Sáng nay (4/7), hơn 800.000 sĩ tử đã bước vào môn thi thứ nhất của các khối thi A, A1 và V. Hà Nội là điểm đến của nhiều sĩ tử ở các tỉnh thành đến dự thi, chính vì vậy, chặng đường chinh phục cổng trường Đại học còn muôn vàn khó khăn đối với các sĩ tử ở xa Hà Nội.
Kết thúc buổi thi, nhiều sĩ tử và phụ huynh chọn cách nghỉ ngơi ngay tại trường, các công viên, chùa hoặc nơi có bóng mát. Quãng thời gian nghỉ trưa ít ỏi, các bậc phụ huynh đã “cơm nắm cơm đùm” lo cho các sĩ tử ăn để có sức chiến đấu với môn thi buổi chiều. Những bữa cơm vội vàng của các sĩ tử được bày biện ngay giữa sân trường, dưới gốc cây. Những người bố, người mẹ nhìn con ăn mà trong lòng đau đáu lo âu.
Bữa cơm vội vàng của các sĩ tử và phụ huynh
Hai mẹ con cùng ăn cơm ở sân trường sau giờ thi
Vừa lấy thức ăn cho con, bác Quyết (ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi cách địa điểm thi mấy chục cây số nên không thuê phòng trọ cho tiết kiệm chi phí. Sáng nay trước khi đi thi, vợ dậy chuẩn bị hộp cơm cho hai bố con ăn trưa ngay tại trường, đỡ phải đi lại mà cháu lại có thời gian nghỉ ngơi trước khi vào thi”. Bữa cơm đạm bạc với ít ruốc bông và muối vừng, người cha nhìn con ăn trong lo lắng.
Con gái bác Quyết ước mơ trở thành một cô giáo dạy Hóa học, nên năm nay quyết tâm thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội. Thương gia đình khó khăn, nên con bác Quyết cũng không đòi hỏi phải nghỉ ngơi ở nhà nghỉ hay phòng trọ. "Mong sao cháu nó làm bài tốt, đỗ vào được đại học cho gia đình mừng" bác Quyết hi vọng.
Con gái bác Quyết năm nay thi vào ngành sư phạm Hóa học
Nhìn con ăn đầy lo lắng
Bên công viên Thủ Lệ, chúng tôi gặp mẹ con cô Huỳnh Thị Loan (Hải Dương, Hà Nội). Hai mẹ con đi thi từ 3h sáng để kịp giờ. “Trước lúc đi đã chuẩn bị cơm nước đầy đủ, nhưng gói vào túi bóng kín quá, lại để lâu, trời nắng nên thức ăn đã có mùi thiu, hai mẹ con lại phải lóc cóc đi mua cơm bụi để ăn” cô Loan buồn bã nói.
Huyền Thương - con gái cô Loan năm nay dự thi vào trường Học viện Ngoại Giao. Với thành tích cao về môn ngoại ngữ, Huyền Thương quyết tâm thi vào học viện Ngoại Giao để có công việc ổn định, sau này giúp đỡ bố mẹ.
Trước điểm thi Đại học giao thông vận tải, nhiều sĩ tử chọn cách ngồi trò chuyện nghỉ ngơi tại cầu bộ hành trước khi bước vào môn thi buổi chiều.
Chiều 4/7, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm môn Lý, thời gian 90 phút.
Một số sĩ tử được nhận cơm miễn phí của các nhóm từ thiện
Tranh thủ mắc võng nghỉ trưa
Hay ra hồ hóng mát sau giờ thi căng thẳng
Nữ sinh này đang đợi bố đi mua cơm về cùng ăn tại công viên Thủ Lệ
Một số sĩ tử và phụ huynh nghỉ trưa ngay tại cổng trường (Học viện Ngoại Giao)
Bố canh giấc ngủ cho con
Một số sĩ tử khác chọn cách trò chuyện cùng nhau trước khi bước vào môn thi buổi chiều
Hay chọn gầm cầu bộ hành làm nơi nghỉ trưa
Đặc biệt xúc động là sự giúp đỡ và hỗ trợ của các nhà hảo tâm dành cho những học sinh, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Rời khỏi phòng sau 3h đồng hồ làm bài thi môn Toán, nhiều thí sinh được sự giúp đỡ của nhà chùa, nhà hảo tâm đã có những suất cơm miễn phí “đặc biệt”.
Tại đình Khương Hạ, phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội có hơn 200 suất cơm phục vụ cho các phụ huynh, thí sinh sau buổi thi môn Toán. Nhiều phụ huynh, học sinh rất vui mừng khi được đón nhận những suất cơm “đặc biệt” này.
Phụ huynh cùng các thí sinh được ăn cơm và nghỉ trưa tại đình Khương Hạ.
Cô Trương Thị Tài quê ở Kiên Định, Thanh Hóa chia sẻ: “Dịp thi Đại học này, tôi đưa con gái là Trương Thị Việt Linh thi vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội lên đi thi. Hôm qua khi đến làm thủ tục, được các bạn sinh viên tình nguyện chỉ dẫn và phát phiếu ăn cơm chay miễn phí. Để không mất công đi tìm chỗ ăn nghỉ và chuẩn bị tâm lý cho buổi thi chiều, hai mẹ con đã đăng ký xin được ăn cơm trưa tại đình.
Khi đón nhận hai suất cơm từ tay các bạn sinh viên, cô Tài xúc động nói: Lần đầu tiên đi ra Hà Nội, được nhà chùa, nhà hảo tâm cùng các bạn sinh viên tiếp đón một cách chu đáo tôi thấy yên tâm hơn. Mặc dù là một bữa cơm chay, nhưng nó thể hiện những tấm lòng cao cả, thể hiện sự chia sẻ giữa con người với nhau.
Cô Tài rất vui khi được nhận cơm chay miễn phí tại đình Khương Hạ.
Khi được hỏi, nếu ăn cơm chay liệu có đảm bảo sức khỏe cho cháu vào thi môn buổi chiều, cô Tài cười và nói. Ở nhà hai mẹ con cũng thường xuyên ăn cơm chay, nhưng hôm nay ăn cơm chay ở đây tôi thấy ngon lắm rồi.
Đang ngồi cạnh chờ con trai ăn cơm, cô Nhã chia sẻ: Mặc dù nhà ở gần địa điểm thi, cơm canh cũng đã có người ở nhà nấu sẵn, tuy nhiên, do cháu thích ăn chay để cho may mắn nên tôi đã đăng ký một suất dành cho cháu.
Tại chùa Thánh Chúa (trong khuôn viên Đại học sư phạm Hà Nội) năm nay cũng có đến 350 suất cơm chay miễn phí dành cho các sĩ tử.
Các bạn sinh viên tình nguyện phát cơm cho các bạn thí sinh.
Bạn Nguyễn Văn Tuấn (quê ở TP Nam Định) cho biết: "Từ nhà trọ đến điểm thi tại trường Đại học sư phạm mất khoảng một tiếng nên em không thuê nhà trọ. Sáng 3/7, khi đi làm thủ tục dự thi còn rất băn khoăn tìm chỗ ăn và nghỉ trưa. Tuy nhiên, khi biết có cơm chay miễn phí nên em đăng ký ăn và nghỉ tại chỗ, vừa ngon, vừa dễ ăn, đồ nhà chùa tài trợ lại đủ dinh dưỡng".
Những suất cơm chay gồm cơm, sườn chay rán, ruốc chay, nem chay, rau xào, canh, nước gạo rang được phát đến tận tay các sĩ tử.
Một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được.
Z