Cầu Long Biên là một trong những hình ảnh đặc trưng, đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử Hà Nội do con người tạo nên. Và với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một chứng tích lịch sử không thể tách rời với Thủ đô trong suốt thế kỷ XX.
Cầu Long Biên là sản phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel, người đã thiết kế tháp Eiffel. Nếu như tháp Eiffel tại Paris chỉ mất 3 năm để hoàn thành (1887 - 1889) thì cầu Long Biên cần tới 4 năm để hoàn tất (1899 - 1902).
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra các phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu để bảo tồn cây cầu hơn 100 năm tuổi này, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ.
Ba phương án do Bộ GTVT đưa ra để lấy ý kiến bộ ngành liên quan sau khi đã nghiên cứu gồm: Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.; Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu; Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Các phương án trên đã gây ra nhiều tranh cãi trong suốt thời gian vừa qua.
Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử vắt qua ba thế kỷ thăng trầm của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội
Cầu Long Biên – nơi đã chứng kiến những ngày tháng Tám long trời chuyển đất, và Hà Nội trở thành Thủ đô thương yêu của cả nước. Nơi những đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng Thủ đô. Nơi mà những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội và cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.
Và cho đến ngày nay, cầu Long Biên vẫn gắn chặt với mỗi người con Hà Nội, như một phần máu thịt không thể nào quên. Mỗi sáng, từ cầu Long Biên, người Hà Nội đắm chìm trong làn sương mờ ảo của đất trời, hít thở không khí trong lành và ngắm dòng sông Hồng như tan chảy trong lòng Thủ đô Hà Nội.
Và trong nhịp sống của người Hà Nội, cầu Long Biên trở thành một phần không thể thiếu. Từ sáng sớm tinh mơ cho đến buổi chiều tà, cầu Long Biên vẫn chứng kiến từng thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Có ai đó đã nói với chúng tôi rằng: “Mỗi ngày không đi qua hay ngắm nhìn cầu Long Biên một lần, tôi như ngỡ mình đang đi xa khỏi Thủ đô Hà Nội”. Có lẽ, không có cây cầu thứ hai nào từng đi qua lịch sử, từng gắn liền với những cuộc chiến tranh và đến bây giờ vẫn gắn bó với cuộc sống của người dân như vậy.
Đường dẫn lên cầu Long Biên
Cầu Long Biên - nơi lắng đọng kí ức Hà Nội
Tấm biển kim loại có khắc chữ 1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris ở đầu cầu
Cây cầu đã gắn với cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội
Đường tàu hỏa trong lòng cầu Long Biên
Cầu Long Biên - cây cầu bắc qua ba thế kỉ
Những hình ảnh thơ mộng ở cầu Long Biên buổi xế chiều
Trải qua bao cuộc chiến tranh, cây cầu vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử
Đối với nhiều người Hà Nội, cầu Long Biên là một phần của kí ức tuổi thơ
Những nhịp cầu hoen gỉ nhưng bền bỉ với thời gian
Những nhịp cầu bắc qua 3 thế kỉ, đã từng hứng chịu biết bao bom đạn của quân thù
Hàng ngày, người dân vẫn lưu thông trên cây cầu lịch sử này
Nhiều ý kiến cho rằng: "Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội"