Gần đây, trên MXH xuất hiện đoạn tâm sự của 1 nữ sinh, có bố mẹ ly hôn. Bố đi bước nữa và mẹ đang nuôi cả 2 chị em. Dù bố có chu cấp nhưng số tiền hàng tháng cũng không đủ để trang trải khoản chi phí. Nhân dịp trường tổ chức đi trải nghiệm thực tế, nữ sinh lấy điện thoại của mẹ nhắn tin xin bố thêm tiền. Bất ngờ, dì kế (người vợ sau của bố) cầm máy, và nhắn lại 1 đoạn tin nhắn có nội dung khiến nữ sinh này bị sốc, cảm thấy tổn thương rất nhiều.
"Đừng bao giờ con bảo bố con gửi tiền. Và đừng bao giờ con qua mặt. Bố con không có tiền đâu, làm dì vuốt mặt phải nể mũi. Còn bác L. có gửi tiền, thì nên nhớ là tiền của ai. Đừng bao giờ bảo bác L. gửi nha. Có dì bảo bố đi làm mà gửi", người vợ sau nhắn.
Bên dưới bài viết, cô con gái cũng cập nhật rằng câu chuyện này đã xảy ra lâu rồi, bây giờ mới đem ra kể lại.
Cô bạn tâm sự sau khi thấy những dòng tin nhắn này từ người mẹ kế, cô bạn đã chụp màn hình rồi gọi thẳng cho bố. "Bố mình không biết chuyện nên mình gửi ảnh cho bố xem, nhưng bố bảo để bố giải quyết. Cách giải quyết của bố thì mình không biết" - nữ sinh tâm sự.
Bên dưới bài đăng, nhiều người cũng đã vào bình luận đồng cảm với nữ sinh. Hầu hết netizen đều cho rằng khó thể bàn luận nhiều về thái độ của người vợ sau, vì chỉ người trong cuộc mới hiểu được đầu đuôi câu chuyện.
Tuy nhiên không thể phủ nhận một điều rằng, chắc hẳn cô con gái bị tổn thương rất nhiều. Những người từng trải đã vào động viên nữ sinh, chỉ mong rằng cô gái trẻ hiểu được 1 điều:
Con cái không có lỗi sai gì trong cuộc hôn nhân đổ vỡ của ba mẹ. Và điều quan trọng nhất lúc này là cô gái phải chăm chỉ học hành, quan tâm và báo hiếu mẹ ruột cho tốt. Những điều vượt ngoài tầm cô con gái có thể kiểm soát như mối quan hệ giữa bố mẹ ruột, hay số tiền chu cấp... thì không nên suy nghĩ nhiều.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật gửi đến cô con gái:
- "Đọc phản hồi thấy em cũng biết phân tích. Mẹ em đúng là người vợ hy sinh cho chồng con. Bố em như vậy thì thật sự khó hiểu quá. Nhưng mà em hãy nhớ trong đầu nhau: Bố sai hay mẹ đúng, đó là chuyện của họ, cuộc đời của họ. Đừng để ảnh hưởng đến mình nha. Cuộc sống của người lớn, phức tạp như họ vậy. Em thì đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, tương lai còn ở phía trước. Hãy luôn vui, cười, làm một cô bé tích cực nha".
- "Cố lên nè. Bố mẹ mình còn chẳng cưới nhau mà có mình. Ngày xưa bố vẫn quan tâm cho tới năm mình 6 tuổi thì bố có vợ, rồi mất liên lạc luôn. Mãi tới lúc mình được 14 tuổi, bố mới liên lạc lại tại vì lúc đó mình cần chuyển trường, rồi làm giấy tờ các thứ cho năm cuối cấp. Bố chẳng chu cấp cho mình, do mẹ mình không nhận. Nhưng mà vẫn gửi tiền tiêu vặt cho mình. Dù gì thì không nhiều nhưng mà cũng đỡ hơn là không có. Bây giờ bạn cố gắng học hành, quan tâm đỡ đần mẹ nhé. Đừng trông quá vào bố, được bao nhiêu thì được. Mình cứ sống tốt cuộc đời của mình thôi, còn đến đâu thì số phận tính tiếp nè. Vì thực ra tình cảm của bố, dù mình muốn ép cũng chẳng thể nào ép được ấy".
Ảnh minh hoạ.
- "Nói chung gia đình bố không thiện cảm với em nữa, thì một lời khuyên từ chị (cũng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn giống em) là: Nếu bố không sẵn lòng làm nhiều hơn những gì cả 2 thoả thuận, thì em và mẹ không nên đặt thêm kì vọng thêm!
Thay vào đó, em xem khoản chu cấp như một phần hỗ trợ cơ bản. Riêng mẹ lại càng phải chủ động tài chính để không phụ thuộc vào chồng cũ (mà chị thấy em chia sẻ mẹ đã kiếm được nhiều, còn chi tiêu du lịch hưởng thụ thì quá ổn rồi nè). Sau này em tự lập, nếu bố em vẫn vậy thì mối quan hệ cha con còn nữa hay không là tuỳ em.
Ly hôn rồi mà có tài sản cũng phải thoả thuận sớm để đảm bảo quyền lợi cho con, tránh sau này bị mất phần do gia đình nội và gia đình mới của bố can thiệp. Còn em không nhận được sự yêu thương và trách nhiệm từ bố, lẫn gia đình nội thì em và mẹ không cần kì vọng thêm vào những thứ không thể thay đổi. Thay vào đó, em hãy tập trung dành tình cảm cho mẹ - người sẵn sàng yêu thương, hi sinh vì em nhé!".
Ly hôn là chuyện không ai mong muốn, nhưng khi điều đó xảy ra, những tổn thương tinh thần không chỉ đến với người lớn mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Sau khi gia đình không còn nguyên vẹn, cha mẹ phải cùng đồng hành với nhau để con hiểu ra rằng: Ly hôn không phải là sự thất bại, đó chỉ là sự lựa chọn trong cuộc sống. Và việc cha mẹ ly hôn, không phải lỗi của trẻ!
Điều quan trọng nhất sau ly hôn là cho con biết rằng cha mẹ vẫn luôn yêu thương con, bất kể hoàn cảnh nào. Đừng để bé cảm thấy bị bỏ rơi hay không còn được yêu thương như trước. Đừng để con cảm thấy rằng "cha mẹ ly hôn" là gia đình đã tan vỡ, tình cảm của con với cha mẹ sẽ không còn được như trước.
Ảnh minh hoạ.
Dù mối quan hệ giữa hai người có tệ đến đâu, hãy cố gắng tránh việc nói xấu hay phán xét nặng nề về đối phương trước mặt con. Bởi tình yêu của trẻ dành cho cha mẹ là sự tự nhiên và bản năng. Nếu chúng liên tục nhận được quan điểm "bố đã làm chúng ta thất vọng", hay "mẹ là kẻ tồi tệ, khiến gia đình tan vỡ" - điều đó sẽ khiến trẻ rất đau đớn.
Một số bé không chịu được việc "đứng về phe" trong cuộc đối đầu với cha mẹ mà đã tự cô lập mình, trở nên xa lánh và dần dần có xu hướng oán giận cha mẹ. Hay thậm chí bé có thể rơi vào hiện tượng "parentification" (phụ huynh hoá) - thuật ngữ chỉ những đứa trẻ trở thành người chăm sóc, gánh vác trách nhiệm cho cha mẹ khi không nhận được đầy đủ tình thương.
Ly hôn sẽ khiến con cảm thấy cuộc sống bị xáo trộn, vì vậy việc duy trì những thói quen quen thuộc là điều rất cần thiết. Hãy cố gắng giữ nguyên các hoạt động hàng ngày như trước đây: giờ ăn, giờ ngủ, thời gian học bài hay các hoạt động ngoại khóa. Điều này giúp con cảm thấy an tâm và giữ được cảm giác ổn định.
Trẻ em có bố mẹ ly hôn có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Buồn bã, giận dữ, thất vọng hoặc thậm chí sợ hãi. Hãy khuyến khích con chia sẻ cảm xúc của mình bằng cách tạo ra môi trường an toàn và không phán xét. Bạn có thể hỏi: "Con cảm thấy thế nào?", "Có điều gì làm con lo lắng không?". Điều này sẽ giúp con cảm thấy được thấu hiểu và giải tỏa bớt áp lực tâm lý.
Dù hai người không còn là vợ chồng, nhưng vẫn luôn là cha mẹ của con. Hãy cố gắng hợp tác với nhau trong việc nuôi dạy và giáo dục con. Thống nhất về cách dạy dỗ, các quy tắc gia đình và cùng tham dự các sự kiện quan trọng của con như lễ hội ở trường hay sinh nhật. Sự đồng hành từ cả cha lẫn mẹ sẽ giúp con cảm nhận được sự quan tâm đầy đủ.
Cuối cùng, để chăm sóc tốt cho con, cha mẹ cũng cần chăm sóc chính mình. Sau ly hôn, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Hãy dành thời gian cho những hoạt động giúp bạn thư giãn và tái tạo năng lượng. Khi bạn có tâm trạng tích cực, con bạn cũng sẽ cảm nhận được điều đó và cảm thấy an toàn hơn.
Những điều này, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Mong rằng khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, chỉ có bạn và đối phương là người nhận ra những bài học, đừng làm đau những đứa trẻ!