Nỗi đau từ tâm hạn hán: Học sinh bỏ học, người dân bỏ xứ đi tránh hạn

Tứ Quý - Ảnh: Vivian, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 16/06/2015
Chia sẻ

Giữa trời trưa khô hạn, nóng hực, nụ cười của các em nhỏ vẫn rất hồn nhiên. Nhưng phía sau các em lại là nỗi buồn bã bất lực của người lớn. Có những gia đình trong nhà có đồng nào lại bỏ ra để mua thức ăn và nước uống cho đàn gia súc còi cọc, không đủ để lo cho đứa con thơ ăn học được nữa...

"Nước và cỏ ở đây quý bằng... vàng"

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ dân ở xã miền núi của huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đang phải vật lộn vì thiếu nước. Hầu hết người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây phải mua nước với giá khá cao 50.000 đồng/m3. Mỗi lần ngược đồng bằng để mua nước về cho 5 thành viên trong gia đình sinh hoạt và cho cừu uống, phải mất cả triệu tiền nước. 

Cây trồng đã chết khô, nguồn thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.

Anh Đặng Thành Sỹ (36 tuổi, xã An Hải, huyện Ninh Phước) lo lắng: "Trong thời gian tới, nếu không có mưa chắc đàn cừu của tôi cũng sẽ còn lèo tèo vài chục con thôi. Hiện tại được hơn trăm con nhưng không đủ nước để cho chúng uống. Nếu đi mua nước mà không có cỏ cho ăn thì cừu cũng chết. Thiệt hại về kinh tế của gia đình tôi đang ngày càng tăng lên khi thời tiết vẫn cứ tiếp tục khắc nghiệt như thế này".

Theo người dân, hạn hán nắng gắt như thế này khó mà trụ nổi trong vòng 2 - 3 tháng nữa. Sự thiếu nước trầm trọng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc vệ sinh cá nhân của người dân. Rất nhiều hộ gia đình, các thành viên phải 2 ngày mới dám tắm một lần để tiết kiệm nguồn nước ít ỏi có được.

Gia đình anh Sỹ gồm 4 thành viên, mỗi lần các con anh tắm rửa hay giặt đồ, vợ chồng anh phải nhịn tắm để nhường cho con và ngược lại."Hiện tại, chúng tôi coi trọng nước hơn bất cứ thứ gì. Có khi nước và cỏ ở đây quý bằng... vàng đó chứ. Đi chăn cừu thấy được chỗ nào còn đọng lại chút nước là mừng lắm, không sợ cừu kiệt sức vì khát. Thiếu nước nghiêm trọng tôi cũng đâu dám tắm nhiều, khi chăn cừu về chỉ dùng khăn nhúng nước lau mình thôi. Nói thật, tôi cũng đã hơn 1 ngày trời rồi chưa tắm".


Hồ chứa nước Phước Trung còn ít nước không thể sử dụng được gì.


Đất đai nứt nẻ, khô cằn đã nhiều ngày nay, không thể trồng trọt, canh tác.

Còn người dân tại xã Mỹ Sơn, Quảng Sơn và Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn), xã Phước Chính, Phước Trung (huyện Bác Ái) đang tìm nhiều cách tích trữ nước khi giếng đào đã cạn, giếng bơm phải đợi hàng giờ mới có nước trở lại. Anh Trần Long (30 tuổi xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, hiện tại tất cả nguồn nước đều phải đi mua, nhưng đoạn đường từ nhà đến nơi lấy nước do nhà máy cung cấp phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

Người dân phải chấp nhận dùng nước có lẫn bùn cặn để sinh hoạt chống chọi hạn hán kéo dài.

Việc đi mua nước về dùng cũng khá vất vả với đường đầy đất đá, nước bị văng ra ngoài nhiều. Cũng vì những điều kiện khắc nghiệt trên, người dân đành phải đào giếng, tìm nguồn nước ngầm ít ỏi còn đọng lại dưới lòng đất của con suối khô hạn. Anh Long thở dài: "Tìm được mạch nước ngầm đã khó khăn, nhưng khi tìm ra thì bơm tầm hơn 20 phút lại hết nước. Để có nước trở lại ở giếng bơm phải chờ đợi hàng giờ. Cay đắng hơn, nguồn nước ngầm này thường có bùn kèm theo, chúng tôi phải chấp nhận nước có bùn và cặn đọng lại để dùng trong sinh hoạt, tắm giặt..., còn nước uống phải chịu khó đi xa để mua".

Theo như lời anh Long, cả mấy hộ dân đều phải dùng chung cái giếng bơm này nên phải nhường nhịn nhau và xài nước thật tiết kiệm. Những hộ dân nơi đây đã đào rất nhiều giếng bơm nhưng chỉ duy nhất một giếng có nước ngay cạnh con suối thì cũng đã cạn khô. Trước đây, người dân cũng tận dụng con suối này để dùng nước tưới tiêu nhưng hiện tại lòng suối chỉ còn trơ trọi đá.

Dòng suối người dân hút nước để tưới tiêu giờ đã khô kiệt.


Tất cả các con suối ở huyện Ninh Sơn chỉ còn trơ trọi đá. PV tìm những vũng nước đọng lại ở con suối nhưng không hề có.

Cách nhà anh Long khoảng 2km, gia đình ông Dương Tấn Chín (52 tuổi, ở thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn) cũng đang điêu đứng vì nguồn nước bị thiếu trầm trọng. Mọi công việc của nhà ông đều phải bỏ vì hạn hán, cây cỏ và hoa màu đều chết khô. Số tiền bỏ ra để mua nước và lương thực thực phẩm cũng đã ngốn gần hết.

Vừa về nhà sau khi đi xem tình hình cây trồng tại hồ chứa nước thủy điện Phước Trung, ông Chín than thở: "Cây trồng trên rẫy của tôi bị chết khô hết rồi vì không có nước tưới. Cả nhà tôi chỉ trông nhờ vào 2ha rẫy nhưng giờ không còn gì để làm hết, mấy ngày nay chỉ chăn cừu và nuôi bò thôi. Mượn tiền mua rơm rạ cho bò và cừu ăn cũng ngốn gần hết, chúng tôi không biết phải làm sao để chống chọi trong thời gian tới nữa".

Gia đình ông Chín đang điêu đứng với cơn hạn hán quá khắc nghiệt.

Chúng tôi tiếp tục vượt khoảng 3km từ nhà ông Chín đến hồ chứa nước thủy điện Phước Trung, lòng hồ đã nứt. Tại nơi sâu nhất của hồ chỉ còn chứa một ít nước nhưng cũng không làm được gì. Ban quản lý hồ chứa nước thủy điện phải điều máy móc để nạo vét lòng hồ với hy vọng tìm thêm nguồn nước.

Cho con nghỉ học để bớt gánh nặng

Trước đó, Sở GD - ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, đã có hơn 200 học sinh ở các huyện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do thiên tai hạn hán gây ra gồm Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc. Tuy nhiên tính đến nay, con số học sinh nghỉ học do hạn hán lại có nguy cơ tăng lên nhanh.

Chúng tôi tìm đến huyện Ninh Hải, mặc dù thời điểm mới chỉ gần 9h nhưng cái nắng chói chang và nền nhiệt nóng hừng hực như lúc đỉnh điểm của ban trưa. Ngoài đường, không một bóng người đi lại, cây cối xung quanh gồm cả những bụi gai thường chịu hạn tốt, cũng chết khô, trơ trọi một vùng.


Cây cỏ chết khô, những đàn cừu cũng kiệt sức mà chết dần.

Ngồi tránh nắng dưới bóng cây trước nhà cùng các con, anh Hớ Văn Mươi (35 tuổi, Ninh Cương, huyện Ninh Hải) thở dài: "Trời nắng nóng và hạn hán thế này chẳng ai dám ra đường chăn bò đâu. Người dân ra đường chăn thả đàn gia súc của mình thường vào khoảng sáng sớm đến hơn 8h thì về chứ thời tiết khắc nghiệt quá. Đến con người còn chịu không nổi nói gì đến bò, cừu trong cơn hạn này. Chăn cừu chỉ thả ra cho nó đi lại không bị khúm chân chứ ăn uống được gì đâu, cỏ chết, nước cạn đáy".


Bé Hớ Ngọc Gia Hân (con anh Mươi) rất muốn đi học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em phải nghỉ.

Đang trò chuyện cùng chúng tôi, anh Mươi trầm ngâm một hồi lâu. Nhìn con gái út và đứa cháu, anh Mươi cho biết, hai đứa trẻ này sắp phải nghỉ học vì kinh tế gia đình đang rơi vào khó khăn trong đợt hạn hán này. Số tiền anh bỏ ra để lo chi phí mua thức ăn và nước uống cho đàn gia súc còi cọc cũng đã tốn kém quá nhiều, không đủ lo cho con ăn học được nữa.


Những đứa trẻ đang ở độ tuổi đến trường có nguy cơ phải bỏ học vì hạn hán khốc liệt.

Anh Mươi ngậm ngùi tâm sự: "Tụi nhỏ vừa mới nghỉ hè, sẵn dịp này cũng phải ngậm ngùi cho các con nghỉ học, gia đình khó khăn lắm rồi. Tôi có 3 đứa con gái đang ở độ tuổi còn đi học, gia đình làm nông mà thời tiết hạn hán này thì lấy tiền đâu ra để cho đi học được nữa. Tôi đành chấp nhận để tụi nhỏ ở nhà phụ việc và giảm bớt gánh nặng gia đình". Theo anh Mươi, cũng vì hạn hán quá khốc liệt, thời tiết cũng oi bức, nhà ở cách xa trường cả mấy km, nên gia đình anh sợ các con đi bộ đến trường sẽ không chịu nổi.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Mươi và nhiều người khác, hoàn cảnh gia đình người Chăm Trà Văn Ngoan ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) cũng đang đứng trước khó khăn vì đàn cừu liên tục kiệt sức chết do thiếu nước. Trong mấy tháng nay, 2 đứa con trai 10 tuổi và 8 tuổi của anh Ngoan đã nghỉ học để phụ anh chăm sóc đàn cừu.

Con anh Ngoan đã nghỉ học từ vài tháng trước để đi chăn cừu vì hạn hán.

Rất nhiều gia đình ở vùng hạn hán phải cho con nghỉ học để giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Lùa đàn cừu cùng với các con, trên tay ôm con cừu đang hấp hối, anh Ngoan buồn chia sẻ: "Phải chấp nhận để con nghỉ học phụ giúp gia đình chăn nuôi nhưng một số con cừu nhà tôi vẫn không vượt qua được "giặc hạn". Có con cừu tự nhiên đang đi trên đường ngã quỵ xuống, không biết có phải ăn trúng gì không nữa. Từ khi bỏ học từ tháng 3 đến giờ, hàng ngày các con đều phụ tôi chăn cừu. Để 2 đứa nhỏ nghỉ học tôi nào muốn nhưng gia đình đang túng quá, vì cừu cứ hàng tháng chết vài con".

Bỏ xứ đi tránh hạn

Chúng tôi tiếp tục men theo những con đường với đầy sỏi đá, đến những nơi nắng hạn Ninh Sơn, Bác Ái, của vùng đất Ninh Thuận. Hình ảnh vườn không nhà trống giữa chốn không có giọt mưa nào suốt 1 năm qua liên tiếp hiện ra. Người dân ở vùng lân cận cho biết, những ngôi nhà bị bỏ hoang, cửa luôn đóng kín mít là những gia đình đã dọn đến nơi khác sống, bỏ xứ đi tránh hạn. 

Người chủ căn nhà này đã bỏ xứ đi nơi khác tránh hạn.

Một người dân chia sẻ: "Những hộ gia đình đó không chịu được cơn hạn hán kéo dài nên bỏ đi, để lại ngôi nhà trơ trọi. Có một số hộ chuyển đi nơi khác sống tạm thời, còn một số khác thì có lẽ bỏ xứ đi hẳn luôn. Ở đây, hàng năm đều có hạn nhưng năm nay được xem như hạn nặng nhất, người dân chịu không được phải đi thôi chứ biết làm sao, trụ gì nổi nữa"

Theo tìm hiểu, hầu hết những căn nhà này đều được xây dựng bằng xi măng, khá khang trang. Tuy nhiên, phía xung quanh các nhà này, cả vùng đất đều rất khô cằn và ở xa với nguồn nước nên không thể trồng trọt được gì. Gia súc, gia cầm cũng không có gì ăn được, dẫn đến chết. Hiện tại có khoảng 8 căn nhà nằm ở cách xa nhau từ 1km - 2km bị bỏ hoang.

Gia đình anh Hơn là một trong số những người dân bỏ xứ đi tránh hạn.

Chúng tôi gặp được gia đình anh Phan Văn Hơn, đã rời xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) đến vùng đất giáp ranh với TP. Phan Rang, Ninh Thuận để mưu sinh. Đến với vùng đất mới, anh Hơn cho biết, cuộc sống cũng ổn định hơn vì không hạn hán nặng như vùng đất cũ. 

"Tôi rời làng đến vùng đất này đã gần 4 tháng rồi. Ở vùng đất mới không hạn nặng nên người dân vẫn trồng bắp ngô được. Sau khi người ta thu hoạch bắp ngô rồi, tôi đến mua cây để về cho bò ăn. Thật sự vùng đất trước đây tôi sống quá khắc nghiệt, không thể trụ nổi nữa rồi, phải "chạy hạn" thôi", anh Hơn nói.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày