Sun Maoxing và vợ là Wang Weiju, đều ở độ tuổi ngoài 60, chưa từng nghĩ rằng chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài của họ lại là một cuộc tìm kiếm tuyệt vọng để tìm con trai mất tích. Cặp vợ chồng đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đại lục, vào thứ Hai (13/1) đã đứng bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok, Thái Lan, cầu xin sự giúp đỡ từ bất kỳ ai rời khỏi tòa nhà. Cặp vợ chồng nói với nhân viên đại sứ quán: "Xin hãy cứu con trai tôi".
"Lần cuối tôi nhìn thấy con trai mình là vào tháng 4 năm ngoái, khi mẹ tôi qua đời... Lúc đó tôi không có nhiều cơ hội nói chuyện với nó," ông Sun (64 tuổi) chia sẻ. Bà Wang (60 tuổi), vợ ông, cũng không giấu nổi sự đau buồn. "Nó là con trai duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi không thể sống nếu không có nó", bà nói bên ngoài đại sứ quán.
Hiện tại, vị trí chính xác của con trai họ, Sun Baochao, 32 tuổi, vẫn chưa được xác định. Gần đây, con trai họ chỉ liên lạc qua những tin nhắn trên WeChat để xin tiền từ cha mẹ. Trong một tin nhắn gửi tuần trước, anh cho biết mình đang ở Thái Lan.
Câu chuyện này chỉ là một trong nhiều vụ việc liên quan đến các đường dây buôn người, nơi nạn nhân bị ép lao động trong những khu "công viên lừa đảo" khét tiếng do các băng nhóm tội phạm điều hành tại Myanmar, quốc gia láng giềng Thái Lan.
Trước những nỗ lực tìm kiếm người thân của người dân Trung Quốc, một nhà hoạt động tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã kêu gọi các gia đình ở thành phố này, nếu có người thân bị mắc kẹt ở các nước Đông Nam Á, hãy cân nhắc đến Bangkok để báo cáo với chính quyền Thái Lan và Trung Quốc.
Cựu phó chủ tịch Hội đồng quận Yau Tsim Mong (Hồng Kông), Andy Yu Tak-po, đã hỗ trợ một số gia đình nạn nhân từ năm 2022, trong đó có hai lần giúp họ nộp đơn kiến nghị lên chính quyền Hồng Kông.
Bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok vào thứ Hai, bà Wang kể với báo chí rằng con trai bà từng làm việc 3 năm cho một công ty giao hàng ở Thâm Quyến sau khi chuyển từ Tây Tạng.
Bà cho biết, kể từ khi con trai yêu cầu tiền vào tuần trước, bà chỉ nhận thêm 2 tin nhắn xin tiền khác. Ngoài ra, bà Wang cũng nhận được 3 cuộc gọi từ tài khoản WeChat của con trai, nhưng người ở đầu dây bên kia lại là một phụ nữ nói tiếng Trung lơ lớ.
Cảnh sát Thái Lan cho biết vào thứ Bảy tuần trước (11/1), con trai họ đã đi taxi từ sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok nhưng sau đó không thể xác định được tung tích của anh. Hai vợ chồng sau đó được yêu cầu gửi tài liệu về vụ việc vào một hộp thư do đại sứ quán Trung Quốc chỉ định. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
"(Nhân viên đại sứ quán) nói sẽ liên lạc với tôi khi có thông tin mới, nhưng hiện tại họ không biết gì về những gì đã xảy ra," ông Sun chia sẻ sau cuộc gặp tại đại sứ quán Trung Quốc.
Tại đại sứ quán, một người đàn ông khác tên Wang Yaxin cho biết mình đang tìm kiếm người em họ 28 tuổi, mất liên lạc kể từ khi anh báo vị trí ở tỉnh Tak, Thái Lan, giáp biên giới Myanmar. Ông nghi ngờ rằng em họ của mình, vốn thất nghiệp, đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo vay tiền ở Thái Lan.
Ông Wang kể thêm rằng người em họ từng nói anh đang đến Bangkok để vay khoảng 1 triệu nhân dân tệ (3,46 tỷ đồng) trước khi báo vị trí ở khu vực ngoài thủ đô Thái Lan. "Tôi đã bảo cậu ấy gửi vị trí cho tôi. Tôi kịp chụp lại màn hình vị trí, nhưng khi rời khỏi khung chat để gọi điện, cậu ấy đã không còn liên lạc được nữa”.
Nạn buôn người ở Đông Nam Á lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi ngôi sao Trung Quốc đại lục Vương Tinh được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo nằm ở biên giới Thái Lan và Myanmar gần đây.
Nam diễn viên mất tích trong một tuần sau khi bị lừa bởi lời mời tham gia một dự án sản xuất giả. Những kẻ bắt cóc đã cạo đầu anh và ép anh luyện gõ bàn phím suốt nhiều ngày tại một khu lừa đảo ở Myanmar.
Vào thứ Hai, bộ trưởng An ninh Hồng Kông, ông Chris Tang Ping-keung, cho biết không có nạn nhân nào trong các vụ "công viên lừa đảo" gần đây bị bắt cóc khi đến Thái Lan. Thay vào đó, tất cả họ đều bị lừa đến đây bằng những lời hứa về công việc lương cao.
Ông Tang cho biết, trong số 28 trường hợp mà cơ quan của ông tiếp nhận, 16 nạn nhân đã trở về Hồng Kông. Những trường hợp còn lại vẫn giữ liên lạc và khẳng định họ an toàn, mặc dù họ cho biết đã "mất tự do cá nhân".
Nguồn: SCMP