nghèo tan hoang trong bão lũ. Phi chủ yếu di chuyển bằng xe máy và có những ngày phải lặn lội hàng trăm km chỉ để đến khảo sát một hoàn cảnh, sau đó vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ bằng chính những thước phim chân thực mà mình quay lại.
Với tất cả clip, Phi luôn gửi gắm vào đó thông điệp về sự lạc quan và nghị lực sống phi thường. Những vlog được Phi hậu kỳ cắt gọn đơn giản, không cầu kỳ nhưng luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các mạnh thường quân. Nhiều clip, anh kết nối để các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ "nhân vật" hàng trăm triệu đồng. Cứ thế, những chuyến đi của Phi làm cho người đang vất vả, buồn khổ có thể nở nụ cười, được vỗ về, an ủi để vượt qua thời khắc khó khăn nhất.
Là một trong những hoàn cảnh may mắn được “Phi 1 chân” giúp đỡ, cô Hồ Thị Vân (quê ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, mình nợ chàng YouTuber này và các mạnh thường quân một ơn nghĩa mà suốt đời này sẽ không bao giờ quên.
Vốn là mẹ đơn thân, một mình thân cò lặn lội nuôi 2 con thơ khôn lớn. Suốt mấy chục năm buôn thúng bán bưng, sau khi con gái lớn lập gia đình, niềm hi vọng của cô Vân đặt hết vào cậu con trai út Hồ Ngọc Điệp (24 tuổi). Thế nhưng, đầu năm 2020, khi đang học năm cuối tại trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM thì Điệp này bất ngờ bị suy thận giai đoạn cuối.
Từ ngày con bị bệnh, cô Vân bán sạch tài sản trong nhà và chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa trị, tuy nhiên bệnh tình của Điệp vẫn không khả quan. Trong lúc túng quẫn, cô Vân lại không may bị tai nạn, gãy bàn chân trái nên phải nghỉ làm mấy tháng nay, khiến gia đình đã khổ càng thêm khổ.
Để giữ được mạng sống cho Điệp, người chị gái dù mới sinh con nhỏ nhưng đã chấp nhận hiến một quả thận cho em. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, chi phí cho ca phẫu thuật ghép thận lên đến hơn 200 triệu đồng, số tiền mà có nằm mơ thì cô Vân cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến…
Rồi như một cơ duyên, trong lúc tuyệt vọng nhất, cô Vân tình cờ xem được vlog của “Phi 1 chân”. Nghe lời khẩn cầu từ người mẹ đáng thương qua điện thoại, chàng YouTuber tử tế đã lập tức đến nhà xác minh và lặn lội vào tận Bệnh viện chợ Rẫy (TP.HCM), nơi Điệp đang điều trị để tìm hiểu về bệnh tình của em. Bằng những clip chân thực mà mình quay lại, chỉ sau khoảng 3 tháng, Lương Phi đã kêu gọi và kết nối các mạng thường quân giúp đỡ cho Điệp gần 350 triệu đồng.
Tối ngày 6/1 vừa qua, Điệp đã chính thức được ghép thận thành công. Có lẽ, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cậu sinh viên này lại có thể tiếp tục “viết” tiếp ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng của mình, còn cô Vân giờ đây đã có thể ngủ ngon giấc sau quãng thời gian dài thức trắng vì lo lắng cho con.
“Một mình tôi gồng gánh, cực khổ mãi cũng nuôi được 2 con khôn lớn, đứa con gái đầu thì cưới chồng trong Sài Gòn, còn đứa con trai út chỉ còn 3 tháng nữa ra trường thì bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo. May mắn được ‘Phi 1 chân’ và các nhà hảo tâm giúp đỡ, con tôi mới dành lại được mạng sống từ tay tử thần. Gia đình tôi biết ơn Lương Phi nhiều lắm, dù bản thân cũng tàn tật nhưng cậu ấy có tấm lòng thật nhân hậu”, cô Vân rưng rưng nước mắt chia sẻ.
Đi lên từ con số 0, hiện kênh YouTube "Phi 1 chân" đã đạt được hơn 130k sub. Trung bình mỗi clip Phi đăng tải thường dao động từ vài ngàn đến, chục ngàn người xem, có clip được hơn triệu view. Tính đến nay, Phi đã kết nối các mạnh thường quân giúp đỡ được cho hơn 300 hoàn cảnh nghèo khó.
Không chỉ vậy, Phi còn trích một phần tiền kiếm được từ YouTube để nuôi dưỡng nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật tại tỉnh Quảng Nam. Hằng tuần, sau những chuyến khảo sát để quay vlog, Phi đều tranh thủ thời gian đến dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc họ như những người thân ruột thịt của mình.
Dẫn chúng tôi đến thăm cụ Lưu Thị Hội (SN 1933, trú xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), người được Phi nhận chăm sóc suốt 3 năm nay. Vừa đi anh vừa cho biết, cụ Hội năm nay đã 88 tuổi, không chồng con và bị mù 2 mắt. Suốt mấy chục năm nay, cụ sống cô độc một mình trong căn nhà xập xệ được nhà nước xây tặng. Sau khi biết hoàn cảnh của cụ, hằng tuần Phi đều đến tận nhà dọn dẹp, nấu ăn và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho cụ bà tội nghiệp này. Hôm nay, anh còn sắm sửa thêm một số vật dụng cần thiết, vài bộ quần áo mới và ít chăn ga gối đệm cho cụ dùng trong mùa đông.
Dù đôi mắt không nhìn thấy, nhưng nghe tiếng bước chân và giọng của Phi, cụ Hội lập tức nhận ra ngay. “Con đến đó hả Phi? Rót giúp bà miếng nước với, bà khát quá...”, nghe vậy, Phi lập tức chạy xuống bếp rót nước và vội lấy tô cháo nóng mới mua, rồi ân cần đút từng muỗng cho cho cụ Hội ăn.
Khi nghe tôi hỏi về “Phi 1 chân”, không giấu nổi sự xúc động, cụ Hội nghẹn ngào cho biết: “Tôi không có chồng con, sống 1 mình suốt mấy chục năm nay rồi. May là có cháu Phi thương tình nên thường xuyên đến giúp đỡ. Lần đầu tiên Phi đến thăm, do lo sợ người lạ mặt ăn cắp đồ nên tôi chửi mắng, đuổi đi, nhưng rồi sau đó thấy cháu tốt bụng, chăm sóc tôi như người thân nên tôi mới yên tâm và giờ thì tôi biết ơn cháu Phi nhiều lắm!”.
Mặc dù tuổi thơ trải qua nhiều biến cố và bất hạnh, thế nhưng suốt buổi nói chuyện, Phi không hề than vãn về số phận. “Có lẽ, việc mất đi một chân đã cho tôi những cơ duyên mới, gặp được nhiều người, có cơ hội làm được nhiều việc thiện hơn và tìm được tình yêu, hạnh phúc đích thực của đời mình…”, Phi cười tươi nói.
Lương Phi cũng tự nhận mình may mắn khi bên cạnh luôn có sự đồng hành của một người vợ biết cảm thông, yêu thương và chia sẻ; cùng một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con kháu khỉnh, ngoan hiền. Những điều này luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp anh đứng vững trên “1 chân” của mình. Đối với Phi, cuộc sống hiện tại rất hạnh phúc! Bởi, anh không chỉ kiếm được tiền từ đam mê để nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình, mà còn giúp đỡ được rất nhiều mảnh đời khốn khó, mang đến những giá trị tích cực và trở thành “người truyền cảm hứng” cho họ.
“Lúc tôi bỏ dở công việc tại phòng thu âm để đi làm YouTube, suốt hơn 1 năm không có thu nhập, tất cả mọi chi phí cơm áo gạo tiền của cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ. Thế nhưng, em vẫn không than vãn và luôn an ủi, động viên tôi vượt qua giai đoạn đầy thử thách này”, ông bố 2 con chia sẻ.
Ngồi cạnh bên nghe chồng kể về quá trình trở thành “hot” YouTuber, chị Nguyễn Thế Nguyên Thu (SN 1991) vừa đon đả rót trà mời khách, vừa hết lời khen ngợi: “Anh ấy siêng năng, chăm chỉ lắm. Biết mình thiệt thòi nhưng chẳng bao giờ anh ngơi cố gắng cả”. Rồi chị kể, duyên số đưa mình đến với chồng cũng rất tình cờ. Cách đây gần 7 năm, khi đó Thu là cô sinh viên đại học năm cuối dễ thương, xinh đẹp. Rồi bỗng một ngày, trong lúc tìm kiếm bạn bè trên Facebook, thấy nick của một chàng trai cùng quê có hình đại diện khá khôi ngô nên chị đã chủ động làm quen.
Qua nhiều lần trò chuyện trên mạng, đôi bạn trẻ đã quyết định hẹn hò. Lần đầu gặp gỡ, hai con tim đã nhanh chóng hòa cùng nhịp đập. Càng tiếp xúc, Thu càng cảm mến và yêu thầm Phi từ lúc nào không hay. Tuy nhiên, thời điểm này, do Phi đeo chân giả và hạn chế đi lại nên Thu hoàn toàn không biết việc bạn trai của mình bị mất 1 chân.
“Khoảng 3 tháng quen nhau, vào 1 buổi tối đang hẹn hò tại quán cafe thì anh ấy mới nói thật việc chỉ có 1 chân. Lúc đó mình cũng bị sốc lắm, nhưng lỡ yêu anh mất rồi nên cũng mỉm cười chấp nhận. Phi rất hiền lành, ở bên anh ấy em cảm thấy ấm áp và được yêu thương, che chở”, chị Thu thổ lộ.
Cũng theo Thu, dù bị cụt 1 chân nhưng Phi lại có nghị lực, 1 trái tim giàu lòng nhân hậu và một tình yêu chân thành, chính những điều ấy đã giúp chị ngộ ra một điều, sẽ chẳng ai khác ngoài anh mới có thể bù đắp trong trái tim mình những điều còn thiếu.
“Từ nhỏ, Phi đã nung nấu mong muốn làm thế nào đó để những người khuyết tật, nghèo khổ quanh mình cũng được sống vui vẻ. Do đó, khi anh ấy bỏ công việc đang ‘ăn nên làm ra’ để đi quay YouTube, dù bất ngờ nhưng em vẫn ủng hộ.
Nhiều lần anh một mình về vùng núi, nơi bão lũ mà điện thoại bị mất sóng không liên lạc được, em lo lắng lắm, cả đêm trằn trọc không ngủ được nhưng vẫn cố gắng tự dặn lòng phải mạnh mẽ lên, để anh yên tâm đi giúp đời”, nhắc đến đây, chị Thu ngả đầu vào bờ vai vững chắc của chồng, gương mặt lộ rõ niềm hạnh phúc, mãn nguyện.
Nhìn vợ cười thẹn thùng kể lại thuở hai người mới yêu nhau, Phi cười cười, rồi bẽn lẽn cầm lấy tay vợ và tiếp lời: “Tôi từng rất tự ti về bản thân và càng không dám mơ sau này sẽ có ai đó yêu mình. Nhưng rồi, cuối năm 2014, tôi quyết định 'liều một phen' đến nhà để 'ra mắt' gia đình người yêu. May mắn là sau khi thuyết phục, cha mẹ của Thu cũng đã đồng ý cho 2 đứa quen nhau”.
Cơ duyên tiền định, năm 2016, một đám cưới nhỏ được tổ chức, hai người dọn về một nhà. Không lâu sau đó, gia đình nhỏ lại hạnh phúc khi lần lượt chào đón 2 thành viên mới "đủ nếp đủ tẻ". Đó là kết tinh của chuyện tình cổ tích giữa đời thường, được vun đắp từ hai trái tim cùng chung nhịp đập. Họ đến với nhau không vụ lợi, chỉ có nhu cầu được bên cạnh, đùm bọc, bù đắp cho nhau, bất chấp mọi thử thách.
Đó là kết tinh của chuyện tình cổ tích giữa đời thường, được vun đắp từ hai trái tim cùng chung nhịp đập. Họ đến với nhau không vụ lợi, chỉ có nhu cầu được bên cạnh, đùm bọc, bù đắp cho nhau, bất chấp mọi thử thách.
Với những cống hiến của mình, cuối tháng 12/2020, “Phi 1 chân” đã vinh dự được nhận bằng tuyên dương trong chương trình Thanh Niên tỏa sáng nghị lực Việt do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Nói về hành trình thiện nguyện của mình, Phi cho biết, suốt 3 năm qua, “tài sản” anh nhận được nhiều nhất chính là niềm vui, hạnh phúc trên mỗi chặng đường mình đi qua và những lời cảm ơn từ những người được giúp đỡ.
“Từ nỗi đau của mình, tôi thấu hiểu nỗi đau của những người bất hạnh khác. Đôi khi, tôi lại thấy mình may mắn hơn nên muốn được sẻ chia… Tôi luôn tâm niệm rằng chỉ cần mình cố gắng bước thêm 1 bước chân, thì sẽ có 1 mảnh đời éo le hay 1 đứa trẻ nghèo hiếu học được giúp đỡ.
Tôi luôn tâm niệm rằng chỉ cần mình cố gắng bước thêm 1 bước chân, thì sẽ có 1 mảnh đời éo le hay 1 đứa trẻ nghèo hiếu học được giúp đỡ.
Có lẽ, tôi không thể giúp người nghèo hết khổ được, nhưng ít nhất tôi có thể mang cho họ niềm tin rằng giữa cuộc đời rộng lớn này họ vẫn được quan tâm và không đơn độc. Hy vọng, tôi sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành từ các nhà hảo tâm để có thể kết nối yêu thương và mang niềm vui đến với nhiều người bất hạnh hơn nữa”, Phi bộc bạch.
Chia tay Lương Phi ra về, tôi thật sự bùi ngùi, xúc động và khâm phục trước một chàng trai giàu nghị lực và tràn đầy sức sống như bông hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời. Bất cứ ai gặp Phi, nghe tiếng cười lạc quan và câu chuyện cổ tích về đời anh, sẽ thấy thứ ánh sáng long lanh phát ra từ con người đặc biệt này.
Với tấm lòng lương thiện, biến đam mê thành một công việc yêu thích, “Phi 1 chân” đã "viết" nên câu chuyện tử tế về nghị lực của một "vầng trăng khuyết" giữa đời thường. Ở tuổi 30, anh đang sở hữu gia tài “khổng lồ” vô giá, đó chính là sự biết ơn của cuộc đời. Hy vọng rằng, anh sẽ mãi bền bỉ như một con tàu chở theo hạnh phúc, mang lại niềm vui và cả những niềm tin, ước mơ đến những người còn nghèo khó!