Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng

Thái Sơn, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 21/02/2016

Lặng lẽ và bình dị nhưng mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp, mô hình tủ bánh mì từ thiện được ví như một hiệu ứng domino lan tỏa rộng khắp từ Sài Gòn ra Hà Nội và tiếp tục là Đà Nẵng.

Những ngày đầu năm 2016, câu chuyện về chiếc tủ bánh mì từ thiện của cô Xuân Lan (50 tuổi) giữa Sài Gòn tấp nập khiến nhiều người còn chưa hết lời xuýt xoa vì cảm động. Không lâu sau đó, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên tại Hà Nội cũng đã được chị Xuân Ly (trú tại phố Kim Mã, quận Ba Đình) đặt trước nhà mình. Cách đây chừng hơn nửa tháng, mô hình tủ bánh mì từ thiện ấy cũng đã được góp mặt tại số 322 Hoàng Diệu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) bằng tấm lòng thơm thảo của một nhà hảo tâm ẩn danh.

Hình ảnh tủ bánh mì từ thiện có lẽ đã không còn mới, thế nhưng trên vỉa hè đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) chiếc tủ này vẫn còn là một hình ảnh khá lạ trong mắt nhiều người. Tủ bánh với dòng chữ vàng to rõ: "Bánh mì từ thiện, 1 người – 1 ổ, cùng nhau san sẻ với mọi người" đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người dân. Đây là chiếc tủ bánh mì miễn phí đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng.

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

 Tủ bánh mì miễn phí đầu tiên tại Đà Nẵng được đặt trên vỉa hè trước số 322 Hoàng Diệu

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

 Mỗi buổi sáng, có khoảng 50 chiếc bánh mì gối sữa được cho vào tủ.

Theo tìm hiểu từ những người dân xung quanh, mỗi ngày tủ bánh từ thiện này chứa khoảng 50 chiếc bánh mì. Cứ khoảng 7 giờ sáng, có người sẽ mang bánh mì đến cho vào tủ, và chiếc tủ làm nhiệm vụ đứng đó phục vụ miễn phí cho người nghèo tới khi nào hết bánh mới thôi. Những ngày đầu thì khoảng độ 2 giờ chiều sẽ không còn bánh nữa, nhưng gần đây thì tủ bánh thường hết trước buổi trưa.

Những chiếc bánh mì đặt trong tủ là loại bánh mì gối sữa được mua tại một hiệu bánh gần đó, mỗi chiếc bánh đều được đóng gói cẩn thận bằng túi nilon. Có lẽ đây là chủ ý của nhà hảo tâm ẩn danh này, với mong muốn đảm bảo vệ sinh khi đặt tủ bánh ngay trên vỉa hè.

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 4.

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 5.

 Chiếc tủ làm nhiệm vụ san sẻ bánh mì cho những người khốn khó, người khuyết tật, lao động nghèo…

Nhìn dòng thông điệp được ghi rõ trên tủ, ai cũng hiểu đây là tủ bánh mì để sẻ chia, để giúp đỡ cho những người còn khốn khó, những người lao động nghèo trong lúc đói lòng. Đối với những người vô gia cư, người nghèo kiếm sống xa quê… mỗi lần mua một chiếc bánh mì có lẽ cũng là một lần phải nhọc nhằn toan tính. Vì vậy, việc có được một chiếc bánh mì miễn phí thơm ngon ăn lót dạ cho qua cơn đói đối với họ cũng đáng quý biết nhường nào.

Cầm chiếc bánh mì trên tay, bà Trần Thị Tư (68 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số) xúc động: "Đây là lần thứ 2 tôi được lấy bánh mì miễn phí ở đây. Mới đầu tôi cũng cảm thấy hơi ngại, nhưng khi biết tủ bánh này được một nhà hảo tâm đặt ở đây để san sẻ với mọi người thì tôi rất vui. Đi bán vé số ngang qua đây, được ghé vào lấy một cái bánh mì ăn miễn phí, tiết kiệm được tiền ăn một bữa rồi (cười). Tôi gửi lời cảm ơn tới người chủ tốt bụng của tủ bánh này".

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 6.

 Đối với nhiều người nghèo khổ, được ăn một cái bánh mì miễn phí lúc đói lòng cũng là một niềm vui không nhỏ.

Sau Sài Gòn, Hà Nội, tủ bánh mì miễn phí đầu tiên đã xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 7.

 Những ngày đầu thì khoảng độ 2 giờ chiều sẽ không còn bánh nữa, nhưng gần đây thì tủ bánh thường hết trước buổi trưa.

Là thế đấy, đối với nhiều người nghèo khổ, một ổ bánh mì miễn phí cũng đem lại cho họ niềm vui không nhỏ rồi. Vậy nên mới thấy hành động của những nhà hảo tâm làm việc này thật có sức lay động biết bao. 

Ông Nguyễn Văn Tân (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ: "Tôi thấy đây là một việc làm rất nhân văn và vô cùng thiết thực đối với bà con nghèo. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân khác cũng mong muốn mô hình này được duy trì lâu dài và lan rộng hơn nữa, để mọi người xích lại gần nhau hơn, cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày