Tại Trung Quốc, có một số bảo tàng kỳ quặc dành riêng cho những mối tình "tan vỡ" đang tồn tại và phát triển nhanh chóng nhờ vào một thứ thường không tồn tại lâu dài: Tình yêu. Sự hào hứng của người tiêu dùng được thúc đẩy một phần nhờ truyền thông xã hội.
Tháng 12 năm ngoái, một công ty tổ chức triển lãm nhỏ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên mở một bảo tàng trưng bày những vật kỷ niệm từ các mối quan hệ đã khép lại cùng câu chuyện liên quan đến chúng.
Bảo tàng Mr. Lovelorn đã tạo nên một cơn sốt tại Thành Đô, phần lớn là do khách đến thăm đăng tải ảnh và video lên mạng. Sau đó, công ty đã nhanh chóng mở địa điểm mới ở khoảng 20 thành phố khác, bao gồm Bắc Kinh và Thiên Tân.
Các bảo tàng là đứa con tinh thần của Zhu Zhaowei, Giám đốc công ty. Zhi cho biết anh rất cảm thông với những người cảm thấy lạc lõng sau khi chia tay, đặc biệt là giới trẻ và "muốn tạo ra một nơi cung cấp cơ hội cho catharsis". Trong tiếng Hy Lạp, "catharsis" có nghĩa là thanh lọc và chữa lành. Đây là quá trình giải phóng năng lượng tâm linh để giải tỏa cảm xúc.
Sau thành công của Mr. Lovelorn, hàng loạt các triển lãm tương tự đã được mở ra ở khắp nơi. Sự bắt chước là một phần cố hữu tại Trung Quốc. Thông thường, khi một doanh nghiệp thành công mọc lên, các đối thủ có xu hướng đổ xô bắt chước họ để rồi sau đó, mọi thứ bắt đầu nhạt dần khi mọi người chuyển sự chú ý sang những thứ khác mới mẻ hơn.
Khách tham quan selfie tại bảo tàng Mr. Lovelorn.
Điều mà Zhu và nhiều công ty trăn trở là làm thế nào để xây dựng được một thương hiệu bền vững.
Tại bảo tàng Mr. Lovelorn ở Quảng Châu, một cái bật lửa, túi xách, máy mát-xa mặt hay ốp điện thoại là những thứ được trưng bày, bên cạnh đó là câu chuyện liên quan đến những trái tim tan vỡ. "Anh quá ngọt ngào nhưng lại không dành cho em" là một câu trong câu chuyện được đặt bên cạnh một chiếc móc chìa khóa cũ.
Phí vào cửa Mr. Lovelorn là 30 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng). Ngoài sự đón nhận của giới trẻ, mức giá này cũng bị một số người cho là quá đắt bởi họ thấy nội dung "quá nông cạn" và "không cần đến quá 5 phút để xem toàn bộ nội dung".
Mặc dù vậy, bảo tàng của Zhu dường như đã chạm tới trái tim của rất nhiều người. Bản thân anh đã lấy cảm hứng trực tiếp từ Bảo tàng Broken Relationships (Tạm dịch: Mối quan hệ tan vỡ) tại thủ đô Zagreb của Croatia. Zhu cho biết anh nảy ra ý tưởng về Mr. Lovelorn nhờ chuyến tham quan triển lãm của bảo tàng này ở Thượng Hải năm 2018.
Ở thời điểm hiện tại, Zhu đang phải đối mặt với tình trạng sao chép ý tưởng. Một bảo tàng thất tình khác trưng bày các vật phẩm với chi phí tương tự đã được mở tại Quảng Châu dù phong cách trang trí và vật liệu in được cho là thua kém Mr. Lovelorn. Ngoài ra, vô số triển lãm gần giống như vậy cũng mọc lên khắp Trung Quốc.
Zhu thừa nhận tình hình "không thực sự thoải mái" nhưng anh cho biết mô hình kinh doanh của mình không thể được cấp bằng sáng chế. Công ty đã đăng ký thương hiệu cho Mr. Lovelorn nhưng không thể ngăn cản những đơn vị khác sử dụng ý tưởng kinh doanh này.
Trên thực tế, từ lâu đây đã là một tình trạng phổ biến tại đất nước tỷ dân. Một doanh nhân sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng ở Thượng Hải cho biết các quán ăn của anh đã bị bắt chước. Dù vậy, người này cũng thừa nhận rằng anh cũng bắt chước đối thủ của mình. Anh nói: "Việc ai đưa ra ý tưởng đầu tiên thực sự không quá quan trọng. Nhiều nhà hàng cạnh tranh với nhau, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều hơn".
Zhu cho biết sự bùng nổ của bảo tàng thất tình có thể sẽ qua đi trong một vài tháng nhưng công ty của anh dự định "dành thời gian để duy trì các bảo tàng đã mở với hy vọng sự quan tâm đến tình yêu thất bại không chỉ là sự yêu thích thoáng qua".
(Theo Nikkei)