Nằm dưới chân cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) hiện tồn tại một làng chài nghèo lọt thỏm giữa phố xá nhộn nhịp hiện đại. Trên sông, những chiếc ghe gỗ chắp vá, phủ những tấm bạt, mái tôn phía trên neo đậu như vậy từ hàng chục năm qua.
Một thời xóm chài có rất nhiều hộ dân bám lưới sinh sống. Theo thời gian, làng chài trên sông Sài Gòn cứ thưa thớt dần do thế hệ sau này bỏ lên bờ đi làm nghề khác. Hiện nay, cả xóm chỉ còn 3 hộ với 8 người sinh sống, nhà của họ là những chiếc ghe lênh đênh mặt nước.
Theo ông Nguyễn Văn Chúc (52 tuổi, cư dân nhiều tuổi nhất) thì xóm chài hình thành cách đây 40 năm. Trước đó, cha mẹ ông và một số người từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954. Ban đầu họ đến xóm Mới (nay là đoạn thuộc sông Vàm Thuật, phường An Phú Đông, quận 12) chài lưới. Sau giải phóng năm 1975, họ bắt đầu chuyển về tại khu vực cầu Bình Lợi để neo đậu và làm nghề đánh cá cho tới nay.
"Ngày trước xóm chài khá đông đúc nhưng giờ nhiều hộ có điều kiện đã lên bờ thuê nhà trọ sống. Kể cả những đứa nhỏ chúng tôi cũng cho về họ hàng ở Gò Vấp để tiện đi học. Vì thế cả xóm giờ chỉ toàn người già với nhau. Tất cả mọi người ở đây đều có họ hàng thân thiết với nhau", ông Chúc chia sẻ.
Những người dân vẫn giữ lối đánh bắt truyền thống, ngư cụ chỉ là chiếc ghe, mấy tấm lưới nhỏ. Bất cứ ngày, đêm, theo con nước lên xuống, họ chèo thuyền dọc con sông, có khi xa hàng chục km để thả lưới, quăng chài.
Ngày nay, cuộc sống mưu sinh có phần vất hơn trước, vì dòng sông không còn nhiều cá tôm. Trong ảnh, anh Mười sau một buổi trưa quăng lưới cũng chỉ kiếm được vài con cá nhỏ làm bữa ăn cho gia đình.
Mỗi ngày, cánh đàn ông chèo lưới, còn phụ nữ cho cá vào làn để lên bờ bán mỗi buổi chiều. Hôm nào được cá to thì họ lời khoảng 200 ngàn.
Ông Nguyễn Ngọc Ái gần như cả quãng đời sống trên ghe. Ông lấy vợ, khi các con lớn thì chúng lên bờ sống. Mới rồi, mẹ già ông cũng về nhà em trai ở Thủ Đức ở. Cái ghe từng là nơi cả gia đình quây quần thì giờ chỉ còn hai vợ chồng ông.
Ngoài chài cá, ông Ái còn hay nhặt ve chai trên sống, kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Còn ông Nguyễn Văn Chứng (53 tuổi) thì không lập gia đình. Ông có mấy con cún bầu bạn đêm ngày. "Mình nghèo quá, cứ lênh đênh thế này nên cũng ngại lấy vợ", ông Chứng nói.
Bà Nguyễn Thị Hinh (vợ ông Chúc) cho biết, cuộc sống trên ghe thiếu thốn đủ thứ. Chỉ thời gian gần đây họ mới được xài "ké" nước sạch, điện thì sạc vào bình ắc quy. Nhà bà Hinh khá nhất khi có bếp ga để nấu nướng.
Những hộ dân ăn uống thường rất đạm bạc, chỉ vài con cá bắt được và rất ít khi họ ăn thịt.
Bữa ăn trưa yên ả trên thuyền của ông Chúc, mọi người cùng ăn chung với nhau. Cuộc sống của những cư dân xóm chài nơi đây còn khó khăn đủ bề, nhưng họ lại gắn bó với nhau, san sẻ cho nhau mọi điều.
Dù thu nhập từ nghề này bấp bênh, cuộc sống còn khó khăn nhưng nhiều người dân họ vẫn gắn bó vì ở đây cuộc sống tự tại, không bon chen, giành giật với ai.