Quán cháo trai đắt đỏ nhưng suốt 30 năm đông khách ở Hà Nội

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 10:01 20/12/2015

25.000 đồng, con số ấy đủ để người ta có nhiều sự lựa chọn khác không phải bát cháo trai, thế nhưng, mỗi ngày, hàng trăm lượt khách vẫn chen nhau tìm đến quán ăn nhỏ trên phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), bỏ ra từng ấy tiền để thưởng thức món cháo trai chính hiệu.

Vốn là một món ăn quen thuộc, cháo trai là thức quà khá dễ tìm ở Hà Nội. Những khi trời trở lạnh, cảm giác được nhâm nhi bát cháo trai nóng hổi thật sự không còn gì thích thú bằng. Chỉ cần thêm một chút hạt tiêu, quấy đều bát cháo và đưa lên mũi hít hà là bao nhiêu mệt mỏi, lạnh giá trong người như tan biến. Mùa đông, cháo trai đắt khách có lẽ cũng là vì thế.

Bát cháo trai dậy mùi thơm của hành khô, rau răm, hành lá và hương vị thịt trai mằn mặn, dai giòn là một trong những thức quà chiều hấp dẫn của người Hà Nội.

Cháo trai sánh mịn, màu sắc hấp dẫn của cửa hàng chị Hằng trên phố Trần Xuân Soạn.

Vì tính phổ biến, nguyên liệu rẻ và được xem là món ăn nhẹ nên giá cháo trai ở Hà Nội thường chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/bát bao gồm cả quẩy. Thế nhưng ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), con số này đắt lên gần gấp đôi. Bưng bát cháo trên tay, người ta vẫn thấy ngần ấy thứ, gồm có quẩy, rau thơm và thịt trai. Khách đến ăn lần đầu hẳn sẽ thắc mắc, cháo ở đây có gì mà đắt thế.

Chủ quán ở đây là chị Lê Minh Hằng, quê gốc ở Thường Tín - Hà Nội. Không vội nói về giá cả, chị Hằng bắt đầu câu chuyện của mình bằng chuyện gia đình chị có 6 chị em gái thì tất cả đều bán cháo trai, ngón nghề gia truyền học từ bà ngoại.

"Cháo trai dễ nấu nhưng muốn ngon không phải ai cũng biết làm. Món đơn giản, đắt mà vẫn muốn đông khách thì lại càng khó", chị Hằng khẽ cười.

Khách đi hai người đôi khi vẫn phải chịu cảnh ngồi ghép với nhiều người lạ trong một chiếc bàn nhỏ. Nhưng gần như, mọi người không mấy ai bận tâm...

Ngoài khách ăn tại chỗ, rất nhiều người còn chờ mua mang về.

Theo lời chị, bát cháo trai muốn ngon thì nguyên liệu phải tốt, chọn được trai béo, gạo ngon. Tiếp đến là khâu sơ chế và xào trai. "Nhiều quán hay ninh thịt trai cùng gạo đã giã thành bột nhưng như thế thịt trai sẽ bị dai, mất ngon. Bà ngoại tôi dạy, thịt trai luộc vừa chín, sơ chế sạch thì đem xào với hành khô rồi để riêng, ăn cháo đến đâu, múc trai vào tới đó. Nếu khách muốn ăn nhiều thịt trai, mình cũng có thể chiều ý họ được".

Thịt trai xào sẵn.

Quẩy giòn cắt sắt.

Và xoong cháo trắng sánh mịn.

Các nguyên liệu ở đây đều được để riêng trong những "xô" lớn, bao gồm cháo, quẩy đã cắt nhỏ, hành, rau răm, hành khô phi thơm và thịt trai xào. Khách muốn ăn thế nào, chủ quán đều có thể chiều theo ý. Giá 25.000 đồng/bát là đối với các suất ăn thông thường. Càng thêm nhiều trai, giá càng cao, có thể lên mức 30.000 - 35.000 đồng/bát.

Hàng cháo trai của chị Hằng rất nhỏ hẹp, chỉ gồm vài bộ bàn ghế đơn giản, bày kín trong không gian chừng 8m2. Quán ăn mở cửa từ lúc 11h, buổi trưa nghỉ khoảng 13h - 15h chiều mới tiếp tục đón khách. Ngày trong tuần, khách kéo đến đông nhất là lúc tan sở, tầm từ 16h - 17h. Riêng cuối tuần thì muộn hơn, cỡ từ 19h - 20h. Ngoài ăn tại chỗ, nhiều người còn mua mang đi. Lúc cao điểm, khách người đứng xếp hàng, người ngồi la liệt vỉa hè, gần chục nhân viên phục vụ không kịp.

Khách chen nhau chờ thanh toán tiền.

"Cũng không biết vì sao nhưng tôi hay ăn ở đây riết rồi thành nghiện. Cứ thèm cháo trai lại lê la ra tận Trần Xuân Soạn", chị Hiền, một thực khách chia sẻ.

Chị Hằng cho biết, để nấu được nồi cháo trai ngon, mỗi ngày chị đều phải dậy sớm, tự tay ninh nấu các nguyên liệu trong khi đó, nhân viên chỉ được thuê để phục vụ bưng bê. "30 năm qua ngày nào cũng thế, trừ mỗi 3 ngày Tết còn lại quanh năm vất vả, riêng mùa đông càng vất vả hơn".

Quán của chị Hằng trước kia chỉ bán mình cháo trai. Tuy nhiên để phục vụ tốt nhu cầu thực khách, mấy năm nay, chị Hằng bắt đầu bán thêm cháo sườn và các món ăn nhẹ khác như sữa đậu nành, sữa ngô, bánh rán, tào phớ. Bên cạnh cháo trai, các món này cũng rất được lòng thực khách.

Bên cạnh đó, tất cả trai nấu cháo đều được chị mang từ quê ngoại lên, đảm bảo độ sạch sẽ, thơm ngon. "Nhiều người cứ hỏi vì sao cháo ở đây đắt thế. Tôi chỉ hay cười và bảo họ ăn đi rồi sẽ hiểu. Cháo nhà tôi, thịt trai nhiều lại nấu đúng kiểu truyền thống. Nguyên liệu ngay từ con trai cũng tự nuôi lấy để làm rồi lại bày bán ngay lòng phố Cổ thì bảo sao không đắt cho được. Nếu chỉ 15.000 đồng/bát thì làm sao có thể bán ra bát cháo trai đầy đặn, thơm lừng, ngon, ngậy, chuẩn vị như vậy?", chị Hằng giải thích về mức giá bán của quán.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày