Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng

Dương Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 02/02/2013

Từ mùng 10 tháng Chạp, dân làng Tràng Cát đã tất bật với việc thu hoạch lá dong phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán.

Ngày Tết đang cận kề, bánh chưng là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Để có được những chiếc bánh thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc, không thể không nhớ đến người dân làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội, bởi đây là nơi trồng nhiều lá dong nhất để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán. 

Điều đặc biệt hơn nữa, người dân nơi đây đón Tết sớm cả tháng, nhưng lại ăn Tết muộn sau cùng. Bởi từ khoảng mùng 10 tháng Chạp, dân làng Tràng Cát đã tất bật thu hoạch lá dong bán phục vụ gói bánh chưng dịp Tết. Đến 30 âm lịch, khi thu hoạch và bán hết lá dong, người dân mới có thời gian đi sắm Tết cho gia đình mình.

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 1
Cánh đồng lá dong xanh mướt là niềm tự hào của người dân làng Tràng Cát

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 2
Nó đã gắn bó hàng trăm năm nay với người dân trong làng

Dân làng Tràng Cát vẫn luôn tự hào với những ruộng lá dong bạt ngát xanh mướt. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân tứ xứ lại đổ về làng để sắm lá dong chuẩn bị gói bánh chưng Tết. Chính vì thế, những ngày cuối tháng Chạp, dân làng Tràng Cát lại tất bật hơn bao giờ hết. 

Bước vào đầu làng, không khí Tết đã tràn ngập bởi khắp các con đường, ngõ xóm, người dân í ới nhau đi cắt lá dong. Kẻ cắt lá, người buộc lạt rộn ràng cả một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Theo các bậc lão làng, cây lá dong được trồng ở Tràng Cát từ ngày mới lập làng, đến nay đã ngót 600 năm. Trước kia, lá dong của Tràng Cát còn được tuyển chọn để đem gói bánh chưng tiến vua. Hiện nay, 100% dân Tràng Cát dù ít dù nhiều đều trồng lá dong. 


Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 3
Những ngày cuối tháng Chạp, dân làng Tràng Cát tất bật với công việc thu hoạch lá dong

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 4
Lá dong được cắt ngoài ruộng, buộc thành các bó lớn

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 5
Vận chuyển về nhà bằng xe đạp

Tìm về làng những ngày giáp Tết Quý Tỵ, các hộ gia đình đều tất bật. Nhà nào lá dong cũng bày tràn ngập từ trong ra đến ngoài sân. Bác Phan Văn Tài chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu cắt lá dong từ ngày 15 tháng Chạp, đã có nhiều người đến hỏi mua nên hôm nay tôi cùng các cháu ra cắt thêm để về nhập cho khách”. 

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 6
Bác Tài tươi cười vì năm nay lá dong to, đẹp và không bị sém nắng 

Ngoài những thửa ruộng ngoài đồng lớn, người dân Tràng Cát tận dụng những khoảnh vườn trước nhà để trồng lá dong. Lý giải cho điều này, anh Tài nói: “Sở dĩ chúng tôi trồng cả trong vườn nhà vì có nhiều cây cối, tạo được bóng mát, lá dong sẽ to, đẹp và không bị cháy sém”. Trồng lá dong không cần nhiều vốn liếng, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng. Một sào bón khoảng một tấn phân hữu cơ. Nếu chăm sóc tốt, một vụ khoảng 6 tháng có thể thu hoạch. Một sào có thể trồng được 20.000 đến 30.000 tàu lá tùy theo kinh nghiệm. Giá bán buôn trung bình khoảng 70.000 đồng/100 lá. Những loại lá đặc biệt có thể lên tới 100.000 đồng/ 100 lá.

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 7
Người dân tỉ mỉ chọn từng lá dong, sắp 50 lá vào một bó

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 8
Dùng lạt buộc chặt từng bó lá dong chờ khách thập phương tới mua

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 9

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 10
Những lá dong to, đẹp sẽ được lựa chọn để bán với giá cao hơn, có thể lên tới 100.000 đồng/100 lá

Tất bật sắp lá dong lên xe để chở về nhà, anh Nguyễn Huy Thắng cho biết: “Bắt đầu từ mùng 10 cho đến 30 tháng Chạp, các hộ gia đình trong thôn đều cắt lá dong bán phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết. Năm nay gia đình anh có hơn 3 sào, ước tính thu về được hơn 30 triệu đồng”. Cũng theo anh Thắng, khi cắt lá người dân sẽ để cuống dài, ngâm nước giúp lá dong để được lâu ngày hơn.

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 11
Với 5 - 6 sào lá dong, có thể thu về hàng chục triệu đồng dịp Tết nếu được mùa

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 12
Lá dong để cuống dài, ngâm nước sẽ giữ được rất lâu

Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 13
Nhiều thương lái tới thu mua lá dong từ giữa tháng Chạp

Năm nay, diện tích trồng lá dong giảm xuống. Nhiều hộ dân đã giảm diện tích trồng lá dong, thay vào đó là các loại cây ăn quả như cam canh, bưởi hay quất cảnh. Theo người dân, những loại cây này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy vậy, người làng Tràng Cát không bao giờ bỏ nghề trồng lá dong truyền thống. Chị Phạm Thị Khuyên, một người trồng lá dong lâu năm trăn trở: “Dù hiệu quả kinh tế của việc trồng lá dong có thấp hơn so với việc trồng cây ăn quả, nhưng người dân làng Tràng Cát vẫn giữ lại một diện tích đất nhất định để trồng lá dong. Không bao giờ chúng tôi cho phép mình bỏ nghề trồng lá dong”. Rồi chị tiếp lời: “Không trồng nữa thì lấy gì mà gói bánh chưng Tết hả chú”.

Bác Thành (68 tuổi) vừa xếp lá dong vừa nói:"Từ giữa tháng Chạp các nhà đã ra đồng cắt lá, lá dong trải dài khắp sân chú ạ. Xuân đến sớm là vậy nhưng tận 30 Tết người dân làng này mới nghỉ ngơi và có thời gian đi sắm Tết nên năm nào cũng “ăn” Tết muộn sau các làng khác".


Làng đón Tết sớm nhất, ăn Tết muộn sau cùng 14
Dù diện tích trồng lá dong có bị thu hẹp, người dân làng Tràng Cát vẫn gắn bó suốt đời với nghề truyền thống này

Rời làng Tràng Cát vào lúc xế chiều, những chiếc xe vẫn tấp nập vào làng nhập lá dong. Thấp thoáng dưới những ruộng lá dong xanh mướt, nụ cười giòn tan của những người nông dân cần cù, gắn bó với đất, với cây lá dong từ lâu đời báo hiệu một cái Tết no đủ trên làng quê.