"Trà chanh chém gió": Bỏ 200.000 đồng, thu gần 10 triệu

Người lao động, Theo 15:18 09/04/2013
Chia sẻ

Trở thành mốt thời thượng của 9X, các quán “trà chanh chém gió”, nước ép, giải khát lề đường đang mọc lên như nấm.

Chị Mai Phương ở đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP.HCM vừa quyết định từ bỏ kinh doanh cà phê và thức ăn sáng để chuyển sang thuê một căn nhà trên đường Trường Sa, quận Tân Bình kinh doanh “trà chanh chém gió”.

Từ ngày mở bán trà chanh, chị Phương nhận thấy công việc nhàn nhã hơn rất nhiều vì việc pha chế không hề khó khăn, chỉ cần "alô" là có người đem hàng đến bỏ mối tận nơi. Khác với cà phê, trà chanh dùng hoàn toàn bằng hương liệu đã tẩm sẵn với giá 110.000 đồng/kg có xuất xứ từ Trung Quốc, đủ các mùi từ hương đào, hương dâu, hương bạc hà.

"Trà chanh chém gió": Bỏ 200.000 đồng, thu gần 10 triệu 1
Trà chanh bán tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Trong đó, hương chanh đang được tiêu thụ mạnh hơn cả. Cứ 1 kg bột cho ra 1.000 ly trà chanh. Chị Phương tính toán: Chỉ cần bỏ vốn 200.000 đồng cho bột trà, chanh tươi để cắt lát mỏng bỏ vào cho đẹp và 5 kg đường là đã có thể thu vào gần 10 triệu đồng.

Siêu lợi nhuận

Giá bán cũng mỗi nơi một kiểu, nếu quán nằm ở khu vực trung tâm thì 1 ly trà chanh khoảng 16.000 đồng, còn ở khu vực ven đô, ngoại thành thì chỉ khoảng 8.000 đồng/ly. Hầu hết những khách uống trà chanh đều biết rõ tác hại của hóa chất. Thế nhưng khi được hỏi có lo sợ gì khi dùng trà chanh mỗi ngày thì một cô gái trả lời tỉnh bơ: “Trời kêu ai nấy dạ chứ biết sao bây giờ. Miễn là vui!".

Ở TP.HCM, đường Lê Thị Riêng, quận 1 đang được mệnh danh là “thủ phủ” của trà chanh. Các quán ở đây mọc lên như nấm nằm sát nhau. Cứ chiều xuống là tất cả bàn ghế được xếp hết ra ngoài vỉa hè. Chỉ cần ghé vào quán là đã có sẵn đội ngũ nhân viên tự tay dắt xe máy đi gửi. Ai thích uống trà chanh, hút thuốc lá thì ngồi ngoài vỉa hè, ai thích đi cả nhóm bạn hút shisha thì ngồi bàn trong nhà.

Hầu như toàn bộ khách dùng trà chanh đều là thanh thiếu niên. Các cô cậu ăn mặc khá bảnh bao với nhiều mốt lạ. Quây quần xung quanh chiếc bàn, cả nhóm gọi 1 bình shisha với giá 200.000 đồng, uống trà chanh, ăn cá viên chiên, phô mai que, gỏi cuốn... Lai rai vài dĩa hạt hướng dương, hạt dưa và tán gẫu đủ mọi chuyện trên đời. Cứ thế, mỗi nhóm đứng lên là chủ quán đã thu vào cả triệu đồng.

Nước ép: Nước lã + hương liệu

Ở TP.HCM, nếu trà chanh chủ yếu đông khách buổi chiều tối thì các xe nước giải khát, giải nhiệt đặc biệt đắt hàng vào ban ngày. Nắng nóng, nước mía, nước ép, nước sâm… được lựa chọn như biện pháp giải nhiệt hữu hiệu. Không chỉ các loại nước ép trái cây phổ biến như cam, bưởi, cà chua, cà rốt, thơm… mà hiện nhiều nơi còn bổ sung các loại nước ép củ sen, bí non, nha đam đường phèn...

"Trà chanh chém gió": Bỏ 200.000 đồng, thu gần 10 triệu 2  

Để thu lời nhiều, không ít người bán chỉ trưng trái cây tươi làm “mồi” và ép một phần trái cây tươi cho có màu, mùi với một phần nước lã bán cho khách hàng. Một số nơi bán nước ép trái cây ướp lạnh (đựng trong chai nước suối nhỏ), người đi đường thấy tiện thì mua uống nhưng không biết ngoài nước lã, đường hóa học, trong những chai nước ép này còn có hương liệu, phẩm màu.

“Cần mùi gì, màu gì, ra chợ Kim Biên là có hết. Chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/bịch 100 g bột hương liệu, phẩm màu (tùy loại). Quan trọng là pha sao cho khéo để thức uống có màu tự nhiên mà không bị hắc hoặc hôi mùi hóa chất” - chủ xe bán nước ép trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, tiết lộ.

“Công nghệ” pha nước sâm còn dễ hơn gấp bội với thành phần chính là nước lã + đường hóa học + hương liệu, phẩm màu. Ngoài các nguyên liệu chính này, người bán thường bỏ thêm một ít rong biển, rễ tranh, mía lau, la hán quả (tùy loại)… để “làm màu” và tạo mùi tự nhiên.

Chị Thùy, bán nước sâm hơn 20 năm ở chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) cho hay: Mười năm trước, nước sâm giá 1.000 đồng/ly, nay bán 3.000 đồng/ly, nếu nấu bằng đường cát và rong biển, mía lau… thì chắc chắn lỗ vốn.

Để có được ly nước sâm giá bình dân như vậy, người bán buộc phải dùng đến “công thức” nấu nước sâm vừa nhanh vừa rẻ như trên. Khách uống nước vỉa hè đa số là lao động nghèo, học sinh; nơi nào bán rẻ, ngon miệng thì uống, còn việc nước đó chế biến như thế nào thì... mặc kệ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày