Đã gần nửa thập kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi làm việc trong ngành thời trang. Tuy nhiên, có một thói quen mà tôi vẫn giữ từ đó đến nay: Nhìn vào túi xách hoặc ví của mọi người ngay giây phút đầu tiên thấy họ.
Trong bộ não chứa đầy những kỷ niệm thời thơ ấu và kế hoạch cho các buổi hẹn tương lai của tôi, luôn có một khoảng trống không thể xóa bỏ dành riêng cho việc phân loại ai đang mang chiếc túi xách nào. Trong vòng 10 năm, những ký ức này đã cung cấp cho tôi những thông tin chi tiết về thị trường túi xách xa xỉ.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 - 2 năm qua, có một điều gì đó chưa từng có đã xuất hiện: Những chiếc túi cũ đã quay trở lại. Một số lượng đáng kể - và ngày càng tăng - những người đam mê thời trang dường như đang khai thác triệt để tủ đồ của họ, hoặc lùng sục các chợ đồ cũ để tìm những thiết kế được ra mắt từ lâu.
Không chỉ săn lùng những thiết kế cổ điển có ý nghĩa lịch sử về thời trang hay những sản phẩm kinh điển được kế thừa từ đời này sang đời khác, mà họ còn tìm ra cả những chiếc túi vốn phải ít được biết đến ở thời điểm hiện tại: Những sản phẩm ra mắt một lần theo mùa, những thiết kế phổ biến vào năm 2010 và những chiếc túi có thể xem là lỗi thời với bất kỳ ai.
Thậm chí, dấu hiệu hao mòn theo thời gian trên những chiếc túi cũng không có gì đáng lo ngại. Tờ New York Times gần đây đưa tin rằng nhiều người thậm chí còn cố tình mua những chiếc túi Hermès Birkin “rách nát” để tạo cảm giác rằng họ đang dùng nó hết sức thoải mái mà không hề bận tâm đến giá trị cao của nó.
Xu hướng này đang ngày càng mở rộng trên thị trường túi xách. Nhu cầu về các phiên bản mới ra mắt đã giảm bớt, nhường chỗ cho những thiết kế cũ, đã qua sử dụng, bao gồm cả những thiết kế cũ kỹ một cách rõ ràng.
Doanh số bán túi xách cũ, có thể bị trầy xước hoặc có những dấu hiệu sử dụng dễ nhận thấy khác, đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022. Thời trang, với tư cách là một ngành công nghiệp, có thể đã bắt đầu gặp khó khăn trước giới hạn của lượng người mua. Điều đó có nghĩa là gì khi người dùng bắt đầu mệt mỏi với sự mới lạ?
Túi xách vốn có một vị trí độc nhất vô nhị trong ngành thời trang, bởi chúng có thể được bán trên thị trường một cách “lố bịch”. Thay vì mua để tiêu dùng, có thể nói rằng nhiều người mua túi xách như một chiến lợi phẩm, vì nó là thứ mà ngay cả những người chẳng có hứng thú với thời trang cũng có thể phân biệt thương hiệu và giá trị. Điều này giúp nhiều người nâng cao địa vị của họ trong xã hội.
Ngoài ra, túi xách cũng thiết thực hơn váy vóc hoặc giày cao gót vì chúng không cần phải được làm chuẩn xác theo kích thước cơ thể của người dùng. Một chiếc túi trị giá 3.000 USD vẫn có giá trị hơn so với một chiếc áo len có giá trị tương tự.
Do đó, đối với nhiều thương hiệu thiết kế - và đặc biệt là những thương hiệu có tên tuổi rộng rãi - túi vẫn là ngành kinh doanh chủ chốt, bất kể họ có thể sản xuất bao nhiêu loại sản phẩm khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người mua hàng bắt đầu có xu hướng căng thẳng hơn. Vấn đề lớn đầu tiên là giá cả đã tăng vọt. Những chiếc túi xách hàng hiệu luôn có giá rất đắt, đó gần như là nét đặc trưng riêng của chúng, tuy nhiên, việc giá trị tăng lên gấp đôi trong vòng một thập kỷ vẫn khiến nhiều người kinh ngạc. Chẳng hạn, chiếc túi Chanel Classic Flap đã chứng kiến mức tăng giá 60% từ năm 2019 đến năm 2022.
Vấn đề lớn thứ hai: Ngay cả khi giá cả leo thang, thị trường túi xách vẫn trở nên quá bão hòa và bởi quá nhiều sản phẩm. Các nhà thiết kế bị thúc đẩy phải cho ra mắt sản phẩm thường xuyên hơn. Ban đầu, tiêu chuẩn của ngành là 2 bộ sưu tập mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu, nhưng trên thực tế, hầu hết các thương hiệu lớn đều sản xuất năm hoặc sáu bộ sưu tập ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, các thương hiệu ngày càng không dám mạo hiểm khi đưa ra những ý tưởng thiết kế mới, vì túi xách đóng vai trò trung tâm đối với lợi nhuận của doanh nghiệp, và những ý tưởng quá táo bạo có thể sẽ khiến người mua chùn bước.
Nhìn chung, nguyên nhân tạo ra những vấn đề này có lẽ là do câu chuyện về sự hợp nhất - hiện tượng không chỉ xảy ra trong ngành thời trang. Ngày trước, thời trang cao cấp là lĩnh vực của các doanh nghiệp gia đình, tạo ra sản phẩm theo phương pháp cũ.
Giờ đây hầu hết các thương hiệu lớn đều thuộc sở hữu của các tập đoàn xa xỉ chuyên sản xuất hàng loạt, trong đó lớn nhất và có giá trị nhất là LVMH và Kering. Hai công ty này giám sát hầu hết tất cả các tên tuổi lớn trong ngành phụ kiện: Louis Vuitton, Dior, Gucci, Bottega Veneta, Fendi, Celine, Balenciaga và Saint Laurent, cùng những công ty khác.
Khi một doanh nghiệp trở thành công ty con của một tập đoàn, chúng ta phần nào có thể đoán trước hướng đi của nó. Các cổ đông muốn có lợi nhuận và tăng trưởng, vì vậy các nhà thiết kế tạo ra sản phẩm ít rủi ro hơn. Và để tăng doanh số bán hàng, không có gì nhanh chóng bằng việc tăng giá.
Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi người mua hàng đang dần tìm về những chiếc túi xách trong quá khứ. Họ say mê sự cổ điển của nhiều năm trước, lùng sục trên các nền tảng bán đồ cũ để tìm những thứ độc đáo thay vì những gì mới có.
Khi những người mua sắm làm cho những chiếc túi cũ trở nên phổ biến, các thương hiệu đã xem xét hiện tượng này và rút ra những bài học sai lầm. Trong vài năm qua, họ đã phát hành lại nhiều thiết kế cũ này nhằm cố gắng thu hút người dùng, nhưng những món đồ đó lại có giá trị đắt hơn rất nhiều.
Thậm chí, ngay cả khi những chiếc túi được phát hành lại này giúp duy trì doanh số bán hàng trong một hoặc hai quý, chúng cũng không phải là giải pháp cho sự bất ổn của người mua - những người dường như ngày càng mệt mỏi với logo phô trương hay những sản phẩm trung tính, đơn điệu.
Đối với khách hàng thời trang, họ có thể đạt được điều gì đó từ sự bế tắc sáng tạo của ngành, ngay cả khi đó chỉ là việc nhận ra rằng những thứ bạn thực sự muốn mặc hoặc mang theo ngay bây giờ có thể đã có trong tủ quần áo của bạn.
* Bài được viết bởi cây bút Amanda Mull của The Atlantic
Nguồn: The Atlantic