Thủ đao nói gì ngay sau khi chém "ông Ỉn"?

Đại Lộ, Theo 22:42 24/02/2015

Theo thủ đao Trần Văn Tịnh, đây là lần thứ hai ông được chém "ông Ỉn" làm cỗ ngọc tế thánh nên ông cảm thấy rất bình tĩnh và tự hào.

Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi thực hiện nghi lễ khai đao chém "ông Ỉn" tại sân đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh), ông Trần Văn Tịnh, một trong hai đao thủ cho biết, khi chém trước tiên phải cứa một đường giữa hai chân trước của con lợn.


Sau đó, phải lựa phần ngay sau hai chân trước để chém liền 3 nhát.

"Trong lễ chém "ông Ỉn" năm nay, chúng tôi thực hiện hoàn thành toàn bộ trong khoảng thời gian là 7 phút và làm đúng theo tục truyền xưa của các cụ", ông Tịnh nói.

Cũng theo ông Tịnh, đây là lần thứ hai ông được vinh dự chém "ông Ỉn".

"Tôi cảm thấy rất bình tĩnh và tự hào, thoải mái vì được chọn chém "ông Ỉn" làm cỗ ngọc tế thánh, đây là một nghi lễ cổ truyền của khu Thượng chúng tôi", ông Tịnh cho hay.


Hai ông thủ đao làm lễ trong đình sau khi thực hiện nghi lễ "khai đao".

Cũng theo ông Tịnh, tuy trước khi diễn ra lễ hội có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các cụ và dân làng cũng đã họp, đưa ra ý kiến là cần giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của quê hương.

Vị thủ đao này chia sẻ: "Chúng tôi đã họp rất nhiều và các cụ cao niên, trưởng các dòng họ đều nhất trí là vẫn phải duy trì đúng lễ hội của làng như những năm đầu tiên tổ chức.

Năm nay, công tác tổ chức diễn ra quy củ, chặt chẽ hơn ngay từ khâu bảo vệ đến rước, thực hiện nghi lễ".

Về hai cây đao sau khi thực hiện nghi lễ chém lợn, theo ông Tịnh sẽ được đưa nguyên trở lại vào trong đình để tiến hành lễ thánh, báo cáo về việc "khai đao" đã hoàn tất.

Sau đó, hai cây đao sẽ được lau rửa sạch sẽ bằng nước thơm để đưa vào đình để thờ chờ lễ hội sau tiếp tục sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Đức, Trưởng khu phố Thượng, Trưởng ban tổ chức lễ hội cũng cho hay, lễ hội tại làng Ném Thượng đã có từ lâu đời.

Đây là nét truyền thống riêng đặc thù của địa phương, chính vì vậy, cần duy trì bản sắc của từng vùng miền chứ không thể đem quan niệm nét văn hóa của vùng miền này áp đặt vào vùng miền khác, nhất là văn hóa thế giới so với Việt Nam.


Ông Trần Văn Đức, Trưởng ban tổ chức lễ chém lợn Ném Thượng.

"Việc duy trì lễ hội chém lợn trong các năm sau là niềm mong muốn chung của cộng đồng dân cư cũng như quan điểm của một số nhà khoa học nghiên cứu về các lễ hội nước ta.

Quan điểm riêng của tôi là vẫn muốn duy trì lễ hội này theo phong tục của địa phương”, ông Đức bày tỏ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày