"Xin đừng ca thán người trẻ bọn mình đang đánh mất Tết"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 01/02/2015
Chia sẻ

Tất nhiên chúng ta không nên chối bỏ những giá trị văn hóa đẹp đẽ từ ngày xưa, nhưng cũng không thể cứ đến Tết Trung Thu, Tết cổ truyền hoặc bất cứ ngày lễ nào trong năm, chúng ta cũng phải nghe mọi người ca thán: “Ngày xưa vui hơn nhiều”.

Đọc bài "Mất Tết!" của nhà báo Ngô Bá Lục về ý thức của người trẻ với Tết. Mình xin có những ý kiến nói lên quan điểm hơi khác một chút, mà chắc rằng sẽ nhận không ít gạch đá từ những bạn luôn nêu cao truyền thống phải hoài cổ về Tết xưa.

Tất nhiên chúng ta không nên chối bỏ những giá trị văn hóa đẹp đẽ từ ngày xưa, nhưng cũng không thể cứ đến Tết Trung Thu, Tết cổ truyền hoặc bất cứ ngày lễ nào trong năm, chúng ta cũng phải nghe mọi người ca thán: “Ngày xưa vui hơn nhiều”. Và lấy mọi hoạt động, văn hóa xưa, truyền thống xưa rồi áp đặt cho hiện tại sau đó kết luận rằng: Người trẻ đang làm mất dần ý nghĩa ngày Tết.

Thế hệ mình là những người trẻ 9X. Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng quê gốc là Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm nào mình cũng cùng gia đình, ông bà (ở Sài Gòn) về quê tảo mộ, thăm hỏi họ hàng, ăn cỗ cùng nhau… Nhưng, tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình, dòng họ mà cảm nhận của mọi người về hai chữ “sum vầy” sẽ khác.

Mình ví dụ, khi về quê, mình khoanh tay chào một loạt những người họ hàng mà bản thân mình nhiều khi cũng không biết… đó là ai. Vì bà cố mình có rất nhiều con, ông ngoại mình là con trai thứ bảy, những ông bà là anh em của ông thì cũng có nhiều con cháu, rồi con cháu họ bây giờ đã lập gia đình và lại có con. Ba bốn thế hệ, nhiều gia đình, tụ họp chào hỏi nhau rộn ràng nhưng thú thật mình chỉ thấy… ồn ào chứ không thích. Thế nên đừng bảo mình phải về quê để hưởng không khí “sum vầy” thì mới biết Tết là gì.

Lại có người nói rằng, muốn thưởng thức những món ăn ngon ngày Tết thì phải tận tay nấu cỗ, chế biến món ăn. Cũng có năm mình và gia đình thử gói bánh chưng cho… có không khí. Cả nhà người thì bóc vỏ hành, người rang tiêu, ướp thịt, ngâm gạo và đậu vào nước sau đó gói như hướng dẫn trên mạng. Thành phẩm là một chiếc bánh chưng không thể… xấu hơn nhưng cả nhà vẫn ăn ngon lành vì đó là công sức chung của gia đình. Mình hỏi mẹ, thế năm sau có gói nữa không, cả nhà đồng loạt ý kiến: “Mua ăn cho nhanh, mệt rồi!”. Thế là năm nào mẹ cũng mua, cả nhà vẫn ăn, vẫn ngon mà không cần… có không khí làm gì cả.

Bạn bè của mình luôn bận rộn suốt cả năm, chỉ có mỗi ngày Tết là tập hợp được đông đủ thành viên để làm bữa nhậu hoành tráng. Vậy mà đang lúc vui vẻ có đứa bạn ở quê gọi lên hỏi thăm bảo Tết mà say xỉn suốt, không biết hương vị Tết là gì, không biết cảm nhận ý nghĩa thực sự của Tết à, đúng là… bất hạnh. Thế thì mời bạn lên Sài Gòn, thành phố mà những ngày Tết chỉ có quán café, rạp chiếu phim và quán nhậu là mở cửa… mà cảm nhận, mà cố tìm cái hương vị thực thụ xem.

Sau này, đứa bạn ấy cũng thú thật với mình, về quê với ông bà ba mẹ cũng vui nhưng… mệt. Mình bảo nếu bạn nhớ quê, thèm Tết quê mà sao năm nào cũng về quê trễ thế? Nó trả lời, về sớm phải dọn dẹp nhà cửa, chà rửa bàn ghế, sắp xếp đồ đạc, lau cửa lau tường từ sáng đến tối. Khách của bố mẹ đến chơi thì cắm mặt trong bếp nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp… Nó cũng bảo, bây giờ Tết ở quê thực sự cũng không còn vui.

Như vậy, chuyện “Mất Tết”, nói đầy đủ hơn, là “Mất Tết xưa”. Nhưng đó không phải do cảm nhận, không phải do ý thức, mà do rất nhiều yếu tố, vì xã hội thay đổi, phát triển, vì những cái thuộc về Tết xưa đã biến mất trong lòng thành phố và cả miền quê. Chúng ta có mãi hối tiếc thì được gì, sao không cùng nhau vui vẻ đón một cái Tết hiện đại? Đón nhận những lời chúc đầu tiên trên facebook, những tin nhắn ấm áp trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, hoặc cùng gia đình tận hưởng chuyến du xuân đầu tiên đến những vùng đất mới. Điều đó chưa đủ để vui sao?

"Xin đừng ca thán người trẻ bọn mình đang đánh mất Tết" 1
Dù trong thời gian nào, Tết cũng sẽ chứa đựng những niềm vui trong lòng mỗi người.

Đừng đổ lỗi cho công nghệ làm mất ý nghĩa ngày Tết. Công nghệ không có lỗi mà do cách con người ứng dụng công nghệ như thế nào mà thôi. Hãy hỏi những du học sinh ăn Tết nơi đất khách quê người, cứ dịp Tết lại trò chuyện cùng gia đình ở Việt Nam qua skype mà xem, họ sẽ cảm thấy buồn như thế nào khi ba mẹ không biết đến Internet và biệt tăm với người con cách mình nửa vòng trái đất?

Chúng mình yêu đường hoa Tết, yêu cảnh người người nhà nhà ở Sài Gòn tất bật mua hoa kiểng trang trí sân nhà, yêu những hoạt động vui chơi sôi động những ngày đầu năm mới. Bởi đó là những thứ gắn bó với chúng mình mỗi dịp xuân về.
Mình nghĩ, những người lớn hơn, họ sẽ luôn hiểu và sẽ giữ những kỷ niệm đẹp về Tết cổ truyền trong tuổi thơ, nhưng đừng nên lấy nó làm thước đo cho hiện tại, cho ý nghĩa của một ngày Tết thực thụ.

Xin đừng bắt người trẻ mãi hoài cổ về Tết xưa. Cũng đừng buồn thay cho thế hệ chúng mình, vì chúng mình vẫn biết cách đón Tết cùng bạn bè, gia đình trong sự vui vẻ và hạnh phúc mà không cần gói bánh chưng hay nghe tiếng pháo đầu làng.


Mẫn Nhi

Bạn có suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả hay với bạn, không khí Tết trong cuộc sống hiện đại có còn nguyên vẹn?

Hãy gửi bài viết của bạn về email xahoi@kenh14.vn hoặc click vào nút Gửi bài viết trên Kênh14.vn để chia sẻ quan điểm của chính mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày