Đồ độc, giá khủng
Lọt thỏm dưới một con dốc trên tuyến phố sầm uất Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), phiên chợ đồ cổ dành cho những tay mê đồ cổ được họp vào thứ 7 hàng tuần. Vừa bước tới đầu con dốc 456, tôi đã thấy dòng người tấp nập vào ra, bàn tán xôn xao về những món đồ độc có trong phiên chợ.
Phiên chợ đồ cổ tại một con dốc nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).
Khác với những gian hàng rộng rãi, được trang trí bắt mắt trong các trung tâm thương mại, phiên chợ đồ cổ chỉ dành cho mỗi thương nhân một chiếc bàn chưa đầy 1 mét vuông để bày biện các mặt hàng mà mình có, nhưng đổi lại, sự đam mê của những người săn lùng đồ cổ khiến cho phiên chợ càng thêm đặc biệt.
May mắn cho tôi khi tham dự phiên chợ, được chiêm ngưỡng bức tranh khắc gỗ mà theo những người chơi đồ cổ sành điệu thì có hàng chục năm tuổi. Bức tranh khắc trên tấm gỗ hình bầu dục, màu sẫm đen, với những họa tiết tinh xảo đã hấp dẫn ngay những khách hàng có mặt ở phiên chợ. Bức tranh vẫn còn nguyên những nét cũ kĩ của bụi bặm, những vết bùn đất mà chủ hàng chưa kịp cọ rửa. Theo anh này, lúc săn tìm mua được về, anh chưa kịp chỉnh trang lại, hôm nay mang ra chợ phục vụ khách hàng luôn.
Quầy hàng là những chiếc bàn nhỏ.
Chiếc đồng hồ độc được nhiều người chiêm ngưỡng và săn tìm.
Chiếc bi đông thời chiến.
Chủ hàng ra mức giá gần 3 triệu đồng cho ai muốn sở hữu bức tranh đó. Sau một hồi bàn luận và mặc cả, một tay chơi đồ cổ đã bỏ ra 2,7 triệu để mua bức tranh nói trên.
Khách hàng có thể tìm cho mình những chiếc bát sành, bát sứt cho đến những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đồng hồ, amply, loa, kính mắt, các tờ tiền mệnh giá cũ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt, đồ vật chế tác từ đồng… Hầu hết các món đồ ấy đều có tuổi từ vài chục đến hàng trăm năm. Các món đồ được giới chơi đồ cổ săn lùng từ nhiều vùng, nhiều nguồn khác nhau.
Những chiếc điện thoại quay số giờ đã trở thành đồ cổ khi cuộc sống ngày càng hiện đại.
Rất đông người đến với phiên chợ đồ cổ.
Một số cổ vật bằng đồng quý hiếm.
Có những món đồ gắn bó với thời kì chiến tranh của dân tộc, là chiếc đèn dầu, là chiếc bi đông đựng nước, là chiếc thắt lưng của những bộ quân phục… Nhiều người đến đây với mong muốn tìm lại những món đồ gắn bó với một thời kì lịch sử của dân tộc, mà bản thân họ là nhân chứng sống của thời kì đó. Bác Hiệp (ở quận Hoàng Mai) tham gia phiên chợ để mua chiếc bi đông đựng nước ở chiến trường xưa. “Tới phiên chợ này, có nhiều kỉ vật gắn bó với thời kì kháng chiến của dân tộc khiến tôi rất xúc động. Hiếm có cơ hội để mình được chiêm ngưỡng lại những kỉ vật vô giá như thế này”, bác Hiệp xúc động.
Gian hàng bày bán những tờ tiền cổ, với nhiều mệnh giá khác nhau, phát hành cách đây vài chục năm cũng rất hút khách. Những tờ tiền được chủ nhân gìn giữ cẩn thận, ép giấy bóng hoặc giấy lụa để cho tiền khỏi rách. Mỗi tờ tiền tùy theo loại, sẽ được bán với giá từ vài trăm đến tiền triệu một tờ.
Một chiếc kèn Saxophone nhỏ, hoen gỉ và không thể phát ra tiếng kêu, tưởng chừng như chỉ là một đống sắt vụn, nhưng đối với những người săn đồ cổ thì đó lại là những món quà vô giá. Chủ hàng ra giá 1 triệu cho chiếc kèn hoen gỉ đó, không ngần ngại, một tay chơi trung tuổi đã mua ngay để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.
Chưa hết bất ngờ, tôi ghé qua một gian hàng bên cạnh bán nhiều đồ vật chế tác từ nhôm. Theo người bán hàng, những chiếc thìa nhôm được bán với giá 150 nghìn đồng một chiếc cho loại nhỏ, có hoa văn.
Chiếc máy đánh chữ thu hút sự tò mò của nhiều người.
Hàng loạt đồ cổ được bày bán tại phiên chợ.
Những chiếc bát dù bị sứt mẻ nhưng lại được nhiều người săn tìm.
Xe đạp cũng là mặt hàng không thể thiếu.
Chiếc giày chống nước Dakota khổng lồ trông còn rất mới theo thời gian.
Những chiếc quạt có niên đại hàng chục năm.
Theo tiết lộ của nhiều người sưu tầm đồ cổ, có thể do may mắn hoặc dày công đi “săn” mà sở hữu được những món đồ độc, có giá trị. Những món đồ này sẽ mang lại cho người chơi những khoản tiền kếch xù nếu đem bán. Có những món đồ tồn tại ở nhiều làng xã, tuy nhiên người dân không biết về giá trị của những món đồ đó và vô hình chung xem đó là những thứ vứt đi, thì đối với những tay săn đồ cổ, đó lại là một món đồ vô giá khi mang về.
Đến chợ để được... sờ vào cổ vật
Đối với khá nhiều người khi đến phiên chợ để săn đồ, với họ không phải là giá cả của món đồ đó bao nhiêu, mà quan trọng là họ tìm được món đồ mà mình thích, mình đang săn lùng. Có người dành cả năm trời để tìm một chiếc tráp bằng gỗ trắc không được, nhưng khi đến với phiên chợ lại may mắn gặp được người đang sỡ hữu món đồ đúng như họ mong muốn. “Đôi khi thấy món đồ mình đang săn lùng được bày bán, cảm giác như vớ được báu vật, sờ vào ngắm nghía cho thỏa thích rồi ra giá để “rước” chúng về nhà”, anh Long - người sưu tầm đồ cổ - cho biết.
Nhiều người đến với phiên chợ để được ngắm nhìn, sờ vào những món đồ vật mà mình thích.
Nhìn qua, ít người nói đây là một món đồ có giá trị.
Chăm chú trước những món đồ vật độc, lạ mắt.
Nhiều chủ hàng trưng bày những món đồ vật mình có chỉ với mục đích giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm về đánh giá, thẩm định đồ cổ, hoặc đơn giản là cho nhau xem những món đồ độc. Nhưng khi đã thực sự “kết” một món đồ nào đó, thì các tay chơi sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để sở hữu chúng.
“Đơn giản vì chúng tôi thích đồ cổ, độc và có giá trị về nhiều mặt như thời gian, lịch sử, thời đại và những người tạo ra món đồ vật đó”, một người sưu tầm đồ cổ nhiều năm chia sẻ kinh nghiệm.
Chiếc radio tuy hình thức đã cũ kĩ, có hàng chục năm tuổi nhưng vẫn còn sử dụng được.
Những tờ tiền cổ mang giá trị cao.
Ấn tượng với gian hàng của một thanh niên tên Huy, gian hàng trưng bày nhiều chiếc quạt cổ rất đẹp và hiếm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc quạt Marelli mà anh này đang sở hữu có xuất xứ từ Ý, sản xuất từ những năm 1920 - 1930. Theo nhiều người có kinh nghiệm chơi đồ cổ, chiếc quạt nhỏ gọn, đơn giản và không còn hoạt động nhưng có giá lên tới vài triệu đồng.
Món hàng thu hút nhiều khách qua xem nữa là chiếc đèn bầu pha lê, có giá trên 10 triệu đồng. Chiếc đèn được thiết kế tinh xảo, có hàng chục năm tuổi và được chủ nhân gìn giữ rất cẩn thận.
Những chiếc đồng hồ tiền triệu, vừa đẹp, vừa độc chỉ có ở phiên chợ đồ cổ.
Bộ sưu tập tem khiến nhiều người mê mẩn.
Khách hàng lựa chọn những tờ tiền cổ để mua.
Với những người mê đồ cổ nhưng điều kiện kinh tế không đủ để sở hữu những món đồ độc, đắt giá thì họ đến với phiên chợ để được ngắm, được sờ tận tay vào những món đồ đó và đôi khi chỉ để chụp một tấm hình lưu niệm về món đồ mà mình mê mẩn.
Say sưa bên những bộ sưu tập tem, nhóm những người đàn ông đã ngoài 50 tuổi thả sức bàn luận về những con tem có giá trị được chủ nhân dày công sưu tập.