Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành

Sứ Giao, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 28/08/2013
Chia sẻ

Trà sữa trân châu, trà chanh, mới đây nhất thì trà xanh Matcha đá xay, là những món đồ uống đã và đang chiếm vị trí “bá đạo” ở Hà Nội.

Tuy nhiên, những món giải khát này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian “có hạn”, sau đó được “gối vụ” bởi các loại đồ uống mới. Người Hà Nội thường gọi đây là loại đồ uống theo mốt, bản thân dân kinh doanh cũng xác định “chỉ làm 1 mùa” vì sợ hết phong trào.

Trà sữa trân châu thống trị giới học đường những năm 2005

Cách đây khoảng 7, 8 năm, nếu không cầm trên tay một hộp trà sữa, hoặc chiều chiều không tụ tập ở những quán hồng trà trân châu quanh trường THPT Trần Phú, Phan Đình Phùng, Ams…, chắc chắn không phải “nam thanh nữ tú” Hà Nội. Loại trà sữa đủ vị dâu, cam, táo, chocolate, cà phê, bạc hà… được đựng trong cốc nhựa, cắm ống hút loại to, giá dao động từ 8000-10.000 đồng thực sự tạo thành cơn sốt, thống trị giới trẻ khi ấy.

Còn nhớ, có thời điểm khi đi qua con phố Phan Chu Trinh cắt Hai Bà Trưng gần trường THPT Trần Phú, người trẻ ngồi kín vỉa hè, xếp hàng gửi xe tràn ra lòng đường rất tấp nập. Từ một vài quán lớn, trà sữa trân châu len lỏi vào từng con đường ở Hà Nội, ngay cả ngõ nhỏ cũng không thiếu các hàng bán hồng trà được trang trí nhỏ nhắn, gắn biển đủ màu sắc. Thức uống có xuất xứ từ Trung Quốc, lạ miệng, kết hợp hương thơm nhẹ của trà, béo của sữa với dai dai của hạt trân châu đã nhanh chóng trở thành món giải khát cực kỳ hấp dẫn.

Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành 1

Theo tiết lộ của một bà chủ từng mở hàng trà sữa trân châu trên phố Cầu Gỗ, năm 2007, một ngày chị tiêu thụ khoảng 400 cốc trà sữa, thu lãi khoảng 4000/cốc. Đó quả là lợi nhuận không nhỏ trong việc kinh doanh loại hình giải khát này.

Tuy nhiên, đến năm 2009, loại đồ uống có sức hút lớn chính thức bị khai tử khi một tờ báo điện tử đưa tin, trên mạng Renminwang (Trung Quốc) đăng tải: để làm ra những viên trân châu, nguyên liệu quan trọng nhất trong việc chế biến món trà sữa trân châu, người ta cho thêm polymer vào để làm tăng độ dẻo, giòn. Đây là thành phần rất độc hại, có chứa một số độc tố hóa học sử dụng trong công nghiệp như: Clo sunfat natri ngậm nước Na2SO4.10H2O, chất dẻo cao phân tử hay thường gọi là nhựa  polymer, đường hóa học và bột sữa…

Ngay sau khi thông tin này gây bão dư luận, chánh Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông tin trong trà sữa trân châu có sử dụng polymer chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, tuy nhiên Sở Y tế đã đi lấy mẫu để làm xét nghiệm. Trong khi kết quả kiểm tra chính thức chưa được công bố, thì những thông tin Trung Quốc phát hiện có chất gây ung thư, gây vô sinh, gây rối loạn sinh lý… trong trà sữa trân châu lại tiếp tục gây ồn ào.

Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành 2

Vì sợ uống phải đồ độc hại, chưa cần có kết luận chính thức nhưng các “đệ tử” của món giải khát béo ngậy này buộc phải chia tay trà sữa trân châu. Các hàng quán kinh doanh trà sữa đồng loạt sập tiệm. Hiện nay chỉ còn vài hàng hồng trà trụ lại, đã kết hợp thêm nhiều vị mới lạ hoặc bổ sung những món ăn nhanh hợp thời, nhưng khách hàng cũng chỉ rải rác.

Đã qua thời hoàng kim, nhưng hồng trà trân châu thực sự là cơn sốt tồn tại lâu nhất và tốn nhiều mực báo chí trong việc phân loại mức độ độc hại của hạt trân châu. Các món đồ uống sau này, ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi trà sữa vì người thưởng thức vẫn tỏ ra ưu ái thứ hạt béo ngậy, bùi bùi mặc dù mang bên mình lắm “scandal”.

Trà chanh – Món giải khát “đốt cháy” các vỉa hè


Năm 2009, bắt nguồn từ hàng trà chanh bé nhỏ trên con phố cổ Đào Duy Từ, giới trẻ Hà Nội ngỡ ngàng trước thức uống mới lạ và cực kỳ đơn giản. Một ly trà mát lạnh, điểm thêm vài lát chanh ở trên, đơn giản thế thôi nhưng thơm phức, không bị ngọt lợ như chè hay chát xít như trà đá, uống đến đâu mát rượi đến đó, lại chỉ 5000/ly, đã khiến hàng trà chanh be bé ấy nổi như cồn chỉ trong vài tháng.

Từ đó, trà chanh thực sự lên ngôi, trở thành món giải khát thống trị giới trẻ Hà thành. Từ con phố Đào Duy Từ chật hẹp, trà chanh phổ biến khắp phố phường Hà thành như quanh khu Nhà thờ Lớn, cung Thiếu nhi, Chợ Gạo, Ngã Tư Sở, phố Huế… Điển hình nhất phải kể đến khu Chợ Gạo và Nhà thờ Lớn, Ngã Tư Sở, cứ đến tối là những “tập đoàn trà chanh” lấn chiếm hết vỉa hè, ngồi tràn xuống lòng đường vì hàng trăm, nghìn khách tấp nập đổ về.

Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành 3

Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành 4
Vỉa hè đông đúc vì trà chanh.

Hình ảnh người trẻ ngồi quây quần bên những chiếc ghế nhựa, cắn hướng dương và nhâm nhi ly trà chanh đã gắn liền với người Hà Nội suốt 3 năm qua. Trà chanh sở dĩ tạo nên cơn sốt vì đánh đúng tâm lý thích lê la vỉa hè, buôn chuyện “chém gió” của giới trẻ. Sau này, trà chanh được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/cốc, không chỉ gây sốt ở vỉa hè phố lớn mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách phố phường. Vì là món uống bình dân, ở đâu cũng thấy sự có mặt của loại trà này kèm theo hình ảnh chủ quán pha chế ngay trên chiếc xe đẩy làm “cửa hàng”.

Về sau, bán trà chanh bị biến tướng để thu lợi nhuận khi các chủ hàng mua bột trà về pha chứ không dùng trà khô, chè tươi và chanh tươi. Kinh doanh loại đồ uống này quả là siêu lợi nhuận, rất nhiều chủ hàng trà chanh chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng cho bột trà pha sẵn, mỗi tối thu về gần chục triệu đồng.

Độ hot của trà chanh còn phủ sóng vào tận T.p Hồ Chí Minh, khi dân kinh doanh đem cơn lốc bình dân này vào “càn quét” ở các con phố trung tâm như đường Võ Văn Kiệt, Lê Thị Riêng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi (quận 1)…

Trà chanh cũng vướng phải scandal về an toàn thực phẩm. Trong năm 2012, trên mặt báo tràn ngập thông tin trà chanh thực chất được chế biến bằng hương liệu + bột trà + đường hóa học + chất tạo chua... chứ không phải trà khô và chanh tươi. Tháng 5/2012, tại Trung Quốc, nơi xuất xứ của những loại hóa chất này, Cục quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc (SFDA) đã yêu cầu dừng sản xuất các loại bột hương liệu này. Lý do là nó có chứa chất DEHP gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì nữ.

Sau đó, tại hội thảo Khỏe và an toàn do Viện thực phẩm chức năng Việt đã công bố 9 mẫu trà chanh, trà xanh, trà đá, nhân trần, nước ngô, nước mía... được lấy ngẫu nhiên trên các con phố ở Hà Nội đều phát hiện chứa vi khuẩn E.coli, men mốc, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmi vượt xa giới hạn cho phép.

Đây cũng là thời kỳ thoái trào của trà chanh. Giới trẻ Hà Nội bắt đầu chán loại giải khát đơn điệu, nhiều nơi uống còn để nguyên vị chát xít trong họng. Lại thêm thông tin trà chanh có chì, thủy ngân độc hại nên người ta dần lãng quên cơn sốt này, nhường chỗ cho chè khúc bạch và mới đây nhất là Matcha trà xanh.

Hè 2013: Thời của Matcha đá xay

Vị trà xanh không xa lạ gì với giới trẻ Hà Nội trong cơn sốt Nama chocolate năm nào. Trà matcha thuộc tính mát, mùi vị chát và đắng. Có thể giúp tỉnh táo, giải khát, lợi tiểu, tiêu hóa tốt và giải độc. Với vị trà xanh thơm phức, mát thanh xuất xứ từ Nhật bản này, việc uống matcha hoặc dùng các sản phẩm từ matcha đang trở thành phong trào lan rộng trong cộng đồng giới trẻ.

Bắt đầu từ Starbuck, lan sang các cửa hàng Take Away trong TP HCM và hiện tại đang làm mưa, làm gió tại các cửa hàng Take Away Hà Nội, món uống đá xay (Frappe) thực sự là cơn sốt hot nhất hè 2013, và vị được thực khách ưa chuộng nhất, không khác gì chính là Matcha trà xanh. Đi cùng văn hóa Take Away, những quán bán Matcha đá xay đều tuân theo tiêu chí: xây dựng cửa hàng phong cách trẻ trung, gam màu trầm như xanh, nâu, không gian nhẹ nhàng bày biện đơn giản và nhân viên phục vụ đồ uống đem về nhanh chóng. Có thể thấy những quán kiểu này đang mọc lên như nấm ở tất cả các con phố trung tâm Hà Nội như Nguyễn Hữu Huân, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Triệu Việt Vương…

Những món đồ uống tạo thành cơn sốt thống trị trong giới trẻ Hà thành 5
Món Matcha đá xay đang khiến giới trẻ điên đảo.

Giới trẻ Hà Nội bây giờ chuyển từ những hàng chè khúc bạch bị chê là ngọt, trà chanh bị chê nhàm chán, qua các cửa hàng bán Matcha đá xay để thưởng thức vị thanh mát của Matcha, béo ngậy của kem tươi với giá khoảng 40-70.000/cốc. Nhiều người thú nhận rằng, uống Matcha để tận hưởng cảm giác sống hiện đại của phong cách Take away.

Vì cũng là loại đồ uống thuộc dạng “theo mốt”, nên không ai dám đoán lâu dài “tuổi thọ” của món Matcha đá xay này. Anh Hoàng Trung, chủ một cửa hàng bán café và matcha Take Away trên phố Nguyễn Hữu Huân cho biết: “Kinh doanh đồ uống ở Hà Nội rõ ràng là chạy theo trào lưu khi nó còn mới. Loại Matcha này rất hút khách, nhưng để lâu dài như cafe bình thường thì chắc là khó, nên tôi vẫn tập trung vào cafe hơn”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày