Sĩ tử H'Mong quyết lập kỳ tích cả 5 anh chị em đều đỗ Đại học, Cao đẳng

Linh Đan, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 04/07/2014

Để tiết kiệm tiền cho cha mẹ, Sùm A Minh quyết khăn gói một mình vượt núi xuống Thủ Đô. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng A Minh vẫn đặt mục tiêu sẽ thi đỗ trong đợt này, vẽ nên kỳ tích học tập của gia đình.<br/>

Gia đình có 4 người học Đại học, Cao đẳng

Chúng tôi gặp nam sinh Sùm A Minh (SN 1995, ở bản Phiên Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) tại chùa Bằng (Phương Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khi sĩ tử này đang chăm chú ôn bài chuẩn bị cho môn thi đầu tiên bắt đầu vào sáng ngày 4/7.

Sĩ tử người dân tộc H'Mong Sùm A Minh đang ôn bài chuẩn bị cho kì thi.

Sùm A Minh là con út trong gia đình có 5 anh em ở bản nghèo thuộc xã Pú Nhung. Là người dân tộc thiểu số nên khi nghe Sùm A Minh kể rằng, 4 anh chị của cậu đều đã tốt nghiệp các trường Đại học, Cao Đẳng trong nước, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước thành tích học tập đáng nể này. Và Sùm A Minh hy vọng sẽ là người tiếp theo trong gia đình làm nên kỳ tích khi dự thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo Sùm A Minh, anh trai của cậu là Sùm A Vàng (SN 1980). Anh Vàng từng tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, hiện đang công tác tại tỉnh Điện Biên. "Thành tích đầu tiên của gia đình em là khi anh Vàng thi đỗ vào Học viện An ninh Nhân dân. Trong bản khi đó ai cũng bất ngờ trước tin mừng này, gia đình em lại càng phấn khởi hơn khi ước mơ giảng đường Đại học đã đến với bản nghèo chúng em. Hơn nữa, đó cũng là động lực để chúng em quyết tâm học tập, vươn lên thoát nghèo" - Sùm A Minh tâm sự.

Sau khi hoàn thành khóa học tại Học viện An ninh Nhân dân, anh Sùm A Vàng về quê nhà tại Điện Biên công tác và xây dựng gia đình. "Ngày trước, anh trai em quyết tâm thi vào Học viện An ninh để bố mẹ không phải chu cấp tiền ăn học. Vì bản thân anh Vàng cũng biết rằng, thời điểm đó mà đỗ các trường Đại học khác thì bố mẹ cũng không đủ tiền để chu cấp" - Minh nhớ lại.

Sùm A Minh cho biết thêm, sau anh Vàng, 3 chị gái của Minh đều đã tốt nghiệp các trường Đại học và Cao Đẳng. Đầu tiên phải kể đến chị Sùm Thị Thái. Chị Thái từng theo học Đại học sư phạm Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, chị Thái về giảng dạy tại một trường trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. "Ước mơ của chị Thái là được làm giáo viên để mang con chữ về cho bản làng. Để thực hiện ước mơ của mình, ngoài thời gian làm nương giúp đỡ bố mẹ, chị rất chăm chỉ học tập và cuối cùng đã thi đỗ vào trường Đại học Thái Nguyên" - Sùm A Minh nói với giọng tự hào.

4 anh chị của Sùm A Minh đều đã tốt nghiệp các trường Đại học và Cao Đẳng.

Lần lượt hai chị gái tiếp theo của Sùm A Minh đều đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên và Cao đẳng Y Thái Nguyên. Hai chị đều đã công tác ở các ngành nghề khác nhau tại địa phương.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình, sĩ tử người dân tộc H'Mong Sùm A Minh thi đỗ vào trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. Trong ba năm theo học tại trường Nội trú, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên mỗi năm Sùm A Minh chỉ được về thăm nhà hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết Nguyên đán. 

"Trường học cấp 3 của em cách nhà khoảng 100km nên mỗi năm chỉ về được hai lần. Dù nhớ nhà nhưng em vẫn phải cố gắng ở lại trường vì mỗi lần đi đi về về rất tốn kém, rồi làm bố mẹ lo lắng. Thi thoảng bố mẹ em cũng lên tận trường thăm và mang theo cả cơm nếp, thịt gà làm quà cho em cùng các bạn trong phòng" - Sùm A Minh tâm sự.

Trong thời gian nuôi các anh chị ăn học, bố mẹ của Sùm A Minh đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nương lúa nương ngô, nên việc chu cấp tiền cho con cái ăn học lại càng thêm nặng gánh với vợ chồng bác Sùm A Chứ (52 tuổi, bố Sùm A Minh). "Bản thân các anh chị cũng phải ý thức được việc chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể để đỡ đần bố mẹ. Em còn nhớ, nếu đợt nào bố mẹ gửi tiền cho anh chị thì lại không có tiền gửi cho em. Nhưng em vẫn cố gắng được vì các chị theo học ở tỉnh khác sẽ vất vả và nhiều khó khăn hơn" - Sùm A Minh nhớ lại.

Một mình vượt hàng trăm km đi dự thi 

Kì thi Đại học năm nay, Sùm A Minh đăng ký dự thi cả hai khối A1 và D1 đều vào nghành Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Chia sẻ về ý định dự thi vào trường Kinh tế Quốc dân, Minh nói rằng, em yêu thích ngành kinh tế từ những năm học cấp 3.

Sĩ tử này tâm sự rằng sẽ cố gắng thi làm bài tốt, đạt điểm cao để đỗ vào trường Kinh tế Quốc dân. Nếu Minh trúng tuyển đợt này, thì tất cả 5 người con trong gia đình Minh đều theo học Đại học, Cao Đẳng. Một thành tích không hề đơn giản đối với một gia đình ở vùng dân tộc thiểu số.

Lần đi thi này, một mình Minh khăn gói xuống Hà Nội ứng thí. Theo chia sẻ của bạn, bố mẹ anh chị đều bận công việc riêng nên Minh quyết tâm đi thi một mình. "Hơn nữa, đi đông người lại thêm tốn kém chi phí, nên em sẽ chịu khó hỏi han và nhờ sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện tại Hà Nội" - Minh nói.

Minh chia sẻ, trước lúc đi thi, bố mẹ và anh chị gom góp cho em được số tiền hơn 3 triệu đồng gồm cả tiền xe đi lại và chi phí sinh hoạt trong 10 ngày dự thi ở Hà Nội. Trong khi đó, chi phí xe khách từ Điện Biên xuống Hà Nội đã mất gần 700 nghìn đồng.

"Chắc chắn rằng em sẽ không chi tiêu hết số tiền đó, em sẽ cố gắng dùng tiết kiệm để mang tiền thừa về đỡ đần bố mẹ" - Minh nói về dự định của mình.

Sùm A Minh một mình xuống Hà Nội để hoàn thành nốt giấc mơ Đại học.

Tối 1/7, Minh bắt xe từ Điện Biên, sau 10 tiếng hành trình, sáng 2/7, Sùm A Minh đã có mặt tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Minh tiếp tục bắt xe buýt sang bến xe Giáp Bát để nhờ sự tư vấn của các sinh viên tình nguyện. Tại đây, Minh đã được hướng dẫn và đưa về ở miễn phí tại Chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội). 

Sĩ tử người dân tộc H'Mong cho biết, do dự thi hai khối nên sau khi kết thúc các môn thi của khối A1, Minh sẽ chuyển đến ở miễn phí tại Kí túc xá trường Đại học Kinh tế Quốc dân để tiện cho việc đi thi vào đợt 2.

Tâm sự với chúng tôi, Sùm A Minh nói rằng, ước mơ đến với giảng đường Đại học là để đưa gia đình và bản thân thoát nghèo, tiếp bước truyền thống học tập của anh chị ở bản làng.