Theo nguyện vọng của phụ huynh, nhằm đổi mới đồng phục, ban đại diện cha mẹ học sinh và trường Tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) đã quyết định may một bộ quần áo rất… hoành tráng.
Đó là bộ complê cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, bao gồm bộ quần áo hoặc áo váy mùa hè và áo vest cho mùa đông. Tổng số học sinh tiểu học trong toàn trường là hơn 700 em. Giá của mỗi bộ đồng phục từ 629.000 đồng đến 693.000 đồng, đắt gần gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh dẫn đến việc bàn tán xôn xao và gây bức xúc tại 3 thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Ngay sau nhận được thông tin về sự việc này, ngày 19/8, Sở GD – ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu Phòng GD – ĐT huyện Thường Tín chỉ thị trường Tiểu học Văn Bình dừng việc may đồng phục.
Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết: “Đồng phục là cần thiết vì giáo dục truyền thống, đảm bảo sự bình đẳng giữa các em học sinh. Tuy nhiên, việc may đồng phục phải phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, tâm sinh lý lứa tuổi và dễ hoạt động".
“Vì vậy, việc thay đổi mà không được sự đồng thuận của toàn bộ phụ huynh trường Tiểu học Văn Bình là trách nhiệm của nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh và cần phải dừng lại”, ông Thống khẳng định.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng cho rằng hiện nay ngành giáo dục đang phát động phong trao ba đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách), việc may đồng phục đắt tiền là không cần thiết, nhất là tại một trường ở vùng thuần nông. Hơn nữa, nếu mỗi học sinh được quyền đăng ký chỉ may áo hoặc quần thì không còn gọi là đồng phục.
Được biết, hàng năm, Sở GD – ĐT đều có chỉ đạo việc may đồng phục trong nhiệm vụ năm học mới gửi đến các trường trên địa bàn thành phố yêu cầu phải đảm bảo phù hợp và tiết kiệm. Vì vậy, để xảy ra bức xúc này là trách nhiệm không chỉ của ban đại diện cha mẹ học sinh mà còn của nhà trường.