"Nút thắt cổ chai" tại ngã tư Đại Cồ Việt - Xã Đàn đã biến mất sau nhiều năm ách tắc

Thu Hường, Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 12:47 16/07/2015

Nhờ giải tỏa thành công một nút thắt cổ chai, sau nhiều năm ách tắc triền miên, đoạn giao cắt giữa hai dự án giao thông “khủng” của Thủ đô Hà Nội là hầm chui Kim Liên và đường Kim Liên kéo dài - con đường đắt nhất hành tinh trở nên thông thoáng.

Quá khứ ám ảnh

Đối với nhiều người dân Thủ đô, việc lưu thông vào giờ cao điểm qua tuyến đường từ hầm chui Kim Liên đến đường Xã Đàn hoặc từ đường Lê Duẩn rẽ vào đường Xã Đàn từng là ác mộng bởi đoạn đường này từ khi khai thông luôn xảy ra tắc nghẽn. Thậm chí, khi đi đến điểm nút gần ngay ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, nhiều người cảm thấy nghẹt thở khi phải chôn chân hàng giờ trong cảnh ách tắc. Lý do là trên cả tuyến đường rộng thênh thang như vậy bỗng nhiên bị thắt lại bởi một đoạn "nút cổ chai". Nút thắt này chính là một số nhà hàng, bãi rửa xe lấn ra tới 1/2 lòng đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm.

Đoạn nút thắt cổ chai này có chiều dài khoảng 120m; diện tích đất khoảng 1.600m2. Sau khi bỏ ra chi phí vài nghìn tỷ đồng để xây 1km đường ở đây, người dân vẫn ngán ngẩm vì dẫu đi trên "đường nghìn tỷ", cảnh kẹt xe vẫn liên tục diễn ra.

Giao thông hỗn loạn trên phố Xã Đàn, để thoát khỏi cảnh ách tắc, nhiều người đã lao xe lên vỉa hè để đi, lấn chiếm hết lối đi dành cho người đi bộ và diện tích kinh doanh của các hàng quán bên đường. Đây là những hình ảnh thường thấy vào mỗi buổi sáng hay giờ tan tầm vào năm 2013.


Nguyên nhân cũng bởi đoạn "nút thắt cổ chai" nằm ngay giữa đường. Ảnh: Otofun

Vì quá nghẽn đường, nhiều người tham gia giao thông phi cả lên chỗ rửa xe, hàng quán để lưu thông. Điều này không chỉ gây bức bối cho những người tham gia giao thông, mà chủ các cửa hàng ở đây cũng bực mình không kém. Vì vậy, trước đây, có gia đình đã làm hẳn pano kích cỡ lớn, nền đỏ, chữ vàng, trưng ra chỗ đất đó để thông báo: “Phần đất của gia đình, đề nghị không xâm phạm, không đi xe tại đây”.

Chị Vũ Thị Mai (một tiểu thương bán quần áo trên vỉa hè Xã Đàn) tâm sự: "Trước đây khi vào giờ cao điểm, nhà tôi ồn ào và khó chịu kinh khủng vì có cảm giác trước mặt là một biển xe máy, xe cộ thậm chí lao lên hết vỉa hè. Tôi và mọi người trong nhà vừa nơm nớp lo bị mất đồ, vừa thấy khó chịu, bức bối".
 
Nói về đoạn "nút thắt cổ chai", cụ Nguyễn Thị Ánh (91 tuổi, Xã Đàn) chia sẻ: "Tôi sống ở đây bao năm nên không lạ gì cảnh tắc nghẽn diễn ra triền miên trên tuyến đường này ngay từ khi mới xây xong. Nguyên nhân chủ yếu là đoạn nút thắt cổ chai do người dân tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường".

Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Toàn (lái xe taxi quanh khu vực này cho biết): "Buổi tối, tầm từ 7h đến 9h, tuyến đường Xã Đàn, Đại Cồ Việt này tắc nghẽn kinh hoàng. Thời gian đó, mình toàn ngồi uống trà đá vỉa hè chứ chẳng dám chạy xe vì tắc quá, công đưa đón khách cũng không bù nổi tiền xăng xe".

Theo một số người dân ở đây cho biết, khi mở rộng đường mới Kim Liên - Xã Đàn thì nhiều nhà từ đình Kim Liên đến ngã ba Phạm Ngọc Thạch đều nằm trong diện được giải phóng mặt bằng, lùi vào trong để nhường vị trí cho việc mở rộng đường và làm hè phố, thế nhưng không hiểu sao, cảnh tắc nghẽn vẫn tiếp tục diễn ra.

Không còn nút thắt, đường nghìn tỷ thông thoáng lạ thường

Nhận được phản ánh của người dân, chính quyền TP Hà Nội đã tích cực vào cuộc, thanh tra, kiểm tra tuyến đường "nghìn tỷ" và tiến hành giải phóng mặt bằng. Mới đây, đoạn "nút thắt cổ chai", sau nhiều năm tồn tại đã chính thức được dẹp bỏ. Toàn tuyến đường Kim Liên mới bỗng chốc trở nên thông thoáng. Lưu thông qua các điểm nút Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Lê Duẩn - Kim Liên, Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, dù vào giờ cao điểm, người dân cũng không cảm thấy khó chịu như xưa bởi cảnh ách tắc đã nhẹ bớt phần nào.

"Đoạn ngã ba Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Xã Đàn là một trong những nút giao thông trọng yếu, gần như ngày nào tôi cũng đi qua. Thời gian gần đây, tự nhiên tôi thấy đường thông thoáng hơn. Sau vài lần để ý, tôi mới nhận ra là nút thắt cổ chai kinh hoàng ngày nào đã không còn" - anh Lê Văn Nam (một người dân thường xuyên đi làm qua tuyến đường Xã Đàn) tâm sự.



"Nút thắt cổ chai" đã không còn, đường thông thoáng, rộng rãi hơn hẳn.


Đường Xã Đàn thông thoáng sau khi giải tỏa "nút thắt cổ chai".

Ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch thậm chí còn khá vắng vẻ vào giờ cao điểm buổi sáng.

Hình ảnh xe cộ thông thoáng đầu giờ sáng.


Cung giờ cao điểm nhất là vào 17h chiều, dù đông đúc nhưng các phương tiện vẫn có thể di chuyển, không còn cảnh chôn chân hàng giờ đồng hồ vì tắc đường.

Theo phản ánh của hầu hết người dân, từ khi giải phóng mặt bằng, đường Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Kim Liên mới đã giảm bớt ách tắc hơn rất nhiều. "Bây giờ cao điểm nhất chỉ là từ 7h đến 9h tối. Lưu thông trên đường mới Xã Đàn - Kim Liên vào thời gian này, xe cộ vẫn khá đông đúc nhưng nhìn chung vẫn di chuyển chậm được chứ không đứng yên như xưa (cười)" - anh Đào Văn Tình (một người làm nghề lái xe ôm trên tuyến đường này) chia sẻ.

Hầu hết mọi người đều khẳng định, vào buổi sáng, đường Xã Đàn, hầm chui Kim Liên và các nút giao thông quan trọng khác quanh khu vực này hoàn toàn thông thoáng. Nguyên nhân là xưa nay, nhiều người khi đi làm thường không chọn đi trên trục đường này do vướng phải nhiều tuyến đường một chiều xung quanh (ví dụ như phố Huế, Lê Duẩn, Bà Triệu...). Giờ cao điểm của toàn tuyến đường Xã Đàn - Kim Liên là thời điểm tan tầm buổi chiều.



Ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn giờ cao điểm, đông nhưng không hề ùn tắc.


Nút thắt cổ chai đã hoàn toàn biến mất.

Trước kia, để vượt qua đoạn đường ngắn này, người dân phải mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi đoạn nút thắt cổ chai được giải tỏa, giao thông có phần dễ chịu hơn. Dù phải di chuyển chậm vì đông người nhưng họ vẫn cảm thấy khá thoải mái vì không phải đứng chôn chân trong cảnh kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ như trước. 

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, "xóa sổ" các quán rửa xe lấn chiếm lòng đường cũng khiến tuyến đường này trở nên khang trang, sạch đẹp hơn, không còn cảnh nước bẩn lênh láng khắp hè phố. "Tôi thấy khá dễ chịu vì không phải chịu cảnh nhếch nhác do nước thải của mấy quán rửa xe tràn ra đường. Bây giờ tôi cũng hay đi qua, không cần phải vòng vèo qua ngõ ngách để tới chỗ làm nữa" - anh Hoàng Văn Vũ, một người dân sống quanh khu vực này cho biết.

Cùng chung quan điểm, một người tham gia giao thông chia sẻ: "Đi lại qua tuyến đường này bây giờ dễ chịu hơn xưa rất nhiều, nhìn thì đông vậy thôi nhưng do đường khá rộng nên mình vẫn đi chậm được. Ngoài ra, vào giờ cao điểm, các điểm nút giao thông tại các ngã ba, ngã tư quanh đây đều có cảnh sát giao thông tăng cường, vì vậy, chuyện lưu thông cũng được thuận lợi, mau chóng hơn".
 

Đường Xã Đàn là một đoạn thuộc dự án đường vành đai 1, đường vành đai đầu tiên của Hà Nội có từ thời Pháp thuộc. Tuyến này chạy từ Nhật Tân dọc theo sông Hồng xuống phía nam, toàn bộ phố Nguyễn Khoái, đường Trần Khát Chân, đường Đại Cồ Việt, đường Xã Đàn, đường Đê La Thành, đường Lạc Long Quân. Các dự án mở rộng đường vành đai 1 đã hoàn thành đoạn từ Ô Đông Mác đến Hoàng Cầu (tức các đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn). 

Sau nhiều năm khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ, tháng 10.2005, dự án đường vành đai 1 Kim Liên – Ô Chợ Dừa mới chính thức được khởi công. Cả tuyến phố Xã Đàn có tổng chiều dài 1.500m, nhưng chỉ có 1.080m là được làm mới. Để giải phóng mặt bằng gần 5,6ha đất với hơn 1.000 hộ dân, số tiền đền bù lên đến con số kỉ lục hơn 600 tỷ. Trong khi đó, số tiền xây dựng, lắp đặt chỉ tiêu tốn 100 tỷ đồng.

Tổng chi phí để có hơn 1km đường Xã Đàn, Nhà nước đã tiêu tốn một khoản ngân sách lên tới 700 tỷ đồng - tương đương 45 triệu đôla. 

Vì nguồn kinh phí khổng lồ ấy nên tuyến đường mới này được mệnh danh là "còn đường đắt nhất hành tinh". Tuy nhiên, ngay sau ngày thông xe, cảnh tắc đường đã liên tục diễn ra. Dù TP. Hà Nội đã tích cực vào cuộc nhưng tình hình vẫn không có nhiều chuyển biến.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải phóng mặt bằng, ngày 14/9/2010, Sở GTVT thành phố đã phê duyệt dự án “Xây dựng hoàn thiện tuyến đường nối từ nút giao hầm Kim Liên đến tuyến đường Kim Liên mới” với tổng mức đầu tư khoảng 47,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí GPMB chiếm mất 89% tổng số tiền trên (gần 42 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, sau khi dự án này hoàn thành, "tuyến đường nghìn tỷ" vẫn tồn tại một đoạn nút thắt cổ chai tại ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thach - Đào Duy Anh, gây ách tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.

Theo người dân, từ đầu tháng 7 năm nay, sau khi đoạn nút thắt này được dẹp bỏ, giao thông trên trục đường Xã Đàn - Kim Liên bỗng trở nên thông thoáng hơn, điều mà chính quyền và người dân đã nỗ lực suốt hơn 10 năm để giành được.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày