Hà Nội: Cận cảnh cung đường nghìn tỷ "né" cây đa trăm tuổi

Thu Hường - Ảnh: Kiên Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:48 11/09/2015
Chia sẻ

Thay vì chặt bỏ cây đa cổ thụ cao tới vài chục mét, nằm chính diện hướng đi lên cầu vượt tại nút giao thông Bưởi, chủ thầu và BQL Dự án giao thông trị giá hàng nghìn tỷ đồng này đã quyết định quây tôn để giữ nguyên hiện trạng cho cây xanh vốn đã gắn bó với người dân phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) hàng trăm năm qua.

Gần đây, việc dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy với tổng kinh phí khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng đã được thiết kế để “né” một cây đa hàng trăm năm tuổi ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân Thủ đô. 

Theo quan sát của nhóm PV, các hạng mục tại nút giao thông Bưởi qua địa phận phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đang bước vào giai đoạn thi công hối hả để kịp hoàn thành. Tuy nhiên, nút giao thông này đang có một cây đa cổ thụ to lớn đồ sộ nằm án ngữ ngay chính diện hướng đi lên cầu vượt. Thay vì chặt bỏ, trong suốt quá trình thi công, chủ đầu tư đã cho quây tôn quanh cây đa và cổng làng để bảo vệ sự nguyên trạng của cây.

Ghi nhận của PV cho thấy, cây cổ thụ này cao hơn 20 m, tán rộng hơn 100 m2. Ngoài thân chính đường kính hơn 2 m, cây có 5-6 rễ phụ, có rễ vừa hai người lớn ôm. Trong số đó, 3 rễ phụ lớn của cây nằm cách thân chính hơn 2 m, cũng có chiều cao hơn 20 m và tán rộng vài chục mét. 

DSC_1148-8bac8
Dự án đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy với tổng kinh phí khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng đã được thiết kế để “né” một cây đa hàng trăm năm tuổi ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).

Nhiều người dân ở đây cho biết, cây đa trăm năm tuổi này giống như một "báu vật" linh thiêng của người dân phường Nghĩa Đô, không thể chặt bỏ. "Cây đa này như là linh hồn của phường Nghĩa Đô vậy, nó là một chứng tích rất quan trọng, làm sao có thể chặt bỏ được. Tôi rất ủng hộ với cách làm của nhà thầu", bà Nga (một người dân sống tại đây) cho biết. Tương tự, anh Thanh (một người dân khác) tâm sự: "Ngày nhỏ tôi vẫn hay leo trèo, đùa nghịch trên cây đa này. Bây giờ mà chặt đi thì chắc sẽ tiếc lắm vì nó đã từng gắn bó với tôi qua nhiều năm tháng".

Đáng chú ý, trên đường Võ Chí Công thuộc tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Bưởi tới cầu Nhật Tân cũng có một cây đa (nằm đối diện bệnh viện Tim Hà Nội - chi nhánh 2) đã được giữ lại, nằm giữa dải phân cách hai làn đường. 

Trước vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo ban quản lý dự án thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội (chủ đầu tư), khẳng định, ngay từ khi thiết kế tuyến đường qua phường Nghĩa Đô đã lường trước được việc không thể “đụng chạm” tới cây đa trăm tuổi này. Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và phát triển giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư) cho biết, khi lập dự án cách đây 4-5 năm nay, đơn vị đã tính toán đến phương án tối ưu nhất để bảo tồn những cây đa cổ thụ này và việc giữ lại những cây đa không ảnh hưởng đến giao thông cũng như phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.

DSC_1127-8bac8
Cây đa trăm tuổi nằm chính diện hướng đi lên cầu vượt tại nút giao thông Bưởi.

DSC_1135-8bac8
Thân cây to lớn với đường kính hơn 2m.

DSC_1130-8bac8
Cành lá của cây đa trăm tuổi rất xum xuê, ngoài thân chính, cây còn có nhiều rễ phụ đồ sộ.

DSC_1158-8bac8
Một nhánh rễ phụ của cây.

DSC_1124-8bac8
Thay vì bị chặt bỏ, cây đa cổ thụ được quây tôn và đảm bảo giữ nguyên hiện trạng.

DSC_1139-8bac8
Công trình giao thông nghìn tỷ này đã được thiết kế sẵn để "né" cây đa có tuổi thọ trăm năm.

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km. Tuyến đường chạy qua các điểm khống chế như Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín.

Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km có tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6,4 nghìn tỷ đồng) và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày