Đến chợ Bến Thành, đi dọc đường Lê Thánh Tôn và hỏi “phố nail” thì không ai không biết, bởi dịch vụ nail (làm móng) nơi đây đã xuất hiện hơn 10 năm, và luôn nhộn nhịp người, đặc biệt là khách nữ.
Ở đây, ngoài dịch vụ làm móng, chị em cũng thoải mái… “tám quên sự đời” với các chủ tiệm dễ thương, vui tính và chiều khách hết mình. Theo bà Sáu (67 tuổi, người dân sống cuối hẻm) thì: “Con hẻm này khoảng 10 năm trước chỉ mở vài tiệm thôi, chủ yếu họ mở để phục vụ người nước ngoài. Thế nhưng vì tay nghề các chủ tiệm khéo nên khách trong nước cũng ghé thăm, rồi họ truyền tai nhau nên người biết đến con hẻm này ngày càng nhiều. Cũng vì thế mà các tiệm nail mở ra nhiều hơn, con hẻm ngày càng náo nhiệt và sôi động”.
Con hẻm nhỏ với các tiệm nail nối tiếp nhau, nhân viên và chủ tiệm đều ngồi trước cửa hàng để chờ khách.
Tuy các cửa tiệm mở cạnh bên nhau, nhưng các chủ hàng ở đây không hề lôi kéo hay tranh giành khách, nếu có một khách bước vào, là khách quen họ sẽ tiến thẳng đến tiệm "ruột" của mình. Nếu là khách lạ, họ sẽ được các chủ tiệm thay nhau mời và có quyền chọn lựa một tiệm nail ưng ý. Giá cả ở đây có rất nhiều loại, tùy theo vệ sinh móng, sơn, cẩn hạt… giá có thể từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng. Đa số khách hàng đến các cửa tiệm thường mang theo bộ kềm và yêu cầu chủ tiệm sử dụng nó để phục vụ cho họ.
Những năm gần đây, khách nước ngoài ít ghé các tiệm nail này hơn, số đông chọn dịch vụ là người trong nước. Theo một vài tiệm làm đẹp nơi đây thì có thể vì ngại phải dùng chung bộ dụng cụ, hoặc những dịch vụ bên ngoài thường xuyên "chặt chém", người nước ngoài lại không hiểu tiếng Việt, thợ nơi đây hạn chế tiếng Anh, nên số lượng khách nước ngoài đến đây mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy giá ở các tiệm này hơi đắt so với các salon lớn nhưng khách hàng vẫn thích ghé vào đây vì không phải chờ đợi lâu.
Các chủ tiệm luôn thân thiện với khách, ngoài việc vui vẻ tư vấn cho khách những bộ móng ưng ý, họ luôn trò chuyện với khách khi đang chăm chú làm, khiến không khí ở đây luôn vui tươi, thoải mái. Chị Phan Ánh Đào (Q.3, TP. HCM) cho biết: “Tuy tôi ở quận 3, nhưng tôi lại thích làm móng ở đây hơn. Thông thường tôi chỉ vệ sinh móng tay và chân. Giá ở đây hơi đắt hơn các tiệm nail lớn nhưng tôi không phải chờ đợi, được trò chuyện thoải mái và chủ tiệm ở đây rất chiều khách”.
Người thợ làm nail vừa tập trung làm việc vừa trò chuyện để khách vui vẻ và thoải mái hơn.
Mặc dù làm nail trong hẻm, nhưng thợ làm nail ở đây là những người có kinh nghiệm lâu năm, họ phải nắm vững kỹ thuật từ việc vệ sinh móng đến đính hạt, vẽ móng… Và việc cần thiết nhất là họ phải hiểu khách cần gì và muốn thực hiện như thế nào.
Chị Quyên (thợ làm nail) chia sẻ: “Tôi làm ở đây đã được 8 năm, tôi và người chị hùn vốn để mở tiệm, làm nail thấy vậy nhưng không chỉ đơn giản là cầm kềm và cắt móng, tôi phải đi học nghề 2 năm, rồi tự học thêm các kiểu móng mới để kịp thời đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Trong lúc làm móng cho khách, mình phải luôn niềm nở, và chiều chuộng khách, nếu không lần sau họ sẽ chọn các tiệm kế bên. Cho dù hôm đó mình mệt mỏi hay có chuyện không vui cũng phải luôn mỉm cười”.
Tùy nhu cầu, thị hiếu khách hàng, theo thời gian chủ tiệm nail sẽ đưa ra nhiều dịch vụ và kiểu nail mới để thu hút khách.
Một ngày tiệm nail ở đây mở cửa từ khoảng 9 giờ sáng đến khi hết khách mới đóng cửa. Mỗi ngày có từ 10 đến 20 lượt khách đến làm đẹp. Tuy nhiên, nếu trừ tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, và vốn nhập nước sơn… thì một tháng chủ tiệm chỉ thu nhập được hơn 3 triệu đồng. “Tuy thu nhập thấp, nhưng làm lâu cảm thấy yêu nghề, yêu sự náo nhiệt nơi đây nên tôi vẫn bám trụ với nghề, nếu chuyển sang nghề khác thì nhớ lắm” - chị Nhung (39 tuổi, chủ một cửa tiệm) chia sẻ.
Gần đây do nhu cầu của khách ngày một tăng, nên các chủ tiệm phải phục vụ thêm nhu cầu mát-xa tay, chân, nhập các sản phẩm làm đẹp từ Hàn Quốc về,… nhằm tăng tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của chị em phụ nữ.