Càng đến cuối, Sống chung với mẹ chồng càng khơi ra cho khán giả nhiều vấn đề để suy ngẫm. Các cô gái trẻ thì nghiêm túc hơn với chuyện làm dâu đúc ra được nhiều kinh nghiệm hơn. Không chỉ thế, chúng ta còn có thể tính luôn tới cả việc sẽ làm mẹ chồng sau này thế nào thì hợp lý!
Đắng cay chuyện làm dâu nhà người
Minh Vân hay Trang, thậm chí là cả Diệp, họ đều là hình ảnh tượng trưng cho một lối sống mới của giới trẻ hiện đại. Tuy mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều giống nhau ở một điểm là gặp rắc rối với mẹ chồng.
Nếu như Minh Vân chọn cách nhún nhường nhưng lại rất kiên định, tự làm khó mình thì Trang lại chọn đánh vào tâm lý chồng – một kênh thông tin hữu hiệu để tác động tới mẹ chồng. Nhưng cuối cùng, một cô dâu "kiểu Tây" chính hiệu – Diệp đã chọn cứng ngay từ bước đầu tiên.
Nếu Vân lùi 2 bước mà biết tiến 1 bước thì cô đã không chịu nhiều tủi cực như vậy
Cũng chẳng nên định kiến quá độ như Trang
Diệp chính xác là một liều kháng sinh chống lại mọi sự tấn công của bà Phương
Nhọc nhằn khi làm mẹ người ta
Bà Phương và cả bà Bằng, thực chất đều là những người mẹ hết mực thương con. Nhưng chính cái cách mà bà thể hiện ra, đôi lúc đã khiến con mình tổn thương. Với người khác có thể dâu là con, rể là khách, nhưng dường như bà Phương đang quá đề phòng đứa con mới của mình.
Bà luôn bênh Thanh ra mặt và khiến cho Minh Vân thấy lạc lõng ngay trong căn nhà mình đang ở. Và lẽ đương nhiên, trong một mối quan hệ, nếu như chỉ có một phía mở lòng, thì sẽ chẳng bao giờ có kết quả.
Rõ ràng bà Vân không xấu. Hãy nhìn cách bà chăm từng bữa cơm, giặt giũ, lau dọn cho gia đình sẽ hiểu. Bà chẳng bao giờ có ý định hãm hại con dâu như trong mấy bộ phim về chốn "tam cung lục viện". Chẳng qua do bản tính hơi độc tài, cộng với con dâu cứ ngấm ngầm chống đối, nên bà càng không muốn mở lòng. Thế là sắm vai bà mẹ chồng ác quỷ.
Ngược lại, bà Bằng là một người phụ nữ đôn hậu, ôn hòa, khá gần với hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Bà luôn dạy con phải biết đạo nghĩa, lễ giáo. Đúng thực điều này gây một phần áp lực cho Vân khiến cô không dám thẳng thắn ngay từ đầu mà cứ dè chừng nhưng trong lòng không phục, dẫn đến bất hoà. Nhưng, nếu bà Bằng là một mẹ chồng thì lại khác. Cách nói năng chừng mực, chữ nghĩa, dịu dàng sẽ làm con dâu cảm thấy dễ chịu hơn khi nghe bà Phương la lối.
Giống như khi nói chuyện với Vân bên chậu bát đĩa, câu "Cứ hãy sống bình thường thôi. Đừng cố tỏ ra mình là mẹ chồng, cũng đừng coi mình là mẹ đẻ của người ta" nghe có vẻ triết lý, nhưng lại đi vào lòng người rất nhanh. Đó có thể coi là một bài học khá đắt được đạo diễn gài vào một cảnh phim cực chuẩn. Có lẽ sẽ chỉ những người vừa được đứng trên cương vị mẹ đẻ, vừa được giữ vai mẹ chồng mới có thể thấu hiểu điều này.
"Lúc thân lúc sơ, lúc gần lúc xa, nhưng phải biết mình có giới hạn"
Hay như trong tập phim hôm qua, lúc Vân về thăm nhà và rửa bát phụ mẹ, cô vẫn còn phiền lòng sau khi ly hôn, cũng như chưa dám tiến đến với Sơn. Bà Bằng tuy đã không còn là sui gia với nhà Thanh, không ngại mất mặt với bà con chòm xóm nữa nhưng bà vẫn không ủng hộ Vân 100% trong chuyện cô từng làm dâu. Bà nói: "Cái gì cũng phải nên nhìn từ hai phía, con cũng phài thấy được phần lỗi của mình chứ".
Thế đấy, đúng là con dâu chưa khéo như Vân thì có cái sai, nhưng trách nhiệm của bi kịch gia đình Thanh hiện tại cũng do bà Phương rất nhiều. Nếu bà nhỏ nhẹ như bà Bằng, tinh tế như bà Bằng thì con dâu đâu đến mức phản kháng. Đối nhân quan trọng ở tấm lòng nhưng trước hết phải là thái độ, lòng tốt nhưng cứ trịch thượng, lớn tiếng thì ai mà tiếp nhận được.
Nhớ nhé các cô gái, không chỉ học cách làm dâu cho phải đạo mà học làm mẹ chồng cũng quan trọng lắm. Đừng để người đời cứ mãi gắn cho "mẹ chồng" tiếng ác cũng như nghĩ rằng hiềm khích với con dâu sẽ không bao giờ có thể gỡ được.