Tiền rơi trước mặt, bạn có nhặt bỏ túi hay không?

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 12:16 18/10/2013

Những tờ tiền mệnh giá 500.000 VND vương vãi trên đường, ngay dưới chân bạn. Bạn sẽ làm gì? Lòng tham sẽ lấn át hay lòng tự trọng, sự trung thực và trách nhiệm với cộng đồng của bạn sẽ chiến thắng?

Vừa mới đây, sáng 16/10, trên đường mang 50 triệu đồng tiền mặt (loại tiền mệnh giá 500.000 VMD) đến ngân hàng để giao dịch, anh Vũ Trường Chính (42 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận – TP HCM) đã bị cướp. Trong lúc hỗn loạn khi anh Chính giằng co với tên cướp thì bọc tiền rớt xuống đường, bay tung tóe. Nghe tiếng truy hô “cướp! cướp!”, chỉ vài người dân gần đó xông ra giúp anh Chính chặn bọn cướp. Còn nhiều người đi đường khác thấy tiền của nạn nhân bay tung tóe thì dừng lại nhặt tiền rồi lên xe đi mất. Sau khi bắt không được bọn cướp, anh Chính quay lại nhặt tiền thì chỉ gom được 30,5 triệu đồng, tức là bị mất 19,5 triệu đồng.

Một nhân chứng có mặt tại hiện trường và giúp đỡ nạn nhân chặn bọn cướp cho biết, những người nhặt tiền đa số là đồng bọn của những tên cướp kia, rất ít người dân nhặt tiền rồi đi mất. Anh Chính cũng kể lại là có một người đàn ông đã nhặt tiền rồi mang trả lại cho anh.

Tiền rơi trước mặt, bạn có nhặt bỏ túi hay không? 1
Anh Chính đang đếm lại số tiền vừa bị cướp.


Ngay trong các comment dưới bài viết hay ở khắp nơi trên mạng xã hội cả ngày hôm qua, người ta đã tranh cãi rất nhiều về cách ứng xử, hành động của mỗi người khi đứng trước tình huống như vậy.

Đứng trước hoàn cảnh thấy người khác đang chống trả bọn cướp để giành lại đồ, hoặc đang cuống cuồng để bảo vệ tài sản vương vãi ra đường sau một vụ tai nạn giao thông, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta sẽ có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Như trong sự việc ở trên, trong khi nạn nhân đang giằng co với bọn cướp để giành lại bọc tiền thì có người xông ra giúp đỡ, có người nhặt tiền trả lại, nhưng cũng có người nhặt tiền rồi đi mất.

Một thực tế phải thừa nhận là trong mỗi con người đều có lòng tham ở những mức độ nhất định. Đứng trước một tình huống có thể dễ dàng nhặt được những tờ tiền mệnh giá lớn, những tài sản có giá trị mà hoàn toàn không bị ai ngăn cản, sau đó có thể nhanh chóng rời đi mà không ai hay biết danh tính mình. Đó là lúc lòng tham của con người ta bộc lộ,  lòng tham ấy sẽ giằng co với lòng tự trọng, sự trung thực và trách nhiệm với cộng đồng… để quyết định hành động mà người đó sẽ làm.

Nếu lúc đó lòng tham lấn át, chiến thắng những điều kia, người ta sẽ thản nhiên cúi xuống nhặt những đồng tiền không phải của mình rồi nhét vào túi, bỏ đi. Còn nếu lòng tự trọng, lòng trung thực chiến thắng, họ sẽ đem trả những đồng tiền vừa nhặt được, hay chí ít là không động đến những tài sản không phải của mình đó. Cao hơn nữa, nếu trách nhiệm với cộng đồng, với đồng loại chiến thắng, con người ta còn có thể giúp nạn nhân chống lại những tên cướp hung bạo, giúp nạn nhân bảo vệ tài sản đang vương vãi trên đường.

Sự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người khi đứng trước những trường hợp đó có lẽ diễn ra rất nhanh. Và chắc hẳn, mỗi người đều sẽ đưa ra những lời biện minh, giải thích nghe hợp tình, hợp lý cho hành động của mình. Đứng trước những món lợi, có thể nhiều người sẽ hành động theo hướng không đúng, để rồi sau đó ăn năn, day dứt, nhưng cũng có người vẫn ung dung cho đó là “việc bình thường, cuộc sống là phải thế”.

Xung quanh vụ việc và vấn đề trên, nhiều người dân và độc giả đã đưa ra những ý kiến, quan điểm trái chiều.

Trước một tình huống cụ thể, thử tưởng tượng, một ngày đang đi trên đường, bạn bắt gặp trường hợp một người đánh rơi rất nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Những tờ tiền vương vãi trên mặt đường, nhiều tờ bay tới ngay dưới chân bạn. Lúc này, bạn sẽ hành động như thế nào?

Nhiều bạn đã không ngần ngại thốt lên rằng: “Nhặt chứ, sao phải nghĩ ngợi nhiều. Mình đâu có ăn cắp, ăn trộm của ai. Tiền tự dưng bay về phía mình, lại là những tờ 500.000 đồng chứ đâu phải ít. Coi như đó là lộc trời cho”.

Có lẽ, khi chưa kịp nói hết những câu trên, không ít người trong chúng ta sẽ cúi ngay xuống nhặt tiền và nhét vào túi.

Bạn đọc có nick name Hoa Vô Khuyết cho rằng: “Lòng tham thì ai chẳng có. Gặp trường hợp như vậy, tôi đố ai cầm lòng được. Mỗi tờ tiền trị giá tới 500.000 đồng, chỉ cần nhanh tay nhặt được vài tờ là đã có mấy triệu rồi, có khi bằng tiền lương đi làm cả tháng. Những ai bảo không muốn nhặt tiền lúc đó, tôi nghĩ đều là giả tạo hết”.

“Tôi dám cá là nếu gặp trường hợp như thế, 10 người thì cả 10 sẽ nhặt ngay tiền bỏ vào túi. Đừng cứ ngồi gõ bàn phím rồi nói nhân nghĩa này nọ, không nhặt này nọ, phải đứng trước hoàn cảnh đó, khi dễ dàng có được những tờ 500.000 đồng rơi ngay dưới chân thì đố ai không cúi xuống nhặt. Hãy sống thật và hành động đúng với lòng mình”, nick name Cuộc sống là vậy khẳng định.

Tiền rơi trước mặt, bạn có nhặt bỏ túi hay không? 2
Gặp trường hợp nhiều tiền của người khác bị rơi, vương vãi trên đường thế này, bạn có nhặt hay không?

Những người thuộc phe “nhặt ngay không ngần ngại” tiếp tục đưa ra những lí lẽ giải thích cho hành động của mình.

Bạn Giacmonhobe lý luận: “Hoàn cảnh lúc đó chắc chắn sẽ rất hỗn loạn vì có nhiều người sẽ lao vào nhặt tiền. Mình không nhặt thì người khác cũng sẽ nhặt mất, vậy thì tội gì mà mình không nhặt. Cuối cùng thì người bị rơi tiền cũng sẽ bị mất một số tiền nhất định, coi như là họ đen đủi đi. Với lại, mình nhặt tiền rồi bỏ vào túi, đi tiếp, chẳng ai biết mình là ai cả, chẳng có gì phải lo”.

Đúng là nhặt tiền lúc đó rất dễ dàng, cũng không ai biết bạn là ai, nhưng tự bản thân bạn có cảm thấy day dứt khi cầm và tiêu những đồng tiền đó?

Bạn Ngọc Sơn (ở Thanh Hóa) cho biết: “Tôi đã từng hai lần nhặt tiền rơi trên đường như thế, cùng với tôi lúc đó còn có nhiều người khác cũng nhặt. Sau đó tôi tiêu tiền bình thường. Áy náy hay day dứt ư? Tôi không cảm thấy như thế. Coi như là luật bù – trừ trong cuộc sống. Cũng có lần tôi bị mất tiền, thì coi như đây là lộc trời để bù lại số tiền tôi đã từng bị mất vào tay kẻ khác”.

Tuy nhiên, không ít người chọn phương án sẽ không nhặt những đồng tiền không phải của mình đó.

Bạn Yangmomo (ở Hà Nội) cho biết: “Xin lỗi, là mình thì mình sẽ không nhặt, các bạn cứ nói mình giả tạo thế này thế nọ tùy các bạn. Mình đã rơi vào hoàn cảnh mất của rồi, mình biết cảm giác đó nó như thế nào. Mình không nhặt giúp người ta thì thôi còn làm như vậy quá thất đức”.

Đồng quan điểm với Yangmomo, độc giả Linhtinhtinh (ở Đồng Nai) cho rằng: “Tưởng nhặt được tiền, nhưng lại làm rơi lòng tự trọng. Tự trọng mà cứ đánh rơi mỗi ngày một ít thì sớm muộn gì cũng mất hết. Con người mà không có lòng tự trọng thì chẳng có gì cả. Rõ là mất nhiều hơn được”.

Có bạn chọn phương án nhặt tiền, nhưng sau đó không phải nhét vào túi mình mà để trả lại cho người đánh rơi. Bạn Shin Trần (ở TP HCM) cho biết: “Gặp mình thì mình cũng nhặt, nhưng là nhặt để trả lại cho chủ của số tiền ấy, ai nói mình giả tạo thì mình chịu”.

Một  độc giả khác thì nghĩ về luật nhân quả nếu phải chứng kiến cảnh tượng “hôi của” đó: “Sống mà không để lại phúc đức thế này thì đừng hỏi số mình tại sao mãi bần cùng mạt rệp. Không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho con cái mình chứ. Người sống có đức thì con cháu có gặp chuyện gì rồi cũng qua. Cái ngữ này đến lúc có chuyện đừng nhìn trời hỏi vì sao nhé. Trên đời này chẳng có cái gì từ trên trời rơi xuống mà hí hửng lượm lượm đâu. Cái gì cũng sẽ trả giá, chỉ là sớm hay muộn, mà càng muộn trả lãi càng nặng”.

Những độc giả trên đã nghĩ và có những hành động khác nhau khi gặp trường hợp “tiền rơi trước mặt” như vậy. Còn bạn, bạn sẽ làm gì, nhặt hay không nhặt?
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày