"Tôi biết có nàng giận người yêu suốt Tết vì chỉ lì xì cô ấy 300k"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 08/02/2015

Có cô nàng cương quyết giận người yêu suốt mấy ngày Tết vì chỉ lì xì cho mình mỗi 300 nghìn trong khi người yêu con bạn thân lại bỏ túi 1 triệu tiền lì xì. Một anh bạn khác thì gia đình nhà người yêu cấm... qua lại vì đến nhà chúc Tết bố mẹ người yêu nhưng chỉ cho mỗi bao lì xì 100 nghìn.

Không biết từ bao giờ, đối với tôi phong tục nhận lì xì ngày Tết chỉ mang ý nghĩa vui vẻ, may mắn. Có lẽ do từ nhỏ, bố mẹ đã luôn căn dặn hai chị em: “Con nít không được giữ tiền nhiều bên người. Các con có thể giữ lại những chiếc bao lì xì để làm kỉ niệm nhưng tiền thì đưa bố mẹ hết”.

Gần Tết, ngoài việc được bố mẹ dẫn đi mua áo mới, thì năm nào hai chị em cũng thích thú khi được mua những chiếc ví nhỏ để đựng tiền lì xì. Mỗi năm sẽ có một chiếc ví mới và đó là “vật bất ly thân” trong những ngày đầu năm mới.

Đến sáng mùng 1, bà con, cô dì, chú bác sẽ tập trung bên nhà ông bà ngoại để chúc Tết và nhận lì xì, băn khoăn lớn nhất của hai chị em là làm sao nghĩ ra được những lời chúc thật hay cho ông bà vui lòng. Mấy anh chị em cô cậu trong dòng họ có đứa đọc được cả mấy bài thơ chúc Tết, có đứa hát cả bài hát chúc nhau với giai điệu thật vui tươi và ý nghĩa, tôi phải bàn với chị chúc sao cho đặc biệt, mỗi người trong dòng họ phải nhận được những câu chúc khác nhau, như vậy lúc cầm tiền lì xì của mỗi người mới cảm thấy tự hào.

Chuyện chúc Tết và những chiếc bao lì xì bị "thương mại hóa" 1
Ảnh minh hoạ.

Cho đến những năm cuối cấp 2, chị em chúng tôi vẫn có thói quen nhận được tiền lì xì thì đưa cho bố mẹ giữ, sau đó cần mua quần áo hay đi chơi thì xin lại bố mẹ một khoản nhất định, nên tiền lì xì dù nhiều hay ít cũng không quan trọng, người nào cho nhiều hơn cũng không thành vấn đề. Tôi nghĩ rằng, tiền lì xì (hay còn gọi là tiền mừng tuổi) chỉ là một thứ tiền đem lại điều lành, may mắn cho mọi người trong dịp đầu xuân.

Tôi bây giờ đã là sinh viên, nhiều chi phí sinh hoạt hàng ngày, mua sách vở, mua quần áo mới... nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng Tết chỉ là dịp để "nhận tiền" từ mọi người cả. Ông bà, ba mẹ lì xì, tôi cũng lấy để lì xì lại cho các cháu, cho những đứa em họ trong nhà, tiền còn lại thì để đi ăn uống với bạn bè trong mấy mùng Tết. Năm nào ba mẹ làm ăn kinh doanh khấm khá thì lì xì cho chị em nhiều, năm nào buôn bán thô lỗ thì hai chị em mỗi người được 100 nghìn, có khi chỉ 50 nghìn, nhưng điều đó không quan trọng.

Vậy mà, năm nào Tết đến, cũng thấy vài bạn up ảnh một đống tiền lên facebook, ngổn ngang các bao lì xì bên cạnh với lời ca thán: “Năm nay được lì xì bèo quá!”

Vậy mà, việc lì xì bây giờ lại trở thành áp lực khi một số gia đình liên tục phải tiếp khách khứa, họ hàng có nhiều trẻ nhỏ đi cùng. Nếu lì xì ít quá thì bọn trẻ lại kêu ca, mà nhiều quá thì tâm lý mình cũng không còn vui vẻ, nên có gia đình còn “trốn Tết” vì không còn thấy vui với bầy trẻ đến chúc Tết thì ít mà... xin tiền thì nhiều.

Vậy mà, lũ trẻ bây giờ chỉ khoanh tay chúc qua loa vài câu: “Chúc ông/bà/cô/dì… năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào” xong lấy vội phong bao lì xì, chạy tót vào phòng lôi tiền ra xem rồi giận dỗi sao năm nay… “hẻo” hơn năm trước? Đến nhà khách quen của ba mẹ, quên luôn cả chúc mà bay vào nhìn người lớn âu yếm rồi hỏi: “Cô chú lì xì con đi…”.


Vậy mà, có cô nàng cương quyết giận người yêu suốt mấy ngày Tết vì chỉ lì xì cho mình mỗi 300 nghìn trong khi người yêu con bạn thân lại bỏ túi 1 triệu tiền lì xì. Một anh bạn khác thì gia đình nhà người yêu cấm... qua lại vì đến nhà chúc Tết bố mẹ người yêu nhưng chỉ cho mỗi bao lì xì 100 nghìn, mấy đứa nhỏ trong nhà thì nhận được... 20 nghìn, anh chàng bị phán ngay là "thiếu tế nhị", "ki bo", "tính toán"...

Hôm trước có đứa bạn còn nói, bây giờ mấy nhóc cháu nhà bạn ấy hình như không biết chúc Tết nữa, cứ chăm chăm lấy tiền lì xì rồi cuối ngày cộng lại, ba mẹ thì có người giữ tiền lì xì hộ, có người để con thoải mái mua thẻ game, đồ chơi đắt tiền, bánh kẹo, quần áo theo ý thích. Bạn tôi còn kể, năm ngoái, bà nội nó lì xì cho cháu trai nhiều hơn cháu gái, xong mấy đứa cháu gái biết thì làm ầm ĩ lên, bảo bà “trọng nam khinh nữ”. Không khí ngày đầu năm vì bọn trẻ hậm hực nhau mà thành ra u ám, tất cả cũng tại cái… bao lì xì.

Không biết bao giờ mới lại thấy cảnh những đứa trẻ hồn nhiên đọc câu chúc Tết cho ông bà rồi vô tư nhận lì xì không cần biết bên trong giá trị thế nào,
không biết bao giờ những người yêu nhau thôi trông mong số tiền lì xì như ý muốn từ người yêu mình, không biết bao giờ người lớn mới vui vẻ mở cửa chào đón những đứa trẻ trong xóm đến nhà mình, rộn ràng những câu chúc Tết vui tươi và hí hửng với những phong bao lì xì chỉ mang ý nghĩa may mắn trong tâm hồn trẻ thơ.
T.D

Bạn có suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả hay với bạn, phong tục lì xì trong cuộc sống hiện đại đã bị "thương mại hóa" thế nào?

Hãy gửi bài viết của bạn về email xahoi@kenh14.vn hoặc click vào nút Gửi bài viết trên Kênh14.vn để chia sẻ quan điểm của chính mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày