Nghệ thuật điêu khắc trên bút chì khá xa lạ với người Việt Nam chúng ta. Có chăng, những sản phẩm điêu khắc bút chì mà mọi người quan tâm, trầm trồ khen vì sự tỉ mỉ, khéo léo của nghệ nhân đều xuất phát từ những bàn tay của người nước ngoài.
Thời gian vừa qua, cư dân mạng thích thú chia sẻ những hình ảnh điêu khắc trên bút chì do chính người Việt làm nên. Những tác phẩm có kích thước tí hon, nhưng vô cùng đẹp và độc đáo. Dù nhìn qua ảnh hay được "tận mục sở thị", ai cũng phải công nhận bộ sưu tập (BST) này rất có giá trị về mặt công sức lẫn nghệ thuật. Tác giả của bộ sưu tập độc đáo này là thầy Dương Văn Kiên - 32 tuổi, giáo viên dạy Toán trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.
Chữ "Nhẫn", thầy Kiên làm trong đợt bão số 8 đổ vào miền Trung vừa qua với ý nghĩa là "Kiên nhẫn chờ bão tan."
Những tác phẩm của thầy Kiên khiến nhiều người trầm trồ vì sự tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết nhỏ nhất.
Gặp thầy trong căn phòng nhỏ, thầy nở nụ cười hiền lành chào đón chúng tôi. Căn phòng không rộng lắm nhưng phần lớn diện tích thầy dành cho niềm đam mê điêu khắc bút chì. Từ ba tấm bảng lớn để trưng bày những sản phẩm do mình làm nên và cả góc điêu khắc với chi chít đồ nghề. Nhìn vào BST của thầy, chắc hẳn ai cũng ngỡ ngàng vì chúng quá đẹp và đa dạng. Từ những tác phẩm điêu khắc là chữ đơn giản, cho đến các câu nói, rồi cả tranh vẽ, vật dụng, nhân vật hoạt hình... tất cả đều được thầy Kiên thổi hồn trên những cây bút chì vô tri.
Khi biết những tác phẩm của mình được lan truyền trên Internet và rất nhiều người yêu thích, thầy chia sẻ: "Tôi đã đọc khá nhiều bài viết về các tác phẩm của mình làm ra do có nhiều bạn bè và học sinh thông báo. Cảm giác rất vui vì đam mê của mình được đón nhận khá nhiệt thành".
Thầy Kiên đến với đam mê này một cách tình cờ. Một lần thầy nhìn thấy ảnh chụp của một sản phẩm bút chì khắc trên mạng, thầy đã thích và bắt đầu tìm hiểu, luyện tập. Sau một thời gian luyện khắc chữ, tầm khoảng tháng 4/2012, thầy bắt đầu tập gọt những hình tượng đơn giản, đó gần như là mốc xuất phát cho những sáng tạo sau này.
Thầy Kiên bên những tác phẩm của mình.
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao nên không thể tránh khỏi thất bại khi mới bắt đầu. Đối với thầy, chuyện thất bại là điều thường gặp khi làm những sản phẩm bằng bút chì. Đôi khi hơi nản chí nhưng với niềm đam mê, thầy lại thúc đẩy mình tiếp tục công việc. Đến nay, tuy đã làm thành công nhiều sản phẩm khác nhau, từ khắc chữ đến khắc tranh, họa tiết, cho đến khắc trên phấn... nhưng vẫn còn một vài ý tưởng thầy chưa thực hiện được vì tay nghề và sự tập trung chưa đạt tầm.
Hơn một năm rưỡi, thầy Kiên rèn luyện và học hỏi, từ những chi tiết đơn giản đến phức tạp. Có những tác phẩm thầy chỉ cần 5 đến 10 phút là hoàn thiện, có những cái phải mất hàng tuần. Tuy nhiên, đa số các tác phẩm hiện nay mất tầm 1 - 2h làm liên tục. Chính vì theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ, nên bộ sưu tập của thầy rất đa dạng và phong phú, gần như đầy đủ các thể loại. Thầy cho biết, những tác phẩm điêu khắc này thầy làm trên bút chì dẻo. Bút chì dẻo sản xuất công nghiệp nên khá rẻ, giá chỉ khoảng 1.000 đồng/một cây nên khi theo đuổi đam mê này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến kinh tế gia đình. Mỗi tháng tùy theo điều kiện thời gian mà số tác phẩm thầy làm được dao động từ 50 đến 100 cái.
Công tác giảng dạy tuy bận nhưng hàng ngày, thầy Kiên vẫn sắp xếp được thời gian cho niềm đam mê này. Khi được hỏi về ý định kinh doanh đối với loại hình điêu khắc bút chì này, thầy cho biết: "Do không đam mê kinh doanh nên tôi định hướng cho tương lai là sẽ mở lớp đào tạo cho người trẻ. Tạo điều kiện, giúp các em kinh doanh. Bản thân tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng tác".
Nhiều học trò trước đây từng theo học Toán ở lớp của thầy cũng đã theo nghề điêu khắc của thầy. Hiện nay, các em đã có thể tự khắc những chữ đơn giản trên bút chì và dùng để làm móc chìa khóa. Một móc khóa các bạn bán ra 20.000 đồng, số tiền không nhiều, nhưng nếu làm với số lượng lớn thì cũng đủ để các bạn chi tiêu.
Một góc trong bộ sưu tập bút chì khắc của thầy Kiên.
Trước khi chúng tôi ra về, thầy còn làm tặng một cây bút chì khắc chữ Kenh14 để làm kỷ niệm. Thầy cũng chia sẻ rằng, thầy không ngại truyền nghề cho các em sau này, miễn các em có đủ đam mê.