Vụ việc mới đây nhất, một nam sinh lớp 6 trường THCS Lê Quý Đôn bị cô chủ nhiệm dùng thước đánh bầm tím hai chân, sau khi va chạm với bạn trong tiết thể dục đã khiến dư luận quan tâm.
Cụ thể, trưa 13/11, người nhà nam sinh đăng bài trên mạng xã hội, kèm hình ảnh hai chân bầm tím, thể hiện bức xúc. Theo gia đình, ban đầu em không chịu nói vì sợ bị hạ hạnh kiểm. Sau khi gia đình thuyết phục, nam sinh kể bị cô đánh sau giờ học thể dục cách đây hai ngày.
Xác nhận sự việc, ông Lê Văn Tám, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết, sự việc xảy ra sau khi em và bạn đánh nhau.
Theo ông Tám, cô giáo đã thừa nhận dùng thước nhỏ đánh vào phần mềm chân học sinh. Sau đó giáo viên và đại diện trường đã đến nhà hỏi thăm và cùng gia đình đưa học sinh đi khám và đây là sự việc đáng tiếc do cô giáo nóng tính.
Dấu hỏi lớn về công tác quản lý
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh với nhau mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh. Điều này có thể để lại hệ lụy tiêu cực cho các đối tượng là nạn nhân của các vụ bạo lực học đường. Đồng thời, cũng là dấu hỏi lớn về công tác quản lý, giáo dục của nhà trường, cơ quan chức năng và phụ huynh học sinh khi để xảy ra tình trạng này.
Theo khoản 1 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, trong đó bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo viên cần ứng xử đối với người học như sau: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, giả sử giáo viên có hành vi đánh học sinh thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...) hoặc xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật dân sự.
Theo điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 28 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, về vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với đó, người vị phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm thân thể, trừ trường hợp người bị xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Nếu việc giáo viên đánh học sinh mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” có thể dược xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt.
Cần sự chung tay
Để tránh tái diễn vụ việc tương tự đòi hỏi cần có sự chung tay giữa nhà trường, địa phương, cơ quan chức năng, học sinh và phụ huynh học sinh trong phòng ngừa, ngăn chặn vá xử lý dứt điểm vấn nạn bạo lực học đường.
Đối với nhà trường/cơ sở giáo dục thì cần cải thiện chương trình đào tạo, giảng dạy; phổ biến kiến thức về bạo lực học đường; tổ chức các hoạt động rèn luyện thi đua, tình nguyên và các khóa học về phòng chống bạo lực học đường; kiên quyết xử lý, không bao che đối với các sai phạm (nếu có)....
Đối với giáo viên thì cần tạo môi trường học tập tích cực, sáng sủa cho học sinh; thường xuyên quan tâm, giám sát tình hình học tập của học sinh; can thiệp kịp thời nếu có phát hiện những tiêu cực trong quá trình học tập của học sinh...
Đối với gia đình thì cần tạo môi trường sống lành mạnh, không hoặc hạn chế bạo lực gia đình trước mặt con em; phối hợp chặt chễ với nhà trường, giáo viên để nắm bắt và giám sát tốt tình hình học tập của con em; đưa ra những giải pháp, lời khuyên phù hợp khi con em đăng gặp vướng mắc, bị động...
Đối với học sinh thì cần hình thành nếp sống văn minh; kính trọng, lễ phép với người lớn, yêu quý bạn bè, người thân và hòa đồng với mọi người xung quanh; tránh xa các tệ nạn xã hội, những tiêu cực của môi trường xung quanh; tuân thủ nội quy nhà trường, lớp học; thông báo ngay cho giáo viên, phụ huynh biết khi nhận thấy có dấu hiệu của việc bạo lực, tiêu cực; tham gia các hoạt động rèn luyện, tình nguyện do nhà trường, địa phương tổ chức...
Đối với địa phương, cơ quan chức năng thì cần chủ động phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân; chủ động quản lý, giám sát, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, phụ huynh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý sai phạm (nếu có)...