Quê nghèo "dậy sóng" khi trường làng đòi may đồng phục "Vip" cho học sinh

D.Linh, Theo Trí Thức Trẻ 11:14 21/08/2013
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh vẫn chưa hết bức xúc, bàn tán về việc một trường tiểu học ở vùng quê ngoại thành Hà Nội đã "chơi sang" khi may đồng phục học sinh đẹp như chú rể có giá lên đến 700.000 đồng/bộ - "hơn cả một tạ thóc".

Phụ huynh vẫn bức xúc vì bộ đồng phục giá "hơn một tạ thóc"

Như chúng tôi đã đưa thông tin phản ánh, mấy ngày qua, câu chuyện về trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) đưa ra mẫu đồng phục học sinh mới "đẹp như quần áo chú rể" và với cái giá lên đến 700.000 đồng/bộ - "đắt hơn giá bán một tạ thóc" - mà chưa được đa số phụ huynh thống nhất đang gây xôn xao dư luận và khiến phụ huynh học sinh ở đây vô cùng bức xúc.

Mặc dù phía nhà trường đã đưa ra những lời giải thích và những điều chỉnh trong việc may bộ đồng phục "Vip" kia nhưng vùng quê ngoại thành Hà Nội vẫn chưa thôi "dậy sóng" trước sự việc này. Chúng tôi tìm về thôn Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) và đã chứng kiến, ghi nhận được những nỗi niềm bức xúc chưa nguôi của nhiều phụ huynh học sinh ở đây.

“Nhà tôi có hai cháu, nếu may mỗi bộ đồng phục gần 700.000 đồng, thì hai cháu mất gần 1,5 triệu đồng. Quanh năm bám vào mấy sào ruộng, hết vụ mùa lại kiếm việc làm thêm, lấy đâu ra tiền để đóng nộp may đồng phục giá cao cho con?”, một phụ huynh tại thôn Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín) nói.

Nhiều phụ huynh tại thôn Văn Giáp cho hay, những năm trước đóng tiền may đồng phục áo sơ mi trắng và quần âu cho các cháu mất khoảng hơn 200.000 đồng. Hầu hết các gia đình đều cố gắng đóng nộp đầy đủ vì đây là quy định của nhà trường. “Việc các cháu mặc áo trắng, quần âu đi học cho đúng đồng phục là hợp lý, nên những năm trước, chúng tôi đều đóng góp đầy đủ”, một phụ huynh có con học lớp 3 ở trường Văn Bình nói.

Quê nghèo "dậy sóng" khi trường làng đòi may đồng phục "Vip" cho học sinh 1
Trường tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội).

Tuy nhiên, vừa qua, nhà trường có kế hoạch may đồng phục mới cho học sinh với mức giá “trên trời”: lớp 1 - 2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4 - 5 giá 693.000 đồng/bộ. Cả bộ trang phục gồm áo sơ mi dài tay, nơ đeo cổ, quần âu dài (chân váy cho học sinh nữ), áo veston.

Nhiều phụ huynh cho biết, chỉ đến khi nhận được thông báo nộp tiền đồng phục thì mới biết là nhà trường có kế hoạch may đồng phục mới cho học sinh. Một số phụ huynh có nghe các cháu nói về việc cô giáo chủ nhiệm dẫn đi đo đồng phục, nhưng cũng không thông báo mức tiền phải đóng cho mỗi bộ đồng phục. “Trước đó cũng nghe cháu nói loáng thoáng về việc may đồng phục, thì tôi cứ nghĩ là may đồng phục như những năm học trước nên không để ý, đến khi nhận thông báo đóng tiền mới thấy lạ”, một phụ huynh bức xúc. Nhiều phụ huynh khi nghe con nói đồng phục mới giống chú rể thì không tin, nhưng khi xem mẫu may thì mới té ngửa là thật.

Kế hoạch thay đổi đồng phục, may đồng phục và thống nhất mức giá hầu hết các phụ huynh trong trường đều không được nắm rõ. “Việc làm đồng phục, thay đổi mức giá phải dựa trên mặt bằng chung và lấy ý kiến của toàn thể phụ huynh trong trường. Một vài cá nhân không thể đại diện cho gần 700 phụ huynh được”, anh Đ. ở Văn Hội bày tỏ quan điểm.

Đa phần người dân trong xã Văn Bình đều làm nghề nông, một số hộ gia đình có thêm nghề phụ, tuy nhiên điều kiện kinh tế vẫn rất khó khăn. Cho nên việc may đồng phục giá cao cho học sinh cấp 1 tại trường Văn Bình đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của đông đảo phụ huynh. “Chúng tôi quanh năm bám mặt vào ruộng đồng, tiền đâu mà may cho các cháu những bộ đồng phục “sang trọng” như thế. Đồng phục thì năm nào cũng may, trong khi đó, những bộ quần áo của năm trước vẫn đang còn dùng rất tốt?”, một phụ huynh băn khoăn trước kế hoạch của nhà trường.

Chị C. (ở Văn Hội), có con gái học lớp 3 ở trường tiểu học Văn Bình buồn bã: “Gia đình hoàn cảnh khó khăn, chồng bệnh tật triền miên, đầu năm học đóng tiền lệ phí đã là vất vả lắm rồi, giờ thêm khoản đồng phục gần 700.000 nữa, hỏi lấy đâu ra”.

Có còn là đồng phục nữa không?

Đó là câu hỏi mà nhiều phụ huynh thắc mắc, dư luận cũng đang quan tâm khi mà trường tiểu học Văn Bình đã có những điều chỉnh, cho phép các phụ huynh lựa chọn mua tất cả hoặc một sản phẩm trong bộ đồng phục chung mà trường đưa ra.

Trước những ý kiến phản đối của phụ huynh về việc nhà trường tổ chức may đồng phục giá cao và không thông qua phụ huynh, ngày 17/8, một cuộc họp phụ huynh khẩn cấp để giải quyết các vấn đề liên quan được diễn ra tại trường tiểu học Văn Bình. Một số phụ huynh cho biết, tại buổi họp này, phía nhà trường đưa ra một số biểu mẫu đồng phục để các phụ huynh lựa chọn với những mức giá khác nhau.

Cụ thể, các phụ huynh được quyền lựa chọn may các loại đồng phục như quần âu, áo sơ mi hoặc áo vest dành cho học sinh nam; áo sơ mi trắng, chân váy hoặc áo vest cho học sinh nữ. Với việc lựa chọn các kiểu quần áo như thế này, liệu có còn sự đồng nhất trong cách ăn mặc của các em học sinh tiểu học Văn Bình, liệu có còn được gọi là đồng phục nữa hay không? Bởi, nhiều phụ huynh chỉ đăng ký may quần âu (chân váy cho nữ) và áo sơ mi trắng. Trong khi đó, vẫn có những phụ huynh trích “hầu bao” để sắm cho con cả bộ áo sơ mi, quần lẫn áo vest.

Quê nghèo "dậy sóng" khi trường làng đòi may đồng phục "Vip" cho học sinh 2
Bộ đồng phục có giá gần 700.000 đồng mà trường tiểu học Văn Bình đặt may.

Như vậy, trong trường tiểu học Văn Bình sẽ có những em mặc áo vest, có những em không mặc. Có những em học sinh nữ mặc váy, nhưng có em chỉ mặc chiếc quần âu. Vậy, đồng phục của trường sẽ rất “lôm côm”.

“Việc lựa chọn như vậy sẽ không còn đồng nhất trong trang phục của các cháu. Hơn nữa, điều đó cũng tạo nên sự phân biệt giữa các em học sinh, vì có em gia đình đủ điều kiện để mua toàn bộ trang phục đó, nhưng cũng có em cha mẹ chỉ chọn mua được chiếc quần âu và áo sơ mi trắng. Điều này rất ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh tiểu học”, một phụ huynh lo lắng.

Trao đổi với báo chí, bà Đào Thị Thục - hiệu trưởng nhà trường cho biết, các giáo viên chủ nhiệm đã xin ý kiến phụ huynh về việc sẽ may đồng phục vào năm học mới trong buổi họp bế giảng hàng năm vào ngày 26/5, và 18 lớp đều nhất trí. Bà Thục còn cho biết, trước khi may, trường đã họp với ban đại diện phụ huynh về cách may, sản phẩm như thế nào.

Cũng theo bà Thục, ban giám hiệu chỉ có quyền tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách, còn may như thế nào là quyết định của Ban đại diện phụ huynh.

Vị hiệu trưởng cũng khẳng định, việc may đồng phục là không ép buộc, phụ huynh muốn lấy một sản phẩm hay lấy hết cả bộ đều được. 

Trong một diễn biến mới nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" ở trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày