Trộm thú cưng, có nên khởi tố?

Pháp Luật TP.HCM, Theo 14:15 20/07/2015
Chia sẻ

Bên phản đối cho rằng dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) thiếu thực tế, không khả thi, còn bên ủng hộ thì đề nghị phải có liệt kê, hướng dẫn cụ thể.

Thực tế có không ít vụ trộm cắp tài sản dù phát hiện ra thủ phạm nhưng cơ quan công an không khởi tố vì không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 138 BLHS (tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 2 triệu đồng, người vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích).  

Trong khi đó, người bị mất tài sản thì bức xúc, phẫn nộ bởi có khi tài sản bị trộm là phương tiện kiếm sống chính của họ, chẳng hạn một gia đình nghèo chỉ có một chiếc xe thồ hàng thuê kiếm tiền đong gạo hằng ngày cũng bị lấy mất. Hoặc có khi tài sản bị trộm có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị trộm như thú cưng (chó, mèo…), đồ kỷ vật (nhẫn cưới…). 

Trước thực tế này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã đề xuất thêm hai trường hợp xử lý hình sự người trộm tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng. Đó là nếu tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hay có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ. Xung quanh đề xuất này, cho tới nay các chuyên gia vẫn đang có những quan điểm khác nhau.

Thiếu thực tế, khó thi hành?

Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) nhận xét: Đề xuất trên rất thiếu thực tế và khó thi hành. Nó sẽ tạo ra tình trạng không công bằng trong xử lý, mang tính “hên xui” với người vi phạm: Cùng trộm tài sản ít giá trị (dưới 2 triệu đồng), cùng trong trường hợp không bị dấu hiệu định tội nào khác, trộm đồ bình thường thì chỉ bị xử phạt hành chính, còn xui lấy phải đồ kỷ vật hoặc thú cưng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với phía người bị hại thì bị khởi tố.

Hơn nữa, theo luật sư Phong, tất cả người có hành vi trộm cắp chỉ nhắm vào đối tượng bị tác động là tài sản chứ không ý thức được tài sản đó có thuộc dạng “đặc biệt” hay không. Khi xử lý, cơ quan tố tụng lại phân hóa họ ra thành các dạng khác nhau là không hợp lý.

Đặc biệt, nhận thức và đánh giá của cơ quan tố tụng có thể sẽ có độ chênh bởi việc đánh giá thế nào là tài sản “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần” hoàn toàn phụ thuộc vào lời khai của phía người bị hại và nhận định cảm tính của cơ quan tố tụng. Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng có khi cấp sơ thẩm cho rằng tài sản có giá trị đặc biệt về tinh thần nhưng cấp phúc thẩm lại nghĩ khác...


Nhiều người có tình cảm rất đặc biệt với thú cưng nên rất căm phẫn khi bị mất trộm. Trong ảnh: Đem chó đến trị bệnh tại Chi cục Thú y quận 5, TP HCM.

Vì thế, luật sư Phong đề nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành ở Điều 138 BLHS. Nó chưa bao quát được hết các trường hợp trộm vặt nhưng ít có nguy cơ gây ra oan sai và đảm bảo được tính ổn định của pháp luật.

Phải liệt kê cụ thể?

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) lại cho rằng dự thảo BLHS nên sửa đổi cụ thể theo hướng liệt kê các loại tài sản tương ứng theo đề xuất. Chẳng hạn như tài sản bị chiếm đoạt là thú cưng (chó, mèo…), đồ thờ cúng (lư hương, tượng Phật..), đồ kỷ vật (nhẫn cưới, quà tặng...).

Muốn như vậy thì ban soạn thảo dự luật phải tổ chức tìm hiểu, đánh giá, liệt kê, thậm chí phải lấy ý kiến nhân dân về những tài sản dự định dạng này. Sau khi hoàn tất các thủ tục trên thì thống nhất đưa ra quy định cụ thể, trong đó liệt kê tất cả tài sản bị chiếm đoạt thuộc dạng “là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hay có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại hoặc gia đình họ”.

Theo luật sư Bình, làm như vậy sẽ tốn nhiều công sức, chi phí và điều luật sẽ dài hơn rất nhiều so với quy định chung chung. Nhưng thà tốn kém một lần để có quy định hợp lý, chuẩn xác còn hơn làm phát sinh những bất cập, rắc rối. Tại thời điểm soạn thảo, các nhà làm luật cũng có thể chưa liệt kê hết được những tài sản bị chiếm đoạt nhưng điều đó hoàn toàn có thể khắc phục được thông qua thủ tục sửa đổi, bổ sung luật.

Đồng ý một nửa đề xuất 

Tôi chỉ đồng ý một nửa đề xuất theo dự thảo, đó là xử lý hình sự người trộm tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng nếu tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ. Bởi lẽ thực tế để xác định được thế nào là “phương tiện kiếm sống chính” của người bị hại hoặc gia đình họ không khó nếu như có hướng dẫn cụ thể.  

Hơn nữa, cơ quan tố tụng cũng sẽ dễ dàng chứng minh tài sản bị trộm có phải là “phương tiện kiếm sống chính” của người bị hại hay không thông qua việc xác minh gia cảnh, thông qua các nhân chứng gần gũi, sống xung quanh người bị hại. 

Còn việc xác định tài sản bị trộm “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần” đối với người bị hại hay không là rất khó. Đây là một phạm trù mang tính mơ hồ và cảm tính. Định lượng về giá trị tinh thần đặc biệt trong thực tế là một việc làm rất khó, sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, dễ dẫn đến tùy tiện. 
ThS Nguyễn Đình Thắm, giảng viên khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM 

Không chỉ là tài sản 

Tôi đang nuôi một chú chó cảnh. Gần đây nó bị bệnh viêm da, tôi phải đưa nó đến khám và điều trị tại phòng khám dành riêng cho chó. Không chỉ lần này mà mỗi khi phát hiện nó chảy mũi hay đau ở chỗ nào đó là tôi đều rất lo, phải tìm mọi cách đi chữa trị ngay.  

Đối với tôi, chú chó như người bạn và là niềm cảm hứng sau mỗi khi đi làm về. Nói chung với nó, tôi có tình cảm rất đặc biệt nên chăm sóc, bảo vệ nó chu đáo, khi mình không có điều kiện nuôi nữa thì tôi sẽ nhượng lại cho người cùng sở thích. 
Mỗi khi nhớ lại chuyện cách đây ba năm, một con mèo lai Anh và Ba Tư của tôi bị bắt trộm, tôi rất căm phẫn những kẻ bắt trộm. Đó là một mất mát mà tôi còn nhớ mãi bởi tôi đã rất yêu quý và lo lắng cho con mèo như chính bản thân mình. Tôi cho rằng đề xuất như dự thảo BLHS (sửa đổi) là rất hay và hợp tình, hợp lý. Không thể mang tài sản có giá trị tinh thần đặc biệt ra so sánh với tài sản thông thường được. 

Chị Ngô Thị Như Quỳnh, số 12 Tân Trào, tòa nhà Petroland, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM 

Nghiêm trị kẻ trộm thú cưng  

Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất mới trong dự thảo BLHS về việc xử lý những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần như thú cưng. Ai là người yêu quý hoặc đã, đang nuôi thú cưng thì mới hiểu được cảm giác của người bị mất trộm thú cưng.  

Tôi bắt đầu thích và nuôi chó sau khi tham gia một diễn đàn về chó cảnh trên mạng Internet cách đây mấy năm. Từ đó tôi dành khá nhiều thời gian rảnh để thu thập, nghiên cứu những thông tin liên quan đến giống chó Nhật lông xù mà tôi đang nuôi. 

Tất nhiên, chúng tôi không đòi hỏi có một chính sách pháp luật riêng để bảo vệ mình vì không chỉ vật nuôi mà còn nhiều loại tài sản khác cũng có giá trị tinh thần. Nhưng công bằng mà nói khi chứng kiến việc những con vật yêu quý của mình bị xẻ thịt bán ngoài chợ, tôi thật sự không đành lòng! 

Anh Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty Bảo vệ  Đại An Ninh, Bình Dương

Tôi đã khóc rất nhiều

Một lần khi thấy con mèo nhỏ xíu, ốm yếu, bẩn thỉu bị người ta vứt vào sọt rác ở gần khu nhà trọ đang meo meo kêu cứu, tôi đã mang về nuôi. Phòng trọ chật, người bạn chung phòng không thích nhưng tôi vẫn chăm sóc mèo hằng ngày. Nó lớn rất nhanh, trở thành một chú mèo xinh đẹp và rất thân thiện, gắn bó với tôi. Tôi về đến nhà là nó sà ngay vào lòng tôi để được vuốt ve, đến mức người bạn chung phòng cũng mê luôn. Gần đây nó bị trộm mất, hai đứa tôi khóc quá chừng, đi tìm, hỏi han khắp nơi không thấy.
Đối với chúng tôi, con mèo là bạn, là niềm vui mỗi khi được chăm sóc nó, vậy mà ai đó nỡ bắt trộm. Tôi nghe nói những kẻ bắt trộm chó, mèo thường mang đến bán cho các lò mổ. Nếu đúng như vậy thì hành vi của họ đáng bị pháp luật trừng trị vì quá nhẫn tâm. Pháp luật hình sự hãy bảo vệ người yêu quý vật nuôi như chúng tôi, có chính sách đặc biệt bỏ tù những kẻ trộm cắp để không còn tình trạng người ta phải khóc tức tưởi vì con vật mình gắn bó bị mất trộm nữa.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào, đường Tân Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày