Trường làng may đồng phục sang trọng như... chú rể

Tri Thức, Theo 09:02 20/08/2013
Chia sẻ

Năm nay, ban đại diện cha mẹ học sinh và trường Tiểu học Văn Bình đã "đổi mới" bằng cách may đồng phục cho học sinh rất... hoành tráng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không đồng ý trước điều này.

Đồng phục... giống chú rể

Theo nguyện vọng của phụ huynh, nhằm đổi mới đồng phục, ban đại diện cha mẹ học sinh và trường Tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) đã quyết định may đồng phục rất… hoành tráng.

Trang phục được nhắc đến là bộ com-lê cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, bao gồm bộ quần áo hoặc áo váy mùa hè và áo vest cho mùa đông. Tổng số học sinh tiểu học trong toàn trường là hơn 700 em. Giá của mỗi bộ đồng phục là từ 629.000 đồng đến 693.000 đồng. Mức giá của những bộ đồng phục này đều đắt gần gấp đôi so với năm ngoái.

Tuy nhiên, trang phục này không nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh dẫn đến việc bàn tán xôn xao tại 3 thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Điều đáng nói là hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho 3 thôn cùng với nhà trường đã quyết định đổi mới mẫu mã và giá cả hoàn toàn khác với những năm trước.

Trường làng may đồng phục sang trọng như... chú rể 1
Đồng phục của học sinh nam.

“Ban đại diện cha mẹ học sinh đã làm hợp đồng với nhà may, công bố giá tiền. Đó là sự thiếu tôn trọng ý kiến phụ huynh”, chị B.T.Y không giấu nổi sự bức xúc.

Chị Y. có 2 người con học lớp 3 tại trường Tiểu học Văn Bình chia sẻ: “Chúng tôi là những nông dân bán mặt cho đồng ruộng, nào có phải là dân viên chức hay buôn bán gì mà có tiền. Đồng phục thì năm nào cũng may, mà đồng phục của năm trước vẫn dùng được thì cớ gì mỗi năm phải may một lần?”.

Chị Đ. T. T cũng có con học tại trường Văn Bình thành thật kể lại: “Sau khi con chị về hỏi với bố mẹ năm nay có may đồng phục cho con không? Gia đình đều đồng ý. Nhưng con lại nói năm nay đồng phục giống chú rể lắm, tôi giật mình và không nhất trí. Tôi có lên hỏi cô giáo thì cô bảo năm nay đổi mới và cô còn động viên cố may cho con, học sinh thích là được. Tôi không đồng ý và nói, bây giờ bảo trẻ con ra chợ bảo thích cái gì thì cái gì trẻ con cũng thích”.

Phần lớn phụ huynh đều cho rằng, thu nhập của người nông dân rất thấp, lo cho học sinh ăn học đã là sự vất vả, may một bộ đồng phúc giá gần tiền triệu là sự lãng phí.

Trường làng may đồng phục sang trọng như... chú rể 2
Ảnh học sinh mặc đồng phục có giá gần 700.000 đồng.

Do cách truyền đạt của học sinh

Trước thắc mắc của nhiều phụ huynh nêu trên, bà Đào Thị Thục - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Bình cho biết: “Đây có thể là do sự hiểu chưa rõ từ phía phụ huynh”.

Theo cô Thục, thường niên vào cuối tháng 5, trong buổi họp cuối năm, nhà trường có xin phép phụ huynh năm nay có may đồng phục cho các con đón năm học mới hay không? Tại đây, trong biên bản 18 lớp phụ huynh đều nhất trí may đồng phục cho con. Như mọi năm đồng phục phải may xong trước ngày khai giảng để cho học sinh mặc. Năm nay trước khi may ban giám hiệu nhà trường đã họp với ban đại diện cha mẹ học sinh bàn về cách may, sản phẩm như thế nào.

Trường làng may đồng phục sang trọng như... chú rể 3
Biên bản xác nhận phụ huynh không đồng ý may đồng phục cho học sinh.

Cô hiệu trưởng cũng khẳng định: “Riêng ban giám hiệu chỉ có quyền tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách. Phần may như thế nào là quyết định của Ban đại diện phụ huynh, nhiệm vụ của chúng tôi chỉ làm tới đây là hết”.

Chị Nguyễn Thị Lưu, đại diện cho cha mẹ học sinh cho biết: "Nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường may đồng phục đẹp hơn năm trước. Chúng tôi đã mời nhà may về để xem chất liệu vải và mẫu mã, qua xem xét chúng tôi thấy hợp lí và quyết định làm hợp đồng với nhà may. Trong thời gian làm hợp đồng chúng tôi cũng để một tuần cho các cháu về thưa chuyện với bố mẹ".

Để xảy ra sự việc như trên, theo nhận định của đại diện phụ huynh và Ban giám hiệu nhà trường là do học sinh về truyền đạt lại cho bố mẹ chưa chính xác. 

Đồng phục… lôm côm

Ngày 17/8 trường đã tiến hành họp phụ huynh để thống nhất việc may đồng phục cho học sinh. Sau cuộc họp này, bà Đào Thị Thục – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường không ép buộc phụ huynh phải mua hết, đây là mang tính tự nguyện, thậm chí nếu phụ huynh lấy một sản phẩm vẫn được chấp nhận. 

Một phụ huynh trong ban đại diện cha mẹ học sinh chia sẻ: "Với số tiền này cũng không phải là ít nên chúng tôi cũng xin phép nhà trường nếu gia đình nào không có đủ tiền đóng một lần thì đóng thành nhiều đợt".

Như vậy, không nhận được sự thống nhất, trường tiểu học Văn Bình sẽ rất… lôm côm trong đồng phục. Bởi phụ huynh có người đăng ký mua nguyên áo veston, có phụ huynh chỉ đăng ký mua áo sơ mi dài tay.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày