Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Các công ty thẩm định giá bị thao túng như thế nào?

Phạm Dũng- Minh Diễm- ảnh: Hoàng Triều, Theo Người Lao Động 12:15 08/03/2024
Chia sẻ

Các bị cáo là lãnh đạo các công ty thẩm định giá thừa nhận dù biết hồ sơ làm chứng thư do Ngân hàng SCB chuyển có vấn đề nhưng vì nể nang, vì công ty gặp khó khăn nên làm liều.

Sáng 8-3, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm về nhiều tội danh khác nhau. HĐXX do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) bắt đầu thẩm vấn nhóm các bị cáo là lãnh đạo các công ty thẩm định giá.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Các công ty thẩm định giá bị thao túng như thế nào? - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trần Văn Nhị (cựu Phó Giám đốc Công ty TNHH hang kiểm toán và định giá ATC, người môi giới thẩm định giá tài sản cho Ngân hàng SCB) cho biết năm 2020, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) yêu cầu bị cáo Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú) phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Các công ty thẩm định giá bị thao túng như thế nào? - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa án sáng 8-3

Hành vi của bị cáo Nhị gây thiệt hại cho SCB hơn 110.000 tỉ đồng. Bị cáo Nhị khai đã nhận thù lao giới thiệu khoảng 1,3 tỉ. Nguyện vọng trả lại hết tất cả. Tác động gia đình đi vay mượn, gia đình đã khắc phục.

Bị cáo Trần Thị Kim Ngân khai nhận được 300 triệu đồng tạm ứng và nhận được một số hồ sơ làm chứng thư. Chi phí thấp nhất để làm chứng thư là 8 triệu đồng và cao nhất là 300 triệu đồng. Hành vi của bị cáo Ngân gây thiệt hại cho SCB hơn 110.000 tỉ đồng

Bị cáo Trần Tuấn Hải (cựu thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú) khai chỉ là người làm công ăn lương, lúc ký 2 chứng thư, bị cáo thấy rất rủi ro nhưng do thời điểm đó bị cáo Ngân mới lên làm lãnh đạo, công ty còn gặp nhiều khó khăn nên bị cáo "nhắm mắt" làm.

Tại tòa, bị cáo Hồ Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD) thừa nhận cáo trạng truy tố nhưng bị cáo cho rằng chỉ làm việc với Bùi Ngọc Sơn (cựu nhân viên Phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB), chưa bao giờ gặp Trần Thị Mỹ Dung. Lúc công ty của bị cáo gặp khó khăn, bị cáo có gặp Sơn và Sơn gửi 2 hồ sơ nhờ định giá. Sau khi tính toán, bị cáo báo giá làm chứng thư cho Sơn.

"Từ khi nhận hồ sơ đến khi làm, bị cáo trực tiếp định giá 2 dự án do Sơn chuyển"- bị cáo Minh khai. Tổng cộng, bị cáo Minh làm 3 chứng thư, nhận trực tiếp từ Bùi Ngọc Sơn khoảng 280 triệu do Ngân hàng SCB chuyển làm các chứng thư này. Sau khi trừ các chi phí thì công ty nhận được 65% tổng số tiền đã nhận.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Các công ty thẩm định giá bị thao túng như thế nào? - Ảnh 3.

Các bị cáo tại tòa

Trước bục khai báo, bị cáo Minh nói sau khi kết thúc dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn, để duy trì hoạt động nên dù biết hồ sơ "có vấn đề" bị cáo cũng cố xoay xở. "Bị cáo chỉ ngờ ngợ hồ sơ có vấn đề chứ thật tình không biết họ dùng hồ sơ để rút tiền. Trong vụ án này, bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ mong tòa xem xét"- bị cáo Minh nói.

Sáng nay, HĐXX cũng đã thẩm vấn các bị cáo Lê Huy Khánh (cựu Giám đốc Công ty Thẩm định Tầm Nhìn Mới), Đỗ Xuân Nam (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản DATC), Lê Kiều Trang (cựu Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Exim). Bị cáo Khánh, Nam đều khai vì công ty gặp khó khăn, vì nể nang, muốn tạo mối quan hệ lâu dài với Ngân hàng SCB nên đã làm các chứng thư này. Bị cáo Trang cho rằng đã tuân thủ quy định nhưng có sai sót trong nghiệp vụ chuyên môn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày