Ở Sài Gòn xô bồ là vậy, ồn ào là thế, nhưng dù nhịp sống có bị đẩy nhanh đến đâu, thì khắp các con đường ngõ hẻm ở thành phố này vẫn luôn "mọc" lên những dịch vụ miễn phí đáng yêu và thân thiện hết sức! Đó là hàng trăm bình trà đá treo bảng "Uống thoải mái", "Nước miễn phí" để tiếp nước cho các cô ve chai, các bác xe ôm đội cả một ngày nắng nóng; đó là quán cơm 2.000, quán phở 1.000; là những ổ bánh mì miễn phí được đặt trong chiếc tủ kính bên vỉa hè, để người lao động lót dạ mỗi sáng.
Hồi lâu lắm rồi, ở Sài Gòn chỉ có vài ba con đường để bình trà miễn phí, nhưng rồi người này thấy người kia để, biết người lao động cần nước như cần mưa, thế là bình trà miễn phí ngày càng được nhân rộng ra, đường nào cũng có, quận nào cũng thấy, không có trà thì có nước lọc, nước đá, uống hết thì lại có người ra tiếp thêm. Có lần, nhỏ bạn thân từ nhỏ của tôi ở Sài Gòn đi ngang một nơi đang phát cơm trưa cho bệnh nhân nghèo, cũng phải buột miệng thốt lên: "Ê bây, riết rồi đi đâu cũng thấy cơm nước miễn phí cho bà con, dễ cưng quá ha!".
Từ lâu, ở Sài Gòn đã "mọc" lên rất nhiều những quán cơm nụ cười như thế này.
Ờ thì, người Sài Gòn đó giờ vốn "dễ cưng" vậy mà, chỉ là họ chưa có cơ hội để được san sẻ tình thương, hoặc chăng là chưa biết cách, chớ mà thấy người khác làm rồi, là họ làm theo liền. Vậy nên quán cơm 2.000 hay tủ bánh mì miễn phí không có "độc quyền", mà càng lúc càng có nhiều "chi nhánh" ở khắp nơi, tại vì người nghèo đâu có tập trung một chỗ, nên phải mở nhiều nơi để ai ai cũng có phần.
Những nét đáng yêu thường ngày đó ở Sài Gòn, bỗng một hôm bị đặt lên bàn cân soi xét, để rồi đám đông mổ xẻ trong số những người đến ăn cơm, xin bánh mì, có ai trông "giàu giàu", "sang sang", có ai đi xe máy xịn, tay đeo vàng, ăn mặc tươm tất… là sẽ bị gán cho cái mác "đi giành ăn với người nghèo".
Mới đây, người ta còn truyền tay nhau một đoạn clip có cảnh người đàn ông nhón tay rút hẳn 3 ổ bánh mì ở cái thùng bánh mì từ thiện. Họ thay nhau lên án: "Sao tham gì mà tham vậy?" rồi có người còn nâng quan điểm về câu chuyện đạo đức của người đàn ông này, cho rằng ông hèn mọn, ích kỷ, không biết xấu hổ.
Chỉ đến khi người đàn ông không biết xấu hổ mà mọi người nói đấy, đã quay lại gặp cô chủ thùng bánh mì, và bật khóc kể về những ngày sống trong tủi nhục khi nhận biết bao lời chỉ trích không đáng có chỉ vì ông muốn mang 3 ổ bánh mì về cho con mình, lúc này, mọi người mới ngớ ra tự hỏi phải chăng mình đã xét nét vội vàng quá...
Ở một nơi khác, có một số người kịch liệt lên án khi thấy những người ăn bận lịch sự, bảnh bao, đi xe tay ga, SH, ngồi ăn phần cơm 2.000 đồng cùng những người lao động nghèo. Rồi người này kể cho người kia nghe về việc ở đâu ra nhiều "đối tượng" tham quá mức quy định, đi tranh ăn với những tấm áo rách nghèo đói. Nhiều câu chuyện được kể, được nâng lên mức "cảnh báo" nghiêm trọng, rồi sự hào sảng của người Sài Gòn tự dưng vơi bớt, chỉ vì không còn biết làm từ thiện sao cho đúng?!
Mà có gì khó trả lời đâu, làm từ thiện thì cứ làm từ tâm, như mấy người Việt kiều về nước đến quán cơm 2.000 đồng ở đường Ngô Quyền nè, họ góp tiền góp gạo, đến phụ nấu ăn rửa chén, nấu xong, họ ngồi ăn thử phần cơm coi có vừa vị chưa. Từ thiện thầm lặng vậy thôi, mà tự dưng họ đi xe sang, tay đeo vàng làm chi, rồi có mấy người đi ngang nhìn vào, bảo họ giàu mà không biết… nhục! Nói đến chuyện này là chú Ánh chủ quán lại tặc lưỡi với chúng tôi: "Hồi nào giờ có ai giàu sang mà vô đây ăn đâu mấy đứa, người ta giàu, có tiền, người ta đi ăn quán sang đồ ngoại, chứ ai mà vô đây giành chi bữa ăn 2 ngàn đồng bạc. Có mấy người Việt kiều họ đóng góp thì họ ăn thử đồ họ nấu thôi, mà họ ăn trước khi tới giờ mở bán cho người nghèo, dzậy mà cũng bị… chửi!".
Ngộ vậy đó, người nghèo hổng ai nói, các chủ quán cũng chưa phản ánh việc người lao động bị giành ăn, vậy mà ở đâu quá trời người ôm cục tức cho người khác. Phải chăng mọi người phán xét một cách quá nhanh nhảu? Trong khi sự tình bên trong thì chưa chắc ai cũng rõ.
Mấy hôm nay, cô Lan chủ tủ bánh mì ở quận Bình Thạnh cũng đau đầu vì có mấy người cứ ngó nghiêng xem có ai tay đeo vàng thò vào lấy bánh mì không, hoặc xem có ai lấy một lúc nhiều ổ không để… chửi. Trên mạng thì thay nhau buông lời chỉ trích. Còn cô, cô không quan tâm đến những điều đó, vì cô biết khi đặt tủ bánh mì nơi vỉa hè, là sẽ chào đón những con người có hoàn cảnh, tính cách khác nhau, mà số người lười lao động đến lấy nhiều bánh mì thì rất ít.
Anh Đàm Hà Phú, tác giả sách Chuyện nhỏ Sài Gòn cũng nhân dịp này mà kể chuyện bình trà inox trước cửa công ty anh bị hai thanh niên chạy đến... cướp. Anh viết: "Bữa đó bình hết nước nên chú bảo vệ vào lấy nước châm thêm, hai gã thanh niên đi xe máy trờ tới ôm cái bình không chạy mất. Cô thư ký hớt hải lên hỏi tôi, cái bình nước bị cướp mất rồi, giờ sao anh. Sao trăng gì, ra mua cái khác liền để mai có cho bà con uống, nhớ thêm cọng dây xích chớ mất nữa nha. Mấy người hỏi, bị cướp vậy có buồn không? Không! Có nản không? Không! Chỉ thấy bất ngờ và mắc cười mấy thằng ăn cướp vặt. Nó lấy được cái bình, chớ sao lấy được tấm lòng của mình!"
Còn cô chủ tiệm bánh mì từ thiện thì nói: "Nếu chỉ vì sợ người tham mà khép lòng với người nghèo thì ai chịu thiệt? Mọi người bớt soi mói, bớt khắt khe với người khác đi, đừng cứ nhìn vào những mặt xấu của vấn đề rồi đẩy mọi chuyện đi xa, hãy để cho người Sài Gòn được thoải mái hào sảng, để sống tình nghĩa với nhau được ngày nào hay ngày nấy đi chớ!".
Bên dưới câu chuyện người đàn ông lấy 3 ổ bánh mì đã quay lại cửa tiệm này và bật khóc với cô chủ, tôi đọc được một bình luận khiến mình cảm thấy an lòng: "Khi biết được điều này con bỗng ứa nước mắt. Con từng hiểu lầm chú. Con xin lỗi!"
Ừ, đôi khi chỉ cần vậy thôi, đừng hơn thua với người nghèo mấy ổ bánh mì làm chi!