Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi"

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/08/2013

"Sẽ đề xuất xem xét tạm hoãn nhập ngũ ngay khi Tiến có giấy báo nhập học" - lời khẳng định của chủ tịch UBND xã, nơi có cậu trò nghèo đỗ Thủ khoa ĐH Y danh giá, nhưng có thể sẽ phải dừng nhập học vì "lệnh nhập ngũ".

Anh em sinh đôi học “quên trời đất”

Hơn một tuần nay, bà con làng trên xóm dưới ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn chưa hết vui mừng trước việc địa phương mình vừa có hai anh em sinh đôi con nhà nghèo nhưng cùng đỗ vào những trường đại học (ĐH) danh giá với điểm số rất cao, trong đó một em là thủ khoa đại học Y Hà Nội.

Cụ thể, em Nguyễn Hữu Tiến vừa là thủ khoa ĐH Y Hà Nội với số điểm 29,5; vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27. Và cậu em trai sinh đôi là Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa (khối A, 26 điểm); thi ĐH Y Hà Nội đạt 25 điểm.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 1
Anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (áo xanh - thủ khoa ĐH Y Hà Nội) và Nguyễn Hữu Tiền (áo đỏ - đỗ ĐH Bách Khoa Hà Nội).

Chúng tôi tìm về thăm ngôi nhà nơi hai anh em nghèo học giỏi Tiến – Tiền đã sinh ra và lớn lên. Đến xã Phương Tú thời điểm này, chỉ cần hỏi bất cứ người dân nào về “thủ khoa ĐH Y” thì bạn cũng sẽ được họ chỉ đến tận nơi, kèm theo những câu trầm trồ thán phục. Gặp ba nữ sinh mặc áo đồng phục gắn mác trường THPT Ứng Hòa A đang đạp xe trên đường, chúng tôi vừa cất lời hỏi thì các em đã nhanh nhảu “Hai anh ấy học trường em đấy nhé” rồi tận tình đưa chúng tôi đến tận cổng nhà Tiến – Tiền.

Đó là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ, chỉ rộng chừng hơn 20m2, quét vôi màu trắng. Khi chúng tôi đến, gia đình Tiến không có ai ở nhà. Một bác phụ nữ đi qua, thấy chúng tôi đứng ngoài cổng liền tới hỏi chuyện. Biết chúng tôi tới viết bài, bác này nói: “Dạo này nhiều người đến thăm hai anh em thằng Tiến lắm, cả làng cũng tự hào. Mấy mẹ con nhà nó đang sang nhà ngoại ăn cỗ rồi, để tôi đi gọi về cho”.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 2
Mấy ngày nay, nhà Tiến - Tiền có nhiều khách là họ hàng, báo chí tới thăm, chúc mừng.


Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 3
Chị Hoàng Thị Thanh - mẹ em Tiến và Tiền - rất vui mừng và tự hào về hai cậu con trai học giỏi.

Khoảng 5 phút sau, hai anh em Tiến và mẹ đạp xe về tiếp chúng tôi. Hai anh em Tiến – Tiền giống nhau như hai giọt nước với dáng người mảnh khảnh, nước da ngăm đen rắn rỏi, gương mặt khá điển trai với nụ cười rất hiền. Cậu em tên Tiền có vẻ cao to và mạnh bạo hơn người anh sinh đôi tên Tiến.

Kể về thành tích đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm, Nguyễn Hữu Tiến cho biết: “Em rất vui vì mình đã thi đỗ vào ĐH Y như ước nguyện, càng vui hơn nữa khi mình may mắn trở thành thủ khoa. Hai anh em cùng thi đỗ lần này nên niềm vui được nhân lên nhiều lần”.

Cậu em Nguyễn Hữu Tiền ngồi bên cạnh vui vẻ nói: “Hai anh em cùng thi đua nhưng anh Tiến đỗ điểm cao hơn em rồi”.

Tiến và Tiền cho biết, hai anh em hoàn toàn không đi học thêm hay luyện thi đại học ở bất cứ đâu. Ngoài thời gian học trên lớp, hai anh em chỉ cùng nhau học ở nhà, cùng giải những đề bài khó trong mấy quyển sách nâng cao được các anh chị cho hoặc dành dụm tiền mua được.

“Tụi em nghĩ không cần thiết phải học thêm. Cứ nắm chắc được kiến thức trong sách giáo khoa, rồi làm thêm một số bài trong sách nâng cao là đủ sức thi đại học rồi. Với lại, hai anh em tụi em cũng không có thời gian và điều kiện để học thêm”, Tiến cho biết.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 4
Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến có gương mặt rất hiền lành.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 5
Cậu em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền thì mạnh dạn, nói nhiều hơn anh.


Chị Hoàng Thị Thanh, mẹ Tiến – Tiền, cho biết: “Hai em ngoài thời gian học ở trường lại giúp đỡ mẹ làm ruộng, rồi lại học. Tụi nó chỉ biết cắm đầu vào học quên hết mọi thứ, thậm chí còn chả nhớ bố mẹ sinh năm bao nhiêu nữa”.

Khi được hỏi về thú vui hoặc trò giải trí những lúc rảnh rỗi, Tiến và Tiền cho biết sở thích của hai anh em là đọc sách. Chúng tôi hỏi hai anh em thích đọc loại sách gì và thực sự bất ngờ với câu trả lời “Bọn em đọc sách các bài thi đại học nâng cao” để giải trí.

Tiền vừa cười vừa “kể tội” anh: “Anh Tiến trông thế thôi nhưng có cả bạn nữ trong lớp thích đấy ạ. Nhưng anh ấy không dám nhận lời vì còn phải học, tụi em chưa đến tuổi yêu đương”.

Nói về lý do chọn thi vào ĐH Y Hà Nội, Tiến cho biết: “Ngay từ năm đầu cấp 3, hai anh em em đã được thầy chủ nhiệm và bố mẹ định hướng thi vào trường Y để khi ra trường có một công việc tốt. Hồi nhỏ em hay ốm yếu, nhiều lần bị bác sỹ tiêm đau nên rất sợ, vì vậy em cũng thích học ngành Y để tìm hiểu về các loại bệnh và cách chữa trị chúng”.

Gia cảnh nghèo khó của thủ khoa

Điều khiến nhiều người khâm phục là dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng bố mẹ của Tiến – Tiền đã nuôi dạy bốn người con học hành giỏi giang, đỗ đạt cao. Trước Tiến còn có người chị cả đang học năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, người chị thứ hai đang học năm thứ 3 trường Cao đẳng Xây dựng trên Hà Nội.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 6
Ngôi nhà nhỏ của hai anh em sinh đôi hiếu học.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 7
Ngôi nhà hai gian rộng chừng 20m2 đã cũ kĩ.


Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 8
Đồ đạc đơn sơ trong nhà.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 9
Chiếc tivi là tài sản đáng giá nhất, nhưng anh em Tiến - Tiền cũng không mấy khi xem.


Chị Thanh cho biết: “Tôi và bố các cháu lấy nhau chỉ có hai bàn tay trắng, mãi sau này mới xin được hợp tác xã cấp cho mảnh đất nhỏ này xây căn nhà trú mưa nắng. Để có tiền nuôi 4 chị em nó ăn học, chúng tôi phải xoay sở đủ mọi nghề để kiếm tiền. Tôi thì ngoài thời gian làm ruộng cứ ai thuê việc gì là làm. Hiện nay tôi đang đi vặt lông vịt thuê cho các hàng đặc sản vịt cỏ Vân Đình gần đây, làm suốt từ 12h đêm đến 8h sáng. Được trả công hơn 2.000 đồng/một con, đêm nào cố làm nhiều cũng kiếm được vài chục nghìn. Còn bố các cháu thì hơn chục năm nay lên thành phố làm đủ mọi nghề, từ thợ mộc, phụ hồ đến sửa xe… toàn phải ngủ vỉa hè, ống cống vì không có tiền thuê trọ”.

Nghe mẹ nói, hai anh em Tiến cúi đầu buồn rầu. Tiến nghẹn ngào nói: “Vì chị em em, bố mẹ em phải vất vả nhiều lắm. Bố em xa nhà kiếm tiền hơn chục năm nay rồi. Cả năm bố về nhà vài lần nên bố con ít được gần gũi bên nhau. Biết bố em phải ngủ trong ống cống giữa trời mưa nắng, tụi em thương bố lắm”.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 10
Chị Thanh kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình cho chúng tôi nghe.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 11
Người mẹ tần tảo ngoài mấy sào ruộng, đêm nào cũng thức trắng đi vặt lông vịt thuê để kiếm tiền nuôi 4 người con ăn học.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 12
Thủ khoa Tiến buồn rầu khi nghe mẹ kể chuyện.


Tiến cho biết, vì thương bố mẹ nên các chị và hai anh em cậu càng thêm động lực phải cố học thật giỏi để có một nghề nghiệp tốt, kiếm được nhiều tiền giúp bố mẹ trả nợ vì vay mượn lo cho chị em Tiến ăn học.

Mẹ Tiến chia sẻ: “Ở nông thôn chả làm gì ra tiền mà lại nuôi 4 con ăn học nên tốn kém lắm. Ngoài cố gắng làm đủ mọi việc kiếm tiền, thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng phải vay mượn mọi người để có tiền đóng học cho con. Vừa rồi, để lo cho hai đứa chị và hai đứa em thi đại học, nhà tôi đã phải bán đi đôi bò tăng gia sản xuất mới đủ tiền”.

Lúc này, chúng tôi mới quan sát kĩ bên trong ngôi nhà nhỏ của thủ khoa trường Y. Trong căn nhà hai gian ẩm thấp, xập xệ, tài sản đáng giá duy nhất là chiếc tivi cũ. Nền nhà lún xuống, tường nhà bong tróc nhiều chỗ. Góc học tập của anh em Tiến là một chiếc bàn làm bằng gỗ ép đã thủng hết ở giữa, gần như không thể sử dụng được nữa. Hai anh em Tiến phải ngồi học bằng hai chiếc bàn gấp nhỏ trông đã rất cũ.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 13
Góc học tập của Tiến và Tiền.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 14
Không cần học thêm, hai anh em thủ khoa Tiến vẫn đỗ điểm cao vào những trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 15
Tiến được nhận bằng khen là một trong 40 học sinh tiêu biểu của Hà Nội trong năm học 2012 - 2013.


Tiền kể, tài sản quý nhất của hai anh em là chiếc xe đạp cũ bố mua cho cách đây hơn 3 năm. Ngày ngày, hai anh em vẫn đèo nhau đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch ấy.

Vui mừng vì hai cậu con trai học giỏi, đỗ cao, nhưng chị Thanh đang rất lo lắng: “Sắp tới, khi hai anh em Tiến nhập học thì biết lấy tiền ở đâu ra đây. Vợ chồng tôi vẫn đang cố hết sức để các cháu được ăn học đến nơi đến chốn”.

Nỗi lo về “lệnh gọi nhập ngũ”

Bên cạnh sự khâm phục hai anh em nhà nghèo học giỏi, những ngày qua, thông tin về việc thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến có thể không được nhập học trong năm nay vì có “lệnh gọi nhập ngũ” khiến người trong cuộc và dư luận quan tâm, băn khoăn.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 16
Hai anh em Tiến - Tiền quyết tâm học hành thật giỏi để có công việc tốt, sớm kiếm được tiền giúp bố mẹ trả nợ.


Tiến cho biết: “Ngày 28/7, em biết điểm thi đại học của mình. Mấy ngày sau, ngày 31/7, em nhận được thông báo mình đủ sức khỏe để thuộc diện gọi nhập ngũ. Như vậy thì có thể em sẽ không thể nhập học ĐH Y sắp tới."

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 17
Nhưng có thể Tiến sẽ phải dừng việc học để thực hiện lệnh nhập ngũ.


Sự băn khoăn của Tiến và gia đình là vì theo quy định mới về nhập ngũ (Thông tư 13 của Bộ Quốc Phòng) trong cùng một thời điểm nếu nhận được giấy báo nhập học và lệnh nhập ngũ thì phải chấp hành lệnh nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Như vậy, nếu lệnh nhập ngũ đến trước hoặc cùng lúc với giấy báo nhập học thì dù có đỗ đại học, các trường hợp như vậy cũng không thể đi học ngay năm đó.

Tiến tâm sự:“Em nghĩ là mỗi thanh niên có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước như cố gắng học tập để xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhưng đã là quy định, nếu lệnh gọi nhập ngũ có trước và em không được hoãn thì em vẫn sẽ chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, em mong trường hợp của mình sẽ được xem xét để sắp tới em có thể nhập học bình thường, sớm trở thành một bác sỹ giỏi”.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 18
Tiến và gia đình đang rất lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phùng – Chủ tịch UBND xã Phương Tú – cho biết: “Địa phương chúng tôi rất vui mừng vì có em Tiến dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã đỗ thủ khoa ĐH Y. Việc những thanh niên đủ 18 tuổi như em Tiến đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là bình thường và đúng quy định. Nhưng gia đình lo lắng vì theo quy định mới, nếu lệnh gọi nhập ngũ có cùng lúc với giấy báo nhập học thì sẽ phải chấp hành lệnh nhập ngũ. Theo tôi được biết, lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học thường được gửi vào cùng thời điểm cuối tháng 8 nên nếu theo đúng quy định, có khả năng em Tiến dù đỗ thủ khoa nhưng vẫn phải chấp hành lệnh nhập ngũ trước”.

Thủ khoa ĐH Y: "Thanh niên có nhiều cách yêu nước, cách của em là trở thành bác sỹ giỏi" 19
Ông Nguyễn Văn Phùng - Chủ tịch UBND xã Phương Tú - khẳng định: "Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện, đề xuất tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự để em Tiến được đi học".

“Tuy nhiên, chính quyền và xã đội rất quan tâm tới trường hợp của em Tiến và đã thống nhất chủ trương sẽ tạo mọi điều kiện, đề xuất để em Tiến được nhập học và đi học ngay trong thời gian tới. Sắp tới, ngay khi em Tiến nhận được giấy báo nhập học trường gửi về, chúng tôi sẽ đề xuất với Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa – đơn vị có quyền quyết định – để xem xét tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự cho em Nguyễn Hữu Tiến. Gia đình em Tiến có thể yên tâm”, ông Phùng khẳng định.