Sân vận động luôn là một nỗi ám ảnh đối với các nước chủ nhà. Chẳng hạn như sân vận động Big O tại Montreal, Canada. Địa điểm này hiện đang bào mòn 32 triệu USD tiền ngân sách mỗi năm để tu sửa kể từ lúc khánh thành tại Olympic 1976, mặc dù chính quyền đang tích cực cho thuê địa điểm này để tổ chức các sự kiện cũng như làm hậu trường phim, nhưng chưa một năm nào mà doanh thu tại Big O có thể bù được chi phí. Và gần đây nhất là các chủ nhà Hy Lạp và Brazil với hàng chục sân vận động nằm chờ mục rữa.
Nhưng tất cả sẽ khác với chủ nhà Olympics mùa đông năm nay.
Chỉ sau 4 lần sử dụng, sân vận động Pyeongchang Olympic với hơn 35.000 chỗ ngồi sẽ được phá hủy toàn bộ. Một số người sẽ cho rằng việc phá hủy này là cực kỳ lãng phí, nhưng đó chính là lối thoát duy nhất của tình trạng "thủng" ngân sách triền miên của chủ nhà.
Hoành tráng nhưng cũng tạm bợ
Như một xu hướng mới, các nước chủ nhà hiện nay đang cân nhắc xây dựng các sân vận động "tạm" với tuổi thọ trên dưới 10 năm.
Thay vì để địa điểm của mình dần dần hao mòn qua thời gian với chi phí bảo trì "khủng", các sân vận động tuổi đời ngắn sẽ cắt giảm được rất nhiều chi phí. Theo như ban tổ chức thế vận hội mùa đông Pyeongchang, sân vận động Pyeongchang Olympic năm nay chỉ tốn 75 triệu USD chi phí xây dựng.
Con số tuy có vẻ là nhiều, nhưng so sánh với Sân Fisht Olympic tại Nga với chi phí 600 triệu USD và sân vận động quốc gia Tokyo dự kiến khai trương vào năm 2020 với chi phí 1,5 tỷ USD. Sân vận động "tạm bợ" này là một phương án cực kỳ tiết kiệm.
Nhưng để đạt được chi phí đó, ban tổ chức đã hy sinh những hạng mục như mái che và hệ thống sưởi ấm. Với điều kiện khắc nghiệt tại Pyeongchang, thiếu mất 2 tính năng trên sẽ nhanh chóng làm địa điểm này bị hư hại
Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022, còn tiến xa hơn nữa trong xu hướng "tạm bợ" khi sân vận động Ras Abu Aboud với 40.000 ghế ngồi đang được lên kế hoạch xây dựng bằng những thùng containers để có thể dễ dàng tháo ra và lắp ráp ở những địa điểm khác.
Vào năm 2013, Thụy Sĩ đã cho khánh thành sân vận động "tạm" với hơn 50.000 chỗ ngồi để tổ chức sự kiện đấu vật năm đó. Nussli Group, tập đoàn đứng sau công trình này cũng từng xây dựng một sân vận động ngắn hạn với 20.168 chỗ ngồi cho đội bóng Đức Fortuna Düsseldorf với giá thành kỷ lục: chỉ 3,9 triệu USD!
Người đại diện từ tập đoàn Nussli cho hay, sở dĩ công trình có mức giá "chạm đáy" như thế bởi vì Nussli có cơ hội sử dụng hệ thống giàn giáo có sẵn của công ty. "Nếu phải sử dụng hệ thống giàn giáo tùy chỉnh, tất nhiên mức giá sẽ cao hơn." Nhân viên đó trả lời trên Quartz.
Lối thoát thứ 2 cho Olympic: Chấm dứt truyền thống "xoay vòng"
Tuy sẽ khó được chấp thuận nhưng phương án hiệu quả nhất để tránh tình trạng xây dựng lãng phí là chấm dứt việc thay đổi nước chủ nhà.
Thay vì cứ thay đổi liên tục, thế vận hội chỉ nên tổ chức tại một quốc gia, hay cụ thể hơn là một thành phố nhất định. Sự lựa chọn hợp lý nhất sẽ là Athens, Hy Lạp – quốc gia sáng lập nên truyền thống thế vận hội. Dựa vào tình hình tài chính u ám của nước này, nếu thế vận hội có thể "yên vị" tại đây, Hy Lạp sẽ có một nguồn doanh thu đều đặn từ du lịch và các hoạt động bổ trợ.
Bent Flyvbjerg, giáo sư tại Đại học Oxford còn cho rằng, nếu thế vận hội liên tục được tổ chức tại một chỗ, tính hiệu quả sẽ dần dần tăng lên do ban tổ chức luôn có cơ hội rút kinh nghiệm từ sự kiện lần trước, qua đó giảm sâu hơn nữa chi phí tổ chức.
"Nếu bạn so sánh với các sự kiện tổ chức liên tục tại một địa điểm như Tour de France, ban tổ chức của sự kiện đó thật sự rất chuyên nghiệp", Bent cho hay. Nhưng với Olympics,"Trọng trách luôn được giao cho những "gà mờ" chưa có kinh nghiệm tổ chức bao giờ, và nếu có đi chăng nữa, kinh nghiệm đó cũng đến từ hàng chục năm về trước, hoàn toàn không thể áp dụng cho hiện tại."
Tuy lợi ích là thế, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chắc chắn sẽ thẳng tay bác bỏ đề xuất này. Tổ chức Olympics liên tục tại một địa điểm sẽ khiến cho chính quyền địa phương dần dần kiểm soát được sự kiện. Một mặt khác là thế vận hội có thể trở thành mục tiêu của bê bối kinh tế hoặc chính trị của nước tổ chức. Nhưng xét đi cũng phải xét lại, việc liên tục thay đổi nước chủ nhà sẽ có cơ hội "đụng chạm" sự phản đối từ người dân trong nước rất cao, chẳng hạn như việc rút lui hàng loạt của các nước tại đợt rút thăm Thế vận hội 2024.
IOC đang làm việc tích cực với nước chủ nhà về những giải pháp cắt giảm chi phí sau sự kiện. Thế vận hội năm 2024 sẽ được tổ chức tại Paris, nơi mà chính quyền liên tục trấn an dư luận bằng cách sử dụng các sân vận động có sẵn và chỉ xây những sân vận động mới theo phương án "tạm thời", đồng thời số ghế sẽ được cắt giảm tối thiểu với tổng chi phí tổ chức dự kiến rơi vào khoảng 8 tỷ USD.
Nhưng dư luận không thể nào hết quan ngại khi Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh đã tiêu tốn hơn 40 tỷ USD, vượt 700% ngân sách. Và gần đây hơn là Sochi 2014 với mức vượt 325% và tổng chi phí 50 tỷ USD. Mặc dù đã ra sức lường trước và tiết kiệm, chi phí cho thế vận hội 2018 tại Hàn Quốc cũng chạm mức 13 tỷ USD, vượt 60% dự kiến ban đầu.