Thiếu tướng Sơn Hà: "Tài xế bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét tội giết người"

Hoài Thương - Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 21:31 13/12/2015
Chia sẻ

Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, trường hợp có hiệu lệnh dừng của CSGT mà tài xế vẫn cố tình bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ yếu tố cấu thành, thì đề nghị xem xét về tội Giết người.

Liên quan đến vụ việc Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội CSGT số 5 (Công an TP Hà Nội) trong lúc làm nhiệm vụ đã bị tài xế điều khiển xe tải cán qua người kéo lê 20m rồi bỏ chạy khiến nhiều người không khỏi bất bình. Việc đảm bảo an toàn tính mạng cho những chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường càng thu hút sự quan tâm của dư luận hơn bao giờ hết. 

Chiều 13/12, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) về vấn đề này. 

Thiếu tướng Sơn Hà: Tài xế bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét tội giết người - Ảnh 1.

 Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an)

Thưa Thiếu tướng, những năm trở lại đây việc các chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ ngoài đường đã phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm và tình trạng chống người thi hành công vụ ngày một gia tăng, suy nghĩ của Thiếu tướng như thế nào về vấn đề này? 

Trong vòng 5 năm trở lại đây, có khoảng 200 trường hợp chống người thi hành công vụ nói chung và CSGT nói riêng, trong đó đã có chiến sĩ hi sinh và hàng trăm chiến sĩ bị thương. Đây là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của người tham gia giao thông, xem thường pháp luật khi không chấp hành hiệu lệnh của các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường. 

Trong suốt mấy năm nay với mọi sự nỗ lực, tình hình tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, nhất là trong năm 2014 và 2015, số người chết vì TNGT xuống dưới 10.000 người. Đây là thành công của sự kết hợp giữa nhiều lực lượng, nhưng có thể nói công lớn thuộc về lực lượng CSGT. 

Tuy nhiên, ngược lại, tình trạng các chiến sĩ thương vong là rất lớn, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm luật diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp không chấp hành, chống đối với CSGT, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường lực lượng thực thi pháp luật là điều không chấp nhận được. Vụ việc của Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt – Đội CSGT số 5 là một ví dụ. 

Thiếu tướng Sơn Hà: Tài xế bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét tội giết người - Ảnh 2.

 Thiếu tướng Trần Sơn Hà (bên phải) và lãnh đạo Phòng CSGT TP Hà Nội đến bệnh viện thăm hỏi gia đình chiến sĩ CSGT gặp nạn khi làm nhiệm vụ.

Mặt khác, việc chống người thi hành công vụ ngoài khía cạnh pháp luật, đằng sau đó còn là cả một câu chuyện tình người. Chúng tôi là những người thi hành công vụ thực hiện pháp luật của nhà nước để bảo đảm cho nhân dân an toàn, giao thông thông suốt. Hành động của trường hợp trên vừa thiếu sự tôn trọng pháp luật, vừa thiếu cả tình người.  

Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật, đề nghị nhân dân và người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật, mệnh lệnh của CSGT, trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT để các chiến sĩ vững tâm làm nhiệm vụ, khi có các đối tượng chống đối có thể xử lý một cách kiên quyết. 

Thiếu tướng Sơn Hà: Tài xế bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét tội giết người - Ảnh 3.

 Thượng úy Đạt đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

 Theo lời Thiếu tướng, cần phải sửa đổi văn bản pháp luật thì tới đây Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt sẽ đề nghị sửa đổi theo hướng như thế nào? 

 Các hành vi chống đối người thi hành công vụ đều phải xem xét trách nhiệm hình sự. Hiện tại, nhiều địa phương chỉ xử lý hành chính hoặc xử lý thiếu kiên quyết về hành vi này, dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật. 

Trường hợp lái xe bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn lái xe bỏ chạy một cách điên cuồng, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu có đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị phải xem xét về tội giết người, xét xử nghiêm minh.  

Với trường hợp của Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Thiếu tướng có nhận định gì? 

Nhận định thì không, nhưng chúng tôi là những người thi hành công vụ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công an rất quyết liệt. Còn việc chứng minh tội phạm phải do cơ quan tiến hành tố tụng.

Về biện pháp tăng cường phạt nguội để giảm bớt nguy hiểm cho CSGT, việc này đã đạt được kết quả ra sao? 

Về việc này chúng tôi đã chỉ đạo từ nhiều năm nay và TP Hà Nội cũng đã áp dụng 2 tuần nay. Đây là việc thể hiện tính cưỡng chế gián tiếp để yêu cầu mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành luật giao thông để đảm bảo không ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông đáng tiếc. 

Việc phạt nguội nâng cao tính tự giác của mỗi người. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường và áp dụng hình thức phạt nguội để nâng cao tính tự giác, ý thức của người tham gia giao thông, giảm bớt nguy hiểm cho lực lượng CSGT. 

Trước đó, gần 10h sáng 12/12 tại ngã ba Sài Đồng - quốc lộ 5 (Long Biên, Hà Nội), thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, Đội Cảnh sát giao thông số 5, phát hiện ôtô tải BKS 89L - 0211 va chạm giao thông với xe Toyota Vios nên ra hiệu lệnh dừng xe giải quyết. 

Tuy nhiên, tài xế xe tải khi thấy cảnh sát chạy đến đã rồ ga bỏ chạy, lao thẳng vào Thượng úy Đạt, kéo lê gần 20 m dưới gầm, sau đó bỏ chạy theo hướng về nội thành. Đến trưa cùng ngày, tài xế Đoàn Văn Chuyên (SN 1990, ở Văn Giang, Hưng Yên) đã ra công an phường Phúc Đồng, quận Long Biên trình diện. 

Tại cơ quan công an, bước đầu Chuyên khai sau khi va chạm giao thông với một ôtô khác tại ngã ba Sài Đồng - quốc lộ 5 (quận Long Biên) Chuyên đã tông xe khiến Thượng úy Đạt phải nhảy lên nắp capô để tránh. 

Chuyên không dừng xe tải mà lái đánh võng hòng hất Thượng úy Đạt xuống đường, lái xe cán qua nạn nhân rồi kéo lê tới 20m. 

Thượng úy Đạt đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng gãy 3 xương sườn bên trái, hiện đang được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực tích cực điều trị và theo dõi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày