Hai năm trước, khi còn là một chàng sinh viên năm tư, tôi được bạn gái mời về nhà đúng ngày mùng 3 Tết. Cái chuyện ra mắt “nhà bên kia” vốn to tát và gây đau tim như thế nào hẳn bạn cũng đoán được. Tôi đã chuẩn bị chỉn chu từ đầu tóc, trang phục đến quà tặng biếu ông bà, ba mẹ cô ấy. Thậm chí “tự biên tự diễn” cả tư thế ngồi, pha trà, rót trà… như thế nào cho vừa lịch thiệp, đạo mạo mà lễ phép.
Được biết cô ấy ngoài em ruột, em họ, cháu nhỏ… cũng đến chơi vào ngày ấy nên tôi đã chuẩn bị sẵn một lượng lớn bao lì xì. Mọi diễn biến với người lớn đã suôn sẻ. Đến trước giờ nhập tiệc, tôi tập hợp các cô cậu bé lại, “chào hỏi xã giao” rồi gửi mỗi bé một phong bao đỏ.
Tưởng đâu câu chuyện kết thúc có hậu ở đấy, nhưng một “bi kịch lớn lao” đã tạo thử thách cho tôi trong bữa ăn khi các thiên thần nhỏ lột ngay phong bao lì xì ra và gào lên: “Chỉ có 20 ngàn thôi”. Mấy nhóc tì còn so sánh với anh V., anh K., chị L. nào đó khiến tôi ngượng chín mặt. Một số bé thì quẳng phong bao ra đó, chạy chơi trò khác dường như không vui vẻ gì khi được lì xì. Không
nhận thấy thái độ nào của người lớn trong gia đình bạn gái, tôi càng hoang mang hơn:
Mình đã làm gì sai, số tiền ít, cách cho không đúng…?
Hồi bé, tôi gìn giữ tiền lì xì như một báu vật, không cần biết lần này cao hay thấp hơn lần trước, tất cả đều được tôi gìn giữ như nhau. Nếu có xài nó, tôi cũng giữ lại những cái phong bao đo đỏ kia - (Ảnh minh họa).
Rồi tôi nhớ lại những lúc nhỏ, mình hay được nhận những phong bao loại bằng ba ngón tay. Trong ấy là những tờ tiền giấy năm ngàn, hai ngàn mới. Thậm chí lúc bé tí ti, hình như nhiều lần tôi được nhận cả tiền lì xì mà không hề bỏ vào bao đỏ. Tờ tiền mười ngàn bằng polime là một bước đột phá lớn mà tôi được nhận khi đã là chàng trai tuổi teen. Nhưng dù thế nào, để được lì xì, tôi đã phải vòng tay chúc Tết đầy thành tâm và kính cẩn với người lớn. Khi người lớn lì xì, thao tác đầu tiên của tôi là liếc mắt nhìn ba mẹ, khi họ gật đầu, tôi mới lễ phép nhận bằng hai tay. Sau đó, tôi gìn giữ tiền như một báu vật. Không cần biết lần này cao hay thấp hơn lần trước, tất cả đều được tôi gìn giữ như nhau.
Vậy mà, chỉ vì giá trị tiền lì xì trong phong bao quá ít, mà bạn gái tôi phán ngay một câu khi tiễn tôi ra khỏi cổng: "Anh làm em... mất mặt với mấy đứa nhóc quá!". Tôi không hiểu, với tôi, lì xì bắt đầu bằng việc trẻ nhỏ nói lời chúc Tết (chúc sức khỏe, tài lộc, bình an,…) đến người lớn - thời xưa, người nhỏ còn phải quỳ lạy, dâng trà, rượu, bánh mứt kèm lời chúc - với tất cả thành ý. Xong, người lớn gửi tặng cho con cháu những phong bao đỏ như một phần thưởng, nhưng phần thưởng này nặng về giá trị tinh thần nhiều hơn.
Tôi tìm hiểu những câu chuyện, phong tục lì xì ngày xưa, tình cờ đọc được câu chuyện rằng: một người cha vì nghèo khó, không có tiền bỏ vào phong bao đỏ để tặng cho ba đứa con. Sau một đêm trằn trọc, ông đã viết ba chữ Phước - Lộc - Thọ, bỏ vào hồng bao tặng cho từng đứa con khi chúng nói lời chúc đầu năm. Như vậy ta thấy rằng, ý nghĩa cốt lõi của lì xì là giá trị tinh thần.
Tôi tự hỏi, ngày nay, trong chúng ta, ai đã đón nhận những phong bao đỏ như đón nhận một giá trị tinh thần, hay chúng ta xé ngay phong bao ra quy đổi xem mấy lần như vậy thì được đôi giày, chiếc áo, điện thoại?
Trong lần ghé thăm nhà bạn gái dịp ấy, tôi đã có một cái sai: Khiến các em nhỏ đánh đồng việc có khách đến với có nhiều tiền lì xì.
Một người bạn của tôi đã bày tỏ quan điểm: Nếu lì xì cho bất cứ đứa bé nào, cậu luôn hỏi em bé ấy có hiểu về ý nghĩa của những phong bao đỏ ấy. Và thậm chí có năm cậu ta còn không lì xì cho bất kỳ ai, vì khi thường ngày, sự quan tâm chăm sóc, cũng đã là một hồng bao. Còn với một cô bạn khác, tôi thấy cô ấy hay dạo quanh bệnh viện ung bứu, vừa chúc Tết vừa gửi lì xì cho các bệnh nhận sống dọc hành lang bệnh viện vào dịp cuối năm.
Có lẽ, mỗi thế hệ sẽ có những suy nghĩ riêng, cách lý giải riêng về hồng bao trong dịp đầu năm mới, ở đây, tôi cũng không bao biện cho mình vì mừng tuổi quá ít, điều tôi muốn nói ở đây, dù là theo cách này hay cách khác, chúng ta cũng cần hiểu ý nghĩa của những phong bao lì xì trong những ngày đầu năm mới và đặc biệt nên truyền tải ý nghĩa tinh thần quý giá ấy đến với các bạn trẻ, có thể là ngay từ khi các em được nhận những phong bao lì xì đầu tiên.
Bạn
có suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả hay với bạn, phong tục lì xì
trong cuộc sống hiện đại đã bị "thương mại hóa" thế nào?
Hãy gửi bài viết của bạn về email xahoi@kenh14.vn hoặc click vào nút Gửi bài viết trên Kênh14.vn để chia sẻ quan điểm của chính mình. |