Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên. Bánh chưng là nét văn hóa lâu đời mà có lẽ mãi về sau cũng không thể biến mất trong tâm thức người Việt. Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt đêm, những ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh, nay đã thưa dần và gần như không còn thấy ở các thành phố lớn.
Ngược lại với cuộc sống tất bật, xô bồ đó là những người nông dân lặng lẽ nơi làng quê bao đời nay vẫn bám đất, bám làng để có được chiếc bánh chưng thơm ngon cho chúng ta thưởng thức mỗi độ xuân về. Đó chính là hai ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội:
làng lá dong Tràng Cát và làng bánh chưng Thanh Khúc. Cùng nghe tâm sự của bà con nơi đây về nghề truyền thống của mình.
Thu nhập thấp nhưng quyết không bỏ nghề
Đó là câu khẳng định chắc nịch của người dân làng Tràng Cát, xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội. Người dân làng Tràng Cát không nhớ nổi nghề trồng lá dong gói bánh chưng có từ khi nào. Những bậc cao niên trong làng chỉ biết lúc lớn lên, đã thấy những cánh đồng xanh mướt lá dong trải dài bao bọc lấy ngôi làng bé nhỏ. Rồi cứ như vậy, bao đời nay dân làng vẫn tự hào vì lá dong Tràng Cát vừa to, vừa xanh. Khắp Hà Nội và các tỉnh thành lân cận đều nhớ tới lá dong Tràng Cát mỗi khi Tết đến xuân về.
Lá dong là “phần hồn” không thể thiếu của những chiếc bánh chưng ngày Tết, những con người và cánh đồng lá là nơi khởi nguồn làm nên “phần hồn” ấy. Cho nên khi Tết cổ truyền về, lá dong là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của dân tộc ta.
Cũng nhờ trồng lá dong, mà người nông dân ở đây có cuộc sống ổn định hơn trước. Mỗi dịp Tết, nhờ thu nhập từ việc bán lá, người dân lại hi vọng có một cái Tết đủ đầy hơn. “Nhưng những năm gần đây, nhu cầu dùng lá dong gói bánh chưng ngày Tết giảm xuống rất nhiều. Một phần do người dân gói ít bánh, một chì chỉ dăm ba cái cho có không khí ngày Tết” anh Tuấn (người làng Tràng Cát) cho hay.
Khi mà nguồn lợi kinh tế mang lại từ việc trồng lá dong không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, dân làng Tràng Cát đành phá bỏ đi một phần diện tích trồng dong để thay thế vào đó là các loại cây ăn quả như cam canh, bưởi hay quất cảnh, đào. Nhưng mỗi gia đình đều giữ lại một khoảnh ruộng để trồng lá dong, hoặc chỉ ít là trồng trong vườn nhà. Người dân Tràng Cát tâm niệm, không bao giờ bỏ được cái nghề truyền thống này, nghề đã gắn với lịch sử của ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội. Vừa cắt lá dong, bác Đặng Tuấn Tài chia sẻ: “Gia đình tôi bao đời này đều trồng lá dong. Trước đây, phần lớn diện tích chỉ dành để trồng lá dong. Vào cuối năm thu hoạch không xuể. Còn bây giờ chỉ còn một diện tích nhỏ, độ được vài nghìn lá xuất ra thị trường. Diện tích còn lại gia đình tôi trồng cây ăn quả”
“Đã là nghề truyền thống, ba đời nay dân làng này sống cũng nhờ những cây dong, chúng tôi không bao giờ được phép bỏ nghề. Nhà nào trong thôn cũng giữ lại một diện tích nhất định để trồng lá dong, vẫn chăm bón và thu hoạch những bó dong xanh mướt phục vụ những người có nhu cầu” bác Nguyễn Quang Tiến (55 tuổi) chia sẻ.
Dù chuyển sang canh tác những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng lá dong vẫn níu giữ được những ngươi con của làng Tràng Cát.
Gìn giữ nét văn hóa cho Tết cổ truyền
Đặt chân đến làng Thanh Khúc, không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây được mệnh danh là đầu mối bánh chưng Tết cho Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Bởi nhà nào cùng chất từng đống là dong cao ngất ngưỡng. Từ 20 tháng Chạp, dân làng tất bật với công việc gói bánh chưng Tết cả ngày lẫn đêm.
Bề dày truyền thống của làng gói bánh chưng Thanh Khúc cũng không kém làng lá dong Tràng Cát. Từ xa xưa, người làng Thanh Khúc đã nổi tiếng vì gói bánh chưng đẹp, đều, ngon và chắc. Cũng chính vì thế mà cho đến ngày nay, nghề gói bánh chưng Tết tại đây vẫn được duy trì và ngày càng đắt khách hơn. Hiện bánh chưng làng Thanh Khúc không chỉ sản xuất cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Với dân làng Thanh Khúc: “Còn Tết thì không thể thiếu bánh chưng xanh”.
Dân làng Thanh Khúc mong mỏi phải truyền được lửa nghề cho thế hệ trẻ. Nghề gói bánh chưng được những bậc cao niên trong làng truyền dạy lại cho con cháu, cứ như vậy mà duy trì cho đến ngày nay. Tới thời bấy giờ, dân làng cũng mong truyền được lửa nghề cho thế hệ trẻ và phát triển hơn nữa để những chiếc bánh chưng của người Việt đến với nhiều nước trên thế giới. Bởi nét truyền thống của Tết cổ truyền cần được giữ gìn và phát huy. Một khi còn Tết thì ắt hẳn chiếc bánh chưng vẫn hiện diện trong mỗi gia đình người Việt.
Cô Phạm Thị Thảo – gia đình có 3 đời làm nghề gói bánh chưng ở làng Thanh Khúc, năm nay nhận gói độ 15.000 chiếc bánh, chủ yếu cung cấp cho người dân trên địa bàn Hà Nội. Gia đình cô có 3 người con, cậu con trai lớn tất bật giúp bố mẹ gói bánh ngày cận Tết. Cô Thảo nói: “Nghề truyền thống của gia đình, của làng nên các con đều phải biết làm. Từ khẩu chuẩn bị lá, đến làm nhân, gói bánh, buộc lạt tôi dều hướng dẫn các cháu làm tỉ mỉ, để chúng học được cái nghề truyền thống của ông bà tổ tiên”.
Gia đình cô Thảo là một trong những hộ gói bánh chưng nhiều nhất làng Thanh Khúc. Cô cũng như bao người làng khác, cố gắng gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc. Cô Thảo vừa mừng vừa nói: “Nghĩ lại thấy tự hào về chiếc bánh chưng Thanh Khúc. Ngày xưa chỉ gói vỏn vẹn trong làng rồi cung cấp cho người dân nội thành Hà Nội, giờ bánh chưng làng này còn xuất khẩu cả sang nước ngoài nữa”.
Cô là một trong những người cống hiến, gắn bó cả đời mình với nghề truyền thống này. Vất vả, thức khuya dậy sớm từ 20 tháng chạp, đến khi xong tất cả mọi việc thì ngày đầu tiên của năm mới cũng không nhấc nổi mình dậy vì mệt mỏi. Tuy nhiên niềm vui mang lại cho cô, cho những người dân làng Thanh Khúc là những cặp bánh chưng tỏa đi khắp mọi miền cho người dân vui Tết.
Anh Toàn, mới 35 tuổi nhưng anh đã có 15 năm làm nghề gói bánh chưng. Anh chia sẻ về nghề truyền thống của gia đình: “Gia đình tôi làm bánh đã 15 năm nay. Ngày thường, nhà tôi chỉ làm khoảng 200 chiếc bánh nhưng dịp Tết Nguyên đán thì phải tăng số lượng bánh lên gấp đôi, trên dưới 500 chiếc mỗi ngày. Ngoài ra còn làm thêm các loại bánh cổ truyền khác như bánh giày, bánh nếp với các kích cỡ và giá tiền khác nhau”.
Anh chia sẻ thêm, làm nghề gói bánh chưng, vừa là làm ăn kinh tế, nhưng cũng là gìn giữ nét văn hóa cho Tết cổ truyền. “Khi xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với công viêc, thì để nấu được một vài cặp bánh chưng trong ngày Tết quả rất khó khăn, nên những người như chúng tôi phải luôn giữ lửa nghề để mang hương vị Tết đến cho mọi người” anh Toàn cười vui vẻ.
Qua bao năm tháng, người làng Thanh Khúc vẫn cố giữ nét truyền thống của dân tộc. Vẫn gói những chiếc bánh bằng tay, vuông, chắc và đậm đà hương vị dân tộc. Theo dõi người dân gói bánh chưng, mới thấy hết được độ thành thục của những đôi bàn tay chai sạn. Không cần khuôn, nhưng những chiếc bánh vẫn đều đặn như nhau, buộc lạt chắc nịch. Tốc độ gói bánh nhanh đến chóng mặt, nên một người gói thì cần đến 2 người buộc lạt mới kịp.
Cứ mỗi khi Tết về, những người nông dân muốn gửi gắm nhiều tâm sự, nỗi niềm của mình vào chiếc bánh chưng xanh. Đó là những giọt mồ hôi của người lao động, là những nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa đặc trưng cho người Việt.