Nắng hạn liên tục gần 3 tháng, hồ Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) cạn trơ đáy, nứt nẻ - Ảnh: Nguyễn Thịnh
Nước máy "cắt ba ngày, cấp một ngày"
Tại thị trấn Khe Sanh, nước máy chỉ cung cấp theo chỉ tiêu “cắt ba ngày, cấp một ngày”. Vì vậy, nhiều hộ nông dân ở các xã Tân Long, Tân Liên, Tân Lập phải mua nước giếng với giá 120.000đ/m3 để sinh hoạt.
Nghiêm trọng nhất là ở khu vực xã Tân Long. Bà Trương Thị Đăng (40 tuổi), ở tại xã này cho biết từ đầu tháng sáu đến nay, cả vùng Tân Long đã bị cắt nước máy.
Trước đó, nước máy luôn bị ngắt quãng, cứ dùng một ngày lại bị ngắt vài ngày. Đến ngày được cấp là cả nhà kéo đi lấy nước, cầm theo thùng, can nhựa chầu chực suốt buổi để hứng nước nhưng nước máy chỉ chảy được vài chục phút, rồi dừng. Nước hứng được không đủ dùng một ngày. Bà Đăng nói tình trạng trên bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến nay.
Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho biết kể từ khi thành lập nhà máy nước (năm 2003) đến nay, đây là lần đầu tiên phải áp dụng chỉ tiêu “cắt ba ngày, cấp một ngày”.
Nước máy bị cắt giảm nặng nề, chỉ các giếng khoan sâu mới có nước, và thứ nước này trở thành mặt hàng đắt đỏ.
Người dân ở đây cho biết đây là lần đầu tiên vùng Khe Sanh này có chuyện mua nước để ăn uống, tắm giặt.
Với người nông dân ở nông thôn thì việc bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt là chuyện quá đặc biệt vì số tiền này là không nhỏ, bởi một ngày công lao động của họ chỉ được khoảng 200.000đ.
Bà Trương Thị Đăng nói nước sạch ở đây cũng là nước giếng khoan, nhưng được bán với giá 120.000đ/m3.
“Dùng nước máy bình thường mỗi khối chưa tới mười ngàn đồng. Nay phải bỏ ra số tiền gấp hơn mười lần để mua chừng đó nước. Xót lắm nhưng không còn cách chi khác”, bà Đăng nói.
Vì không có tiền mua nước sạch để ăn uống, một số hộ dân nghèo phải dùng nguồn nước nhiễm bẩn ở các con suối. Một số người khác thì lấy nước ở các giếng khoan bị nhiễm phèn. Nước sinh hoạt không đủ, nên nước tưới cho cây trồng xem như cắt bỏ hoàn toàn. Hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu đang bị khô cháy, và nông dân chỉ còn trông vào trời mưa...
Hỗ trợ 28 tỷ đồng chống hạn
Tại các xã khác của huyện Hướng Hóa cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Hồ chứa nước Khe Sanh là nguồn cấp nước tưới cho cả vùng này đã cạn trơ đáy cả tháng nay. Đáy hồ trở thành nơi người dân thả trâu, bò.
Hồ chứa nước Đại Thủy, nơi cung cấp nước sạch cho nhà máy nước Khe Sanh, hiện mực nước đã xấp xỉ đáy hồ. Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho biết đây là lý do dẫn đến việc phải luân phiên cắt nước trên toàn vùng.
Ông Võ Thanh, chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết chưa khi nào Hướng Hóa lại hạn nặng như thế. Ông Thanh nói giải pháp hữu hiệu nhất lúc này là phải đào giếng khoan để chống hạn. Hơn 3.000 hecta cà phê của huyện coi như mất trắng. Trước mắt, UBND huyện đã trích ngân sách hơn 400 triệu đồng đào giếng khoan lấy nước cho các công sở, trường học, bệnh viện. “Nước của những giếng khoan này cũng sẽ được chia sẻ cho người dân”, ông Thanh nói.
Trong ngày 16-6, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị về các phương án chống hạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý hỗ trợ 28 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương để tỉnh này chống hạn. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị sử dụng nguồn vốn này cho việc hỗ trợ nước sinh hoạt, nạo vét kênh mương trữ nước cho người dân, tập huấn các biện pháp sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Nguyễn Quân Chính, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết do đợt nắng hạn kéo dài suốt ba tháng qua, nên hiện toàn tỉnh có đến 10.000 hecta lúa và hoa màu bị khô hạn. Trong đó, có đến 3.700 hecta đất nông nghiệp không sản xuất vụ hè thu vì thiếu nước.
Ông Chính nói UBND tỉnh đã có phương án chuyển gần 1.000 hecta đất trồng lúa qua trồng hoa màu, nhưng đến nay cũng không triển khai được vì đất quá khô.
Hồ Khe Sanh trơ đáy - Ảnh: Nguyễn Thịnh
Bị cắt nước liên tục, người dân thị trấn Khe Sanh phải đi mua nước với giá 120.000/m3 để sinh hoạt - Ảnh: Nguyễn Thịnh.