"Nhiều người giống em nữ sinh kia, cho rằng lên Facebook chỉ là nói xấu sau lưng"

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 01:17 04/11/2015

Vậy, tâm sự, bày tỏ quan điểm hay đưa ra thông tin nào đó trên Facebook, tự do đến đâu thì được coi là giới hạn? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Long – một Blogger "quen mặt" trong lĩnh vực Truyền Thông Xã Hội.

Một nữ sinh lên facebook mắng giáo viên và kết quả là bị buộc đình chỉ học 10 ngày, một phụ huynh trót dùng facebook để lên tiếng chê cà vạt của con ở trường xấu khiến đứa trẻ bị đuổi học... Một thế giới ảo như facebook, hóa ra lại chẳng "ảo" chút nào. Mọi chia sẻ ở không gian tưởng như rất cá nhân, nghĩ gì nói nấy - lại đang có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thực tại của chính những người dùng mạng.

1-6c568
Một bà mẹ lên tiếng chê cà vạt ở trường xấu khiến con mình bị đuổi học.

Vậy, tâm sự trên Facebook, bày tỏ suy nghĩ - quan điểm trên Facebook hay thậm chí cung cấp một thông tin nào đó trên Facebook, tự do đến đâu thì được coi là giới hạn? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Long – một Blogger "quen mặt" trong lĩnh vực Truyền Thông Xã Hội. 

Từ câu chuyện nữ sinh bị buộc thôi học 10 ngày vì lên facebook mắng giáo viên

Xin chào anh Ngọc Long! Mới đây, hẳn anh đã nghe nói chuyện một nữ sinh lên facebook xúc phạm cô giáo và kết quả là bị đình chỉ học 10 ngày? Trong trường hợp này, anh đánh giá như thế nào về cách cư xử của nhà trường? 

Khi bạn xin vào trường học, bạn phải mặc nhiên tuân thủ nội quy dù có thích hay không. Nhà trường đã chiếu theo nội quy để phạt thì đương nhiên việc đó là hợp lý. Còn xét đến mức độ nặng nhẹ, tôi cho là không cần thiết. Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Tôi chỉ suy nghĩ, liệu có cách nào "không quá nặng nề" mà vẫn giúp học sinh ý thức được mình đã làm sai một cách tâm phục khẩu phục để từ đó thực tâm sửa đổi hay không?

Nếu là anh, anh sẽ làm gì để nữ sinh kia hiểu ra và không tái phạm?

Nếu là tôi, tôi chọn phương án đối thoại, hay chính xác hơn là tâm tình với em học sinh này, để tìm hiểu xem động cơ sâu xa phía sau hành động lên facebook xúc phạm giáo viên đó là gì? Không loại trừ khả năng em đó cho rằng "chém gió" trên facebook là vô tội. Hoặc em đó không nhận thức đầy đủ những tổn thương mà em có thể gây ra cho giáo viên của mình. 

Tôi lấy một thí dụ rất đơn giản, nhiều người vẫn lên facebook bình phẩm về ca sỹ này, người mẫu khác, vì họ cho rằng "nhân vật chính" sẽ không quan tâm, hoặc không đọc được. Mục đích của hành động này là "nói cho sướng miệng", chứ không hẳn là tìm cách để hạ bệ, xúc phạm hay làm tổn thương nhân vật bị nói tới. 

Tương tự, tôi tin rằng không một học sinh nào lại cho rằng xúc phạm giáo viên trước mặt giáo viên là "vô tội", nhưng rất hiếm em nào chưa từng một lần "nói xấu, bàn tán" sau lưng giáo viên. Chúng ta đều đã từng có trải nghiệm này. 

Chúng ta (khi còn là học sinh) ngồi học nhóm, đi ăn hàng, đi chơi với nhau và bình phẩm "ông lý hách dịch", "bà hoá khó tính quá", "bà văn thật không ưa nổi"... Chúng ta vô tư làm như vậy vì cứ mặc nhiên cho rằng "ông lý, bà hoá, bà văn" không nghe được và như thế là không xúc phạm họ. Cũng như em học sinh kia cứ cho rằng nói trên facebook cũng chỉ là "nói xấu sau lưng".

Nếu nhìn nhận theo khía cạnh ấy, tôi tin là cả giáo viên lẫn nhà trường đều thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn và sẽ đưa ra một "hình phạt" mềm mỏng, đúng người đúng tội và em học sinh cũng dễ "tiếp thu" hơn.

Facebook không phải là thế giới ảo - Nó rất gần với đời thực

Vậy nói rộng ra, đứng ở góc độ là một người làm truyền thông, anh nghĩ mạng xã hội, nhất là facebook có sức ảnh hưởng như thế nào đối với các lĩnh vực đời sống xã hội?

Xét về góc độ truyền thông thì MXH là một kênh truyền thông có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Mọi người có xu hướng càng lúc càng coi trọng kênh truyền thông này hơn nhiều kênh truyền thông có “thâm niên” như Radio, báo chí, truyền hình. Các chính khách như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ Y tế, Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc Gia… cũng chú trọng sử dụng mạng xã hội để gây dựng hình ảnh, giao tiếp với nhân dân và lắng nghe những ý kiến đa chiều. 

Tôi nghĩ, xu hướng này mang tính tất yếu và tích cực.

MXH là xã hội trên mạng (bao gồm cả mạng điện thoại chứ không chỉ mạng Internet). Như vậy, với sự phổ biến của các thiết bị kết nối (như máy tính, điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV thông minh, nhà thông minh, xe thông minh…) cũng như Internet và 3G, thì số lượng “công dân” trên mạng xã hội “ảo” này đủ lớn để có thể đại diện cho xã hội thực.

Hơn nữa, dù một số đại diện tiêu biểu của MXH (thí dụ như google, facebook…) luôn khuyến khích người dùng hoạt động một cách chính danh, thì đặc thù của MXH vẫn cho phép họ hoàn toàn ẩn danh nếu muốn. Chính tính chất này đã khuyến khích mọi “cư dân” trên mạng xã hội có xu hướng bày tỏ chính kiến một cách tích cực hơn ngoài đời thực. Thí dụ những “tai nạn” như bị lừa đảo, bị lạm dụng, bị quấy rối… có thể khiến nhiều người e ngại không chia sẻ với bạn bè người thân, nhưng lại sẵn sàng tâm sự trên mạng xã hội một cách chân thực và đầy đủ.

Mặt trái của tính ẩn danh này là đôi khi, những câu chuyện chưa có căn cứ, do những nickname ảo chia sẻ nhưng nghe “có vẻ thật” sẽ được phát tán rất nhanh và vượt quá tầm kiểm soát của người sử dụng MXH.

IMG_1014 (1)-05ea0
Blogger truyền thông xã hội - Nguyễn Ngọc Long.

- Anh vừa nói rằng MXH có tính ẩn danh nên chúng ta có thể thoải mái chia sẻ câu chuyện cá nhân. Có vẻ như, đó cũng chính là tâm lý của nhiều người Việt Nam khi họ cho rằng, facebook hoàn toàn là môi trường ảo và có thể thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, họ lại không hề nghĩ, nếu không để chế độ "private" (riêng tư) thì thông tin sẽ đi rất xa, ảnh hưởng đến nhiều người. Vậy, khi đó, trách nhiệm của người sử dụng facebook là gì?

Mạng xã hội có tính ẩn danh chứ không phải vô danh. Trừ khi bạn là siêu hacker và có kiến thức cực kỳ uyên thâm về mạng máy tính, còn không thì tính ẩn danh đó chỉ có tác dụng “minh hoạ cho vui” là chính. Nếu làm gì phạm pháp, cơ quan chức năng hoàn toàn truy ra được danh tính thật cho dù các bạn có giỏi che giấu đến thế nào.

Thêm nữa, nhận thức rằng MXH, mà thông dụng nhất ở Việt Nam là facebook, chỉ là mạng ảo nên thích nói gì làm gì cũng được là quá sai lầm. 

Thứ nhất, khi đăng ký một tài khoản trên facebook, bạn sẽ phải chịu sự ràng buộc của rất nhiều quy tắc, quy định mà MXH này đã đặt ra. Ví dụ như trang mạng này không khuyến khích các thông tin miệt thị, xúc phạm tôn giáo hay phân biệt chủng tộc; phát tán clip sex hay các video ngược đãi động vật... Tất nhiên, các quy định này luôn có độ “xê dịch” nhất định khi áp dụng vào từng quốc gia và vũng lãnh thổ, cũng như từng trường hợp cụ thể. Nếu vi phạm, bạn sẽ bị xử lý. Nhẹ thì xóa nội dung đăng tải, nặng thì cấm tương tác (likes, comments…) thậm chí là xóa bỏ vĩnh viễn tài khoản.

Thứ hai, là một công dân của nước Việt Nam, chúng ta hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về tất cả phát ngôn của bản thân, sống và làm việc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đừng nghĩ facebook là ảo nên không ai biết chúng ta là ai, cũng đừng nghĩ là có thể viết bậy rồi xóa đi theo kiểu “lời nói gió bay”, là phủi tay xong trách nhiệm. Hành vi vi phạm pháp luật nếu có của chúng ta được ghi nhận ngay từ khi chúng ta đăng tải các nội dung lên mạng.

Một ví dụ thực tế là mới đây, kẻ tung tin đồn Tú Linh giật người yêu đã phải lên tiếng xin lỗi hot girl này. Tương tự, người dựng chuyện có kẻ biến thái chuyên rạch đùi nữ sinh bằng dao lam có máu nhiễm HIV đã bị công an bắt tạm giam để điều tra... Luật pháp hiện nay đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đăng tải thông tin trên MXH theo cả khía cạnh dân sự và hình sự.

12042667_1645892879031531_3702053870731656384_n-162fa
Những lời nói về mối quan hệ của Tú Linh và Q đều là không có thật, tất cả đều được "chém gió" trong lúc cao hứng.

Thứ ba, chúng ta sống trong một cộng đồng nên chịu ràng buộc của các chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán của dân tộc, vùng miền, các mối quan hệ xã hội, công việc của chúng ta. Mặc dù yếu tố cuối cùng này được coi như “luật bất thành văn” nhưng nó vẫn có tác động rất lớn đến những hành vi của mỗi người trên facebook.

Tôi lấy thí dụ trường hợp cô giáo mầm non lên mạng khoe ảnh ăn mặc mát mẻ, nữ công an tung ảnh hở hang... những điều đó cho dù chưa tới mức vi phạm luật pháp hay quy định của facebook nhưng dễ bị coi là vi phạm thuần phong mỹ tục. Hoặc như trường hợp mới đây, người mẹ lên facebook chê cà vạt nhà trường xấu dẫn đến kết quả con bị đuổi học. Tất nhiên là nhà trường đã làm sai nhưng qua đó cũng là bài học về sự chia sẻ, góp ý cho nhau và là một minh chứng rằng những chia sẻ trên MXH đang có tác động trực tiếp đến cuộc sống đời thường của mỗi cá nhân.

- Nếu nói MXH không đơn thuần là không gian ảo thì theo anh, đó có còn là không gian để mọi người thoải mái tâm tình chuyện riêng hay không và mỗi chúng ta sẽ phải làm thế nào để sử dụng nó một cách thông minh hơn?

Mạng xã hội, cụ thể là facebook, đến giờ phút này vẫn hoàn toàn có thể trở thành một không gian riêng tư khi bạn thực hiện đúng 5 bước dưới đây. 

Thứ nhất, chuyển chế độ chia sẻ của bài viết từ “công cộng” qua thành “bạn bè”. Thậm chí, chỉ chia sẻ bài viết cho một số người nhất định mà bạn cho rằng có thể chia sẻ và đồng cảm được.

Thứ hai, hãy sử dụng tông giọng, ngôn từ một cách nghiêm túc; tránh dùng từ ngữ nhí nhố, bông đùa; tránh dùng các biểu tượng mặt cười và sticker trong bài viết. Khi này, người đọc đủ nhạy cảm để hiểu bạn đang muốn chia sẻ một cách rất nghiêm túc.

Thứ ba, hãy nêu rõ thông điệp vào đầu hoặc cuối bài viết, rằng đây là những chia sẻ cá nhân và hy vọng sẽ được đáp lại bằng tinh thần thiện chí. 

Thứ tư, hãy xoá đi những comment không mang tinh thần chia sẻ. Tránh để mọi người “vào hùa” và khiến câu chuyện bị đẩy đi hướng khác.

Thứ năm, hãy block luôn và ngay những account cố tình phá rối.

Làm cách nào để tránh sập bẫy lừa thông tin ảo trên MXH?

- Hiện nay, rất nhiều cá nhân lên MXH tung tin đồn nhảm để "câu like", nói xấu người khác nhưng nhiều người dùng facebook, không cần biết là đúng hay sai đã vội tin theo hoặc "hô hào" nhau vào chửi bới tập thể nhân vật chính bị nói xấu trên mạng? Anh nghĩ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Việc này cũng là một hệ quả từ suy nghĩ rằng facebook là ảo. Họ nghĩ, tài khoản của họ chỉ là một con người ảo, nên trách nhiệm cũng ảo và hậu quả gây ra là ảo. Thế nên họ sẽ thoải mái hùa theo đám đông để chì chiết người khác. Điều này không hẳn thể hiện bản tính hiền lành hay độc ác, mà do suy nghĩ đơn giản rằng mọi thứ là ảo nên cũng chẳng sao!

Ví dụ như mới đây có vụ việc nữ sinh tự tử vì bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Nếu đơn giản là chuyện tế nhị bị công khai có lẽ cô nữ sinh ấy sẽ không bị ảnh hưởng nặng như thế. Cái chết của cô bé ấy phần nhiều vì áp lực của dư luận xã hội. Cộng đồng mạng có sức nặng ghê gớm khi đấu tranh bảo vệ công lý thì cũng có khả năng tàn phá không thương tiếc những mảnh đời bất hạnh khi vô tình bị kéo vào những thị phi trên thế giới ảo.

Các tin đồn trên Facebook khi được phát tán sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông. Tính ẩn danh và những điều kiện khác của không gian ảo cho phép con người ta đôi khi đi quá những quy tắc, chuẩn mực mà họ vốn tuân theo trong cuộc sống. Trước những sự việc chưa phân rõ đúng sai nhưng cộng đồng mạng tin đó là đúng, họ sẵn sàng lao vào chửi bới không thương tiếc và vẫn đinh ninh rằng mình là người làm đúng.

facebook1-a7b6d (1)-5625a
MXH có tính ẩn danh nhưng đó không phải là thế giới ảo để ai đó thích chia sẻ điều gì cũng được.

- Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để tránh bị sập bẫy lừa trước những thông tin ảo như vậy?

Muốn không có thông tin ảo trên MXH thì trước hết, phải không có người tung tin ảo. Chúng ta phải sử dụng đến các chế tài về luật pháp, quy tắc đạo đức để ràng buộc họ. Hiện nay, phần nhiều mọi người đều không biết đến những giới hạn ấy thì chúng ta phải thực hiện tuyên truyền cho họ hiểu, thông qua những chiến dịch truyền thông bám sát với lớp tuổi trẻ. Phải thực hiện ngay, tránh để ảnh hưởng đến nhiều thế hệ kế tiếp.

Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội dân sự - các tổ chức phi chính phủ hoàn toàn có thể nhận lãnh trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Nếu có một tổ chức chuyên thẩm định và ngay lập tức xác tín được những thông tin trên mạng xã hội là đúng hay sai, cung cấp được các công cụ hữu hiệu để người dùng mạng tự thẩm định được thông tin đồng thời đứng ra bảo vệ, người bị hại, lên tiếng và kêu gọi người dùng facebook nâng cao văn hóa sử dụng MXH là một gợi ý hay và rất khả thi.

Tôi từng tham gia khóa tập huấn do một đại diện xã hội dân sự của Philippines đảm trách. Họ chia sẻ rằng ở đất nước họ, việc giáo dục ý thức sử dụng MXH trong lứa tuổi thanh thiếu niên rất được coi trọng. Họ thông qua hệ thống trường học và các mạng lưới cộng đồng để làm tốt việc này. Khái niệm "bắt nạt online" được bên đó nhắc đến rất nhiều và coi là một mục tiêu giáo dục phải đạt được có quy mô toàn quốc, nhằm ngăn chặn các tổn thương tiêu cực mà giới trẻ có thể mắc phải, giảm thiểu hậu quả tác động xấu đến cộng đồng và xã hội.

Đối với người dùng mạng, chúng ta nên tỉnh táo trước mọi thông tin trên MXH và tránh việc ùa theo, chỉ trích người khác khi chưa rõ trắng đen.

20140124111357-mang-xa-hoi-tung-hoanh-3f432
Mỗi người nên nâng cao cảnh giác trước khi tin vào bất cứ thông tin gì xuất hiện trên các trang MXH.

- Còn nếu vô tình bị kéo vào một vụ lùm xùm vô căn cứ trên mạng, anh có cách xử lí tình huống nào muốn chia sẻ? 

Như trường hợp của hot girl Tú Linh, cô này đã rất tỉnh táo khi nhờ công an vào cuộc can thiệp và buộc người nói xấu mình phải xin lỗi công khai, nhờ sự can thiệp của các admin diễn đàn lớn gỡ bỏ thông tin sai trái. Đây cũng là một bài học để nhiều người rút kinh nghiệm. Khi bị vướng vào tin đồn nhảm trên facebook, chúng ta cần bình tĩnh và suy nghĩ xem mình nên sử dụng công cụ nào để gây sức ép ngược lại với đối tượng đang có hành vi xấu với mình?

Thứ nhất, chúng ta hãy nghĩ đến quy định của facebook. Chẳng hạn nếu bị tung clip sex, như trường hợp nữ sinh tự tử như tôi vừa nói, chúng ta nên bình tĩnh thực hiện thao tác đầu tiên là báo cáo với facebook "block" toàn bộ nội dung đó xuất hiện trên facebook. Cách làm đơn giản là chuyển facebook về giao diện tiếng Việt, click vào lá cờ màu đỏ bên góc tay phải và thực hiện báo cáo theo hướng dẫn từng bước. Trong một số trường hợp “nguy hiểm” hơn, hãy gửi email cho bộ phận hỗ trợ của facebook để nhận được trợ giúp “sâu” hơn. 

Thứ hai, chúng ta sử dụng các giới hạn về mặt luật pháp. Hiện nay có rất nhiều văn phòng luật sư, các toà soạn báo, website có dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí. Hãy nhờ sự tư vấn của họ để trước hết nắm rõ tình hình đúng sai về mặt luật. Sau đó, chính họ sẽ tư vấn cho bạn, trong trường hợp cần thiết, có thể gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật nào là phù hợp.

Cuối cùng, chúng ta có thể sử dụng các mối quan hệ xã hội cũng như chuẩn mực đạo đức để kêu gọi cộng đồng lên tiếng bảo vệ mình. Tất nhiên, việc này sẽ có tác dụng lớn khi đối tượng tấn công chúng ta có danh tính cụ thể. Nhưng ngay cả trong trường hợp ẩn danh, mình vẫn cứ làm. Facebook hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng, nên sự lên tiếng, cụ thể là việc “báo cáo” của một số lượng lớn người dùng sẽ khiến mạng xã hội này phải lưu tâm và có các biện pháp phù hợp.

- Bản thân anh có khi nào chịu sức ép dư luận và khi đó, anh đã làm như thế nào để vượt qua?

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong ngành truyền thông và đặc biệt là truyền thông xã hội, tôi đã thực hiện rất nhiều dự án mang tính gây sốc cộng đồng. Cho nên, việc hứng chịu gạch đá của cộng đồng mạng tôi đã quen rồi. Tôi hiểu, khi mình có đủ bản lĩnh để đối mặt, thì những gạch đá đó hoàn toàn vô hiệu. Thế nên, tôi không sợ cái gọi là sức ép dư luận.  

Khi làm một cái gì đó có thể gây ra sóng gió, thì mình phải ý thức từ đầu rằng mọi thứ sẽ tiến triển thế nào. Đỉnh điểm của những ngọn sóng ấy sẽ cao tới đâu, gây ra phản ứng gì? Mình có sẵn sàng đón nhận hay không? Nếu câu trả lời là có, và mình đã chuẩn bị trước tâm lý để đối đầu, thì thực ra có “dư luận” này kia cũng là trong chủ đích của mình thôi nên không có gì e ngại.

Quan trọng nhất là mình đừng làm gì xấu, đừng làm gì vi phạm pháp luật là mình có được sự an toàn cần thiết. Còn các ý kiến trái chiều hay chưa đồng thuận chỉ đơn giản là vấn đề quan điểm của các bên phải có sự lệch pha. Đó là sự đa dạng của cuộc sống và là lẽ đương nhiên.

- Xin cảm ơn anh Ngọc Long đã tham gia cuộc chia sẻ thú vị này, chúc anh sức khỏe và thành công trong cuộc sống!

Nguyễn Ngọc Long (nickname Long Blackmoon, SN 1983) là một blogger nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Anh đã từng tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi về kỹ năng mềm, các vấn đề được các bạn trẻ quan tâm.

Năm 2014, anh xuất bản cuốn sách "Tử tế là". 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày