Xem xét xử lý Facebooker đưa tin sai sự thật về COVID-19

NGUYỄN HOÀN, Theo Tiền Phong 21:32 27/03/2020

Tối 27/3, Cục A05 - Bộ Công an cho biết đơn vị đang củng cố tài liệu để xử lý Đ.N.Q (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một facebooker vì đăng tải hàng trăm bài viết kèm hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng chưa được kiểm chứng về COVID-19 lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Xem xét xử lý Facebooker đưa tin sai sự thật về COVID-19 - Ảnh 1.

Đ.N.Q tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa làm việc với Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), là một facebooker nổi tiếng trên mạng xã hội để làm rõ hành vi “Đăng thông tin vi phạm pháp luật”.

Tại cơ quan công an, Đ.N.Q thừa nhận đã thu thập thông tin nóng về tình hình dịch bệnh COVID-19 từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng. Sau đó chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt. Đ.N.Q còn đăng tải bài kèm hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức về thông tin người nhiễm COVID-19 hoặc cần đưa vào diện cách ly.

Điều này làm ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, khiến người dân hoang mang phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực, gây mất an ninh trật tự.

Cục A05 – Bộ Công an cũng cho biết, trung bình mỗi bài viết Đ.N.Q đăng tải lên mạng có từ vài trăm đến hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, bình luận và tạo thành điểm nóng, nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng.

Đ.N.Q đã buộc phải gỡ 216 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng và bài viết có chứa bình luận với nội dung xuyên tạc, đưa tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Cục A05 đang tiếp tục khẩn trương củng cố tài liệu, xem xét xử lý đối với Đ.N.Q và những cá nhân liên quan theo quy định. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan công an các đơn vị, địa phương xử lý các trường hợp đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng.

Xem xét xử lý Facebooker đưa tin sai sự thật về COVID-19 - Ảnh 2.