Sau một thời gian bị bệnh nặng,
GS-TS Trần Văn Khê đã từ trần vào lúc 2h55 sáng ngày 24-6-2015 (nhằm ngày mùng 9 tháng 5 năm Ất Mùi), hưởng thọ 94 tuổi tại bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM. Sáng nay 26-6, thi thể GS-TS Trần Văn Khê được mang về nhà để làm lễ tẩn liệm và phát tang vào lúc 10h.
GS-TS Trần Văn Khê ra đi là một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam.Những người đến đưa tiễn SG-TS Trần Văn Khê đều không khỏi xúc động khi đứng trước linh cữu của ông.
Những người đã từng được thầy Khê giảng dạy, trò chuyện, sẽ không thể nào quên được người thầy đầy nhiệt huyết với văn hóa dân tộc. Ngọn lửa ấy như được truyền cho mọi người, khiến họ trở nên yêu thêm nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ đó quyết tâm theo ông để học hỏi, để được ông hướng dẫn tận tình về âm nhạc dân tộc.
Tiến sĩ, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng cho biết: "Thầy Khê là người đã dạy cho mẹ của tôi về âm nhạc dân tộc, thầy cũng là người hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu. Thầy có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, luôn biết được điểm mạnh, điểm yếu của học trò mình. Song song đó, thầy sẽ truyền dạy lại kiến thức của mình để những người học trò có đam mê và đi sâu vào nghiên cứu văn hóa. Những ai đã từng gặp thầy, nói chuyện với thầy đều cảm thấy yêu nền văn hóa Việt Nam hơn".
Ông Hoàng Đức Long-Vụ trưởng, thư ký Chủ tịch nước, thay mặt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến động viên và chia sẻ với gia đình GS-TS Trần Văn Khê.
GS-NS Nguyễn Vĩnh Bảo (98 tuổi, ngoài cùng bên phải) đến đưa tiễn người bạn già của mình.
Trên bàn tiếp khách, rất nhiều giảng viên của các trường đại học, những người đã từng được thầy Khê giảng dạy đều nhắc lại những khoảnh khắc đẹp lúc thầy sinh thời. Như câu chuyện của người thầy trẻ khi nói đến GS Khê là nói đến một người đam mê âm nhạc dân tộc, những lần đến thăm thầy Khê là những lần thấy thầy mệt, nằm thiêm thiếp nhưng thấy anh đến thăm, thầy liền kêu người đỡ dạy để tiếp chuyện, dù rằng bây giờ anh chưa có thành tích gì nổi bật, nhưng thầy luôn trân quý. Khi nhắc đến âm nhạc dân tộc, thầy liền nói người nhà mang đàn đến, rồi đàn quên hết mệt mỏi, quên luôn cái đau đớn vì bệnh.
12h lễ viếng tế được bắt đầu với sự có mặt của gia đình, thân bằng, quyến hữu của ông Trần Văn Khê.
Những dòng lưu niệm viết vội trong lễ viếng của GS-TS Trần Văn Khê...
"Thầy quảng bá- thầy đi tìm văn hóaTrái tim Giáo sư, Nghệ sĩ ngừng rồi".
Với bạn bè, thì thầy Khê luôn là một người anh cả, một người luôn đong đầy tình thương yêu với tất cả mọi người. Ông Trần Bá Thùy (Thành viên BTC Tang lễ, chồng của bà Tôn Nữ Hỷ Khương) chia sẻ: "Vợ tôi là anh em kết nghĩa thâm tình với thầy Khê mấy mươi năm qua. Lần nào thầy Khê về nước tôi đều tổ chức anh em đến ngâm thơ, xướng họa. Giờ thầy Khê đi rồi, chúng tôi như mất đi một người anh cả, rồi những cuộc đối đáp thơ ca sẽ vô vị hơn khi thiếu vắng anh. Nhưng sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời, chúng tôi chúc thầy đi cũng vui như khi ở, rồi chúng tôi sẽ tìm về với thầy".
Theo di nguyện của thầy Khê, ông Trần Bá Thùy sẽ là người hỗ trợ gia đình để lo cho việc tang lễ.
Trước đó hai tháng, thầy Khê đã gọi mọi người đến và chuẩn bị cho tang lễ của mình. Theo đó di nguyện của thầy là được an táng theo nghi thức Phật giáo, linh cữu ông được quàn tại tư gia, đường Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP HCM). Tang lễ cũng diễn ra tại đây trong thời gian từ 1 tuần lễ đến 10 ngày để các con, cháu, bạn bè thân thuộc gần xa có thời gian về viếng. Sau khi hỏa táng, phần tro cốt Giáo sư được đặt dưới bàn thờ ông bà. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra, dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân và môn sinh hòa tấu trong tang lễ.
Với ông Trần Quang Minh, ông tự hào về cha mình không phải vì cha mình là người có công lao với nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Mà đơn giản ông tự hào bởi ông có một người cha tốt.
Giáo sư cũng bày tỏ nguyện vọng chi phí tang lễ được dùng từ tiền mặt và trích sổ tiết kiệm của ông. Tiền phúng điếu, nếu có thể được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hàng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, người bạn lâu năm của GS-TS Trần Văn Khê.
"Tôi và thầy Khê có rất nhiều kỷ niệm, một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về thầy là năm 1996 tôi qua Pháp thăm thầy. Tại đây tôi và thầy đã có những cuộc đàm đạo về đời, về người. Tôi có hỏi thầy một câu "Sao giờ này anh chưa viết hồi ký?" lúc đó thầy đã 80 tuổi. Thầy trả lời tôi rằng đời thầy có nhiều cuộc tình viết vào sẽ chẳng hay. Thế là tôi gợi ý thầy ấy viết hồi ký về quãng đường mà thầy đến với âm nhạc dân tộc, đam mê và những trở ngại. Không lâu sau đó, quyển hồi ký ra đời và thời gian bên cạnh thầy lúc ấy tôi không thể nào quên", Ông Nguyễn Đắc Xuân (SN 1937, Thành viên BTC Tang lễ, người bạn, người anh em của thầy Khê) chia sẻ.
Lễ viếng sẽ kéo dài đến ngày 28-6 và sau đó sẽ làm Lễ hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tro cốt của GS-TS Trần Văn Khê được đặt tại nhà theo đúng di nguyện của ông.
Với ông Trần Quang Minh (con trai GS-TS Trần Văn Khê) thì những kỷ niệm, hoài bão về cha, ông luôn muốn lưu giữ cho riêng mình. Ngoài niềm tự hào khi có một người cha được mọi người kính trọng, ông Minh còn chia sẻ:
"Tôi tự hào về cha tôi đơn giản là vì ông là người cha tốt. Người cha hết mực yêu thương con, ông không hề tạo áp lực cho những đứa con của mình. Và vì một điều đơn giản nhất, vì ông là cha tôi".
GS-TS
Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành,
tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông nguyên là Giám đốc Nghiên cứu,
Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của nước Cộng hòa Pháp.Thành viên
Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền là Chủ tịch Ban tuyển
chọn Quốc tế của Diễn đàn âm nhạc Châu Á. Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm
Khoa học, Văn Chương và Nghệ thuật Châu Âu.
Ông
là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sỹ Âm nhạc học vào năm 1958, với
luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Giáo sư Khê là người có bề dày
trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc và
văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có thể nói ông là người đã khiến thế giới
biết đến âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ.
Năm
1981, GS-TS Trần Văn Khê là người đỡ đầu cho CLB Tiếng hát Quê hương
thuộc Cung văn hóa lao động TPHCM. Bên cạnh đó, ông cũng không ngại công
sức để đi tìm những CLB mà nơi đó người trẻ đam mê về âm nhạc để khuyến
khích, tiếp sức về mặt tinh thần, truyền niềm tin vào mọi người vào sự
bảo tồn và phát triển của văn hóa Việt Nam. GS Trần Văn Khê không những
có một kiến thức sâu rộng về văn học, một người nghệ sĩ đa tài, mà còn
là một người giỏi chuyên môn, và cần cù với âm nhạc dân tộc, thầy đã đào
tạo không ít nghệ sĩ lớn của Việt Nam.
Ông
cũng là người hiến tặng cho TP HCM 420 kiện hiện vật quý, trong đó có
nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc, văn hóa Việt Nam nói
chung ra thế giới. Vì tấm lòng của mình đối với âm nhạc dân tộc nói
riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, ngoài sự kính trọng, yêu thương mà
mọi người dành cho ông.
|